Aa

Bắc Giang: Nhiều tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong 8 tháng năm nay

Thứ Năm, 26/09/2024 - 10:00

Tháng 8 và 8 tháng năm nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang tiếp tục xu hướng tích cực, đáng chú ý là sản xuất công nghiệp đạt kết quả tốt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.

Bắc Giang: Nhiều tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong 8 tháng năm nay- Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Giang còn được biết đến là một thủ phủ công nghiệp miền Bắc với sức hút đầu tư mạnh mẽ. Ảnh: Trọng Hiếu

Những tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ

Báo cáo số 56/BC-UBND ngày 27/82024 của tỉnh Bắc Giang về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh đã có những tín hiệu khả quan.

Năm 2022, tốc độ tăng trường kinh tế toàn tỉnh đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước; năm 2023 đạt 13,45% gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước và vươn lên vị trí dẫn đầu. Trong 8 tháng đầu năm, Bắc Giang vẫn giữ vững tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng về tăng thu hút đầu tư trong cả nước.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 28,27% so với tháng 8/2023, tăng 1,74% so với tháng 7/2024; chỉ số 8 tháng tăng 27,59% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng ước giảm 5,45%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 28,87%; ngành sản xuất, phân phối điện ước giảm 5,99%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải ước tăng 5,5%.

Bắc Giang: Nhiều tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong 8 tháng năm nay- Ảnh 2.

Hệ thống giao thông tỉnh Bắc Giang thuận tiện cho việc phát triển công nghiệp. (Ảnh: bacgiang.gov.vn)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao là nhờ sự tăng trưởng mạnh của một số công ty lớn trong ngành sản xuất sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử như: Công ty Luxshare Vân Trung (doanh thu tháng 8/2024 ước đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 29,74% so cùng kỳ); Công ty Fukang (doanh thu tháng 8/2024 ước đạt 12.586 tỷ đồng, tăng 49,3 lần so cùng kỳ); Công ty Hana Micon (doanh thu tháng 8/2024 ước đạt 719 tỷ, tăng 68.74% so cùng kỳ).

Đồng thời, có một số ngành sản xuất có tỷ trọng tăng cao, như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, quang học, linh kiện điện tử tăng 59,65%. Các sản phẩm chủ lực có mức tăng mạnh, như: đồng hồ thông minh, tai nghe, máy tính xách tay, Ipad...

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 ước đạt 74.035 tỷ đồng (tăng 2,7% so với tháng 7); 8 tháng ước đạt 438.604 tỷ đồng (tăng 28,7% so với cùng kỳ, bằng 65,9% kế hoạch). Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước 7.227 tỷ đồng (giảm 2,48%); kinh tế ngoài Nhà nước 46.487,8 tỷ đồng (tăng 19,55%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 384.888,7 tỷ đồng (tăng 30,67%).

Về thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 5.693 tỷ đồng (tăng 1,4% so với tháng 7, tăng 17,2% so cùng kỳ); 8 tháng đạt 43.822 tỷ đồng (tăng 16,6% so cùng kỳ, bằng 68,5% kế hoạch). Trong đó, tổng mức bán lẻ 8 tháng đạt 30.832 tỷ đồng (tăng 16,4%); doanh thu dịch vụ đạt 12.990 tỷ đồng (tăng 17,1%).

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn 8 tháng đạt gần 34,2 tỷ USD (tăng 23,5% so với cùng kỳ, đạt 57% kế hoạch); trong đó, xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD (tăng 22,3%, đạt 54,8% kế hoạch); nhập khẩu 16,12 tỷ USD (tăng 24,9%, đạt 59,7% kế hoạch).

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Bên cạnh những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại và dịch vụ, quy mô phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục được mở rộng, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đặc biệt chú trọng thực hiện.

Bắc Giang: Nhiều tăng trưởng ấn tượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong 8 tháng năm nay- Ảnh 3.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao là nhờ sự tăng trưởng mạnh của một số công ty lớn trong ngành sản xuất sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử. (Ảnh: Trong Hiếu)

Về thu ngân sách Nhà nước và thực hiện kế hoạch đầu tư công, tổng thu nội địa trên địa bàn tháng 8 ước đạt 958 tỷ đồng (bằng 7% dự toán); 8 tháng ước đạt 10.860,5 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ, bằng 75,6% dự toán). Đến nay, đã có 4/15 khoản thu vượt dự toán, bao gồm: doanh nghiệp FDI đạt 2.638,8 tỷ đồng, vượt 21,3%, cấp quyền khai thác khoáng sản 58,9 tỷ đồng, gấp 1,7 lần dự toán; thu từ doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn 77,14 tỷ đồng, vượt 46%, thu khác ngân sách 639,4 tỷ đồng, vượt 86,1%.

Có 9/15 khoản thu đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Còn 2/15 khoản thu đạt dưới 50% dự toán, trong đó thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 13 tỷ đồng (bằng 31,1%); thu tiền cho thuê mặt đất đạt 103,7 tỷ đồng (bằng 25,9%). Có 9/10 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, trong đó nổi bật là Lạng Giang đạt 1.095 tỷ đồng (vượt 3,7% dự toán); Lục Ngạn đạt 302,3 tỷ đồng (vượt 6% dự toán), Hiệp Hòa là 621,3 tỷ đồng (đạt 95,9% dự toán)...

Tính đến hết ngày 15/8 vừa qua, tổng các nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư do tỉnh quản lý là 10.448,6 tỷ đồng, trong đó: vốn giao năm 2024 là 9.902,4 tỷ đồng; vốn kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 là 546,2 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân chung đạt 3.691,2 tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch (đạt xấp xỉ cùng kỳ là 40,2% kế hoạch). Hiện có 02/07 dự án khởi công mới do cấp tỉnh quản lý đã khởi công.

Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong tháng 8, toàn tỉnh đã thu hút được 85,67 triệu USD vốn đầu tư quy đổi (gấp 1,16 lần tháng 8/2023); lũy kế 08 tháng đạt 1.624,51 triệu USD (bằng 97% cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, cấp mới 19 dự án trong nước, vốn đăng ký 11.506 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2023 và 47 dự án FDI, vốn đăng ký 351,2 triệu USD bằng 28% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn bổ sung 2.555,7 tỷ đồng và 47 dự án FDI, vốn đăng ký tăng thêm là 710,83 triệu USD gấp 3,4 lần cùng kỳ. Trong 8 tháng, toàn tỉnh có 1.216 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký là 9.917 tỷ đồng, bên cạnh đó có 98 chi nhánh, văn phòng đại diện được đăng ký.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những mặt khó khăn, thách thức, cụ thể:

Một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất đồ uống, sản xuất thiết bị điện nhất là sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

Ngành sản xuất đồ uống ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 giảm 49,98%, do ảnh hưởng từ một số chính sách của Nhà nước.

Ngành sản xuất thiết bị điện ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 giảm 28,85%, chủ yếu ở các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời bị giảm đơn hàng từ đầu năm tới quý II lại giảm sâu hơn.

Thu hút đầu tư các dự án FDI mới và phát triển doanh nghiệp giảm hơn cùng kỳ.

Mặc dù thu ngân sách đã cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ, song vẫn có huyện đạt thu rất thấp. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét, thấp hơn cùng kỳ. Do nhu cầu lớn, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top