Phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn
Sáng 13/11, tại Bắc Giang, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển Nhà ở xã hội trong thời kỳ mới", nhằm tìm ra cơ sở khoa học về lý luận, thực tiễn để giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội (NOXH).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Chí Vinh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang - cho biết, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Đến nay, Bắc Giang đã có 9 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất khu công nghiệp là gần 2.400ha; trong đó có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với 479 dự án, gần 200 nghìn lao động.
Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với 29 khu công nghiệp và 63 cụm công nghiệp, quy mô trên 10.000ha, nhu cầu sử dụng khoảng 1 triệu lao động, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh.
Cùng với những đối tượng chính sách khác, những lao động này đang có nhu cầu rất lớn về chỗ ở, đặc biệt là NOXH. Dự báo đến năm 2025, có khoảng hơn 57.000 công nhân có nhu cầu về NOXH, tương đương khoảng 31.000 căn hộ; đến năm 2030 có hơn 104.000 công nhân có nhu cầu về NOXH, tương đương 60.000 căn hộ.
"Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 15 dự án NOXH (trong đó có 3 dự án đã hoàn thành với tổng số 3.778 căn hộ, đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân và người có thu nhập thấp), còn lại 12 dự án đang triển khai thực hiện (có 4 dự án đã được cấp phép xây dựng và đang triển khai đầu tư xây dựng; 8 dự án đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện các thủ tục về đất đai)", Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, hiện nay việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển NOXH trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung còn nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, số NOXH hiện có mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế (tại Bắc Giang mới đạt được khoảng trên 15% nhu cầu). Việc thực hiện giải phóng mặt bằng của các dự án gặp nhiều khó khăn.
Việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất còn mất nhiều thời gian. Phần lớn các dự án đều thực hiện chậm so với kế hoạch đặt ra; một số chủ đầu tư dự án NOXH chưa tích cực, chủ động triển khai xây dựng.
Ngoài ra, tính đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu NOXH hiện chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu hụt các thiết chế văn hóa, thể thao, các hạ tầng xã hội thiết yếu khác….
Việc xét duyệt các đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách NOXH theo quy định pháp luật hiện hành còn chồng chéo, khó triển khai thực hiện tại địa phương. Tại nhiều dự án, NOXH không đến tay đúng đối tượng thụ hưởng, tạo nhiều dư luận và bức xúc trong cộng đồng.
Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NOXH chưa đủ hấp dẫn, do vậy chưa thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Việc vay vốn ưu đãi của các nhà đầu tư theo gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng của Chính phủ triển khai rất chậm, do các điều kiện đặt ra còn nhiều khó khăn.
Kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp
Liên quan tình trạng chậm triển khai các dự án NOXH, ông Nguyễn Huy Chuyên - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang - cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có mặt bằng sạch; vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, do người dân không phối hợp thực hiện, không nhận tiền đền bù, có nơi người dân phản đối dẫn đến phải thực hiện cưỡng chế, công tác quy chủ, kiểm đếm tài sản làm căn cứ để phê duyệt phương án bồi thường và tổ chức chi trả thực hiện rất chậm.
Bên cạnh đó, ông Chuyên cũng cho biết, hiện nay, quỹ đất nhà ở xã hội mới được bố trí trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa có hạ tầng; việc tách riêng quỹ đất này để triển khai dự án NOXH độc lập khó thực hiện được.
Theo trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, việc các Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tháo gỡ được nhiều nội dung vướng mắc nêu trên.
Song, để hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Sở Xây dựng tổng hợp một số vấn đề cần quan tâm và kiến nghị, đề xuất.
Về việc giải phóng mặt bằng, hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất, dẫn tới chậm tiến độ các dự án NOXH là do giải phóng mặt bằng. Vì vậy, đề nghị Trung ương sớm có quy định, cơ chế tách việc giải phóng mặt bằng là một dự án riêng có thể sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện và sử dụng quỹ đất sạch hình thành theo dự án để thu hút đầu tư dự án NOXH.
Về nguồn vốn đầu tư NOXH, đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu có hướng dẫn địa phương hình thành các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội (như giải pháp nêu tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư) để đảm bảo phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.
Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, quy định về trình tự, thủ tục cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp được đại diện, tổng hợp danh sách, hợp đồng lao động của công nhân thuộc doanh nghiệp để thuê NOXH gần khu công nghiệp cho công nhân ở, trên cơ sở vẫn đảm bảo các nguyên tắc theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023.
Về xác định nhu cầu NOXH, hiện nay, đặc điểm của đối tượng công nhân là công việc thường xuyên biến động, đa số ở các tỉnh xa, giá bán nhà ở xã hội vẫn cao so với mức thu nhập, do đó mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho thuê sẽ phù hợp, đáp ứng nhu cầu cho công nhân. Do đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển loại hình nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển NOXH, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với NOXH; cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng NOXH.