Aa

Mùi no ấm

Chủ Nhật, 08/11/2020 - 07:00

Cái màu vàng óng trong nắng chiều của lúa đang chín, cùng mùi hương thơm đặc biệt mà mãi sau này tôi mới định được danh của nó là mùi gì ấy, đi theo tôi suốt cả cuộc đời…

Hàng năm cứ đến cuối tháng tám đầu tháng chín âm lịch, khi những cơn mưa rào hầu như đã dứt, gió bắt đầu hiu hiu lạnh. Ngoài cánh đồng lúa cạnh làng tôi nước bắt đầu cạn, bùn se se, những bông lúa trên ruộng cong mẩy chuyển sang màu vàng. 

Khi ấy cả cánh đồng trong những buổi chiều tà mặt trời sắp xuống ở phía Tây óng lên một màu vàng rực rỡ. Một màu vàng đẹp đẽ mê hoặc mà những buổi chiều lang thang qua những thửa ruộng đang tháo nước cạn để bước vào mùa gặt, tìm kiếm con cua con cá bị mắc kẹt giữa những gốc lúa tôi vẫn mê mải nhiều khi đến thẫn thờ ngắm. 

Cái màu vàng óng trong nắng chiều của lúa đang chín, cùng mùi hương thơm đặc biệt mà mãi sau này tôi mới định được danh của nó là mùi gì ấy, đi theo tôi suốt cả cuộc đời…

Xưa mẹ tôi hay ca thán, “tháng tám đói qua, tháng ba đói gắt”. Điều này thì chúng tôi rõ lắm. Tháng ba thỉnh thoảng vẫn còn cơn rét sắt người. Lúa ngoài đồng thì còn lâu mới chín. Khoai trên bãi chưa to củ, ngô chưa chắc hạt mà thóc trong bồ nhà tôi vơi lắm rồi. Mẹ tôi xoay sở bán buôn khắp các chợ phiên trong vùng để kiếm thêm cái gì cho vào những cái bụng háu đói của đàn con đang lớn. Nhưng cũng chả đủ. Lúc nào cũng đói quay đói quắt. 

Những hôm trời trở rét nàng Bân gì đấy, càng đói hơn. Đói và rét hình như nó bổ sung cho nhau, cái nọ làm cái kia đậm đà hơn, gay gắt hơn, thấm thía hơn… Mùa tháng tám cũng đói nhưng đỡ hơn. Rau dưa ngoài bãi, củ quả trong vườn chín nhiều, thiếu gạo thì cũng có thêm nhiều cái cho vào bụng đỡ cái cơn đói truyền kiếp kia. 

Và cũng rất nhanh thôi, sang tháng chín tháng mười lúa mùa đã được gặt về. Lúa được đập, thóc được phơi khô. Những con rơm được rải tung ra khắp đường làng. Rồi xay giã sàng sẩy. Nồi cơm gạo mới thơm lừng trong bếp từng nhà, quyện với mùi rơm mới ngai ngái thơm thơm mênh mang khắp ngõ xóm. Bọn trẻ choai chúng tôi khi xưa thường “rửng mỡ”- lời mẹ tôi, chơi đùa hò hét, vật nhau trên những đống rơm như “lũ giặc con”, để rồi đến bữa về nhà ăn bát cơm gạo mới với canh cua, cá kho gì đó đến thùng nồi trôi rế. Ăn đến không biết thế nào là no…

Khi còn bé ở làng tôi cũng không để ý đến cái mùi thơm của nồi cơm gạo mới đang sôi từ bếp các nhà tỏa ra, quyện với mùi rơm mới đang phơi ở sân ở đường làng nó thơm một mùi đầm ấm làm sao. Mãi sau này khi cuộc đời đưa đẩy, tôi đã từng phải trải qua những năm tháng đói khát cùng cực, cơm hẩm cá khô mục trên rừng núi phía Bắc, lúc ấy tôi mới nhớ cái mùi thơm nồng nàn của những buổi trưa mùa gặt năm xưa ở làng quê. 

Nhớ da diết. Nhớ đến nỗi nằm trùm chăn kín đầu trong cái lán nhỏ giữa mưa rừng lạnh lẽo tôi hít một hơi dài, như cố tìm cái hương thơm, cái mùi của no ấm làng quê xa ngái của tôi…

Nay cuộc sống khác xa rồi. Hầu như tôi và đa số những người dân nước mình nếu không phải thiên tai bất ngờ thì chả mấy ai phải đói cơm ăn. Thế nhưng mỗi lần đi qua cánh đồng lúa ở bất kỳ miền quê nào là tôi lại hít một hơi thật sâu để cảm nhận lại cái mùi đặc sắc của đồng quê. 

Mùi lúa chín, mùi rơm thơm trộn lẫn mùi của đồng đất phù sa vừa khô ráo chân người gặt lúa. Tất cả những thứ đó hòa trộn với nhau ùa vào trong ký ức của tôi, vọng lên một mùi no ấm…    

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top