Aa

Hà Nội: Giá căn hộ nhà ở xã hội cao ngang chung cư thương mại dù đã sử dụng cả chục năm

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Năm, 26/09/2024 - 06:20

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đang có xu hướng tăng giá cao ngang ngửa chung cư thương mại. Trong khi đó, tại một số dự án dù chưa đủ 5 năm bàn giao để chuyển nhượng, mức giá rao bán cũng có xu hướng tăng nhanh.

Nhà ở xã hội "giá trên trời" dù đã sử dụng nhiều năm

Năm 2020, chị Lê Hoàng Yến Nhi (Hoàng Mai, Hà Nội) mua một căn nhà ở xã hội khoảng 58m2, 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh tại Khu chung cư 987 Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá 22 triệu đồng/m2. Đến nay, khi đã đủ điều kiện chuyển sang nơi ở tốt hơn, chị Nhi đã quyết định rao bán căn hộ này. Chị Nhi cho biết, sau khi tìm hiểu giá các căn hộ tại đây, chị bất ngờ vì mặt bằng giá đã tăng lên trên 50 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát, dự án nhà ở xã hội 987 Tam Trinh được bàn giao vào năm 2018 với mức giá mở bán dao động từ 20 - 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các căn hộ tại dự án này đều có mức giá tăng lên 45 - 55 triệu đồng/m2, có căn lên tới 60 triệu đồng/m2, gấp 2 - 3 lần so với mức giá ban đầu.

Bên cạnh dự án kể trên, nhiều căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội đã đi vào sử dụng khác cũng ghi nhận mức giá tăng đáng kể, ngang bằng với các căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại.

Điển hình như, Khu chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) - một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội, được bàn giao vào năm 2010 với mức giá mở bán chỉ trên 8 triệu đồng/m2. Tính đến thời điểm hiện tại, các căn hộ tại dự án này đã có mức giá dao động từ 45 - 47 triệu đồng/m2. Như vậy, so với giá mở bán, mức giá hiện nay đã tăng gấp 5 lần.

Tại một số dự án chưa đủ 5 năm sử dụng, tức chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, giá rao bán cũng có xu hướng tăng và nhiều người sẵn sàng chi trả để mua dù chưa được sang tên. Đơn cử các căn nhà ở xã hội thuộc dự án The Vesta Hải Phát (Hà Đông, Hà Nội), từ mức 800 - 900 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ, nay đã tăng lên mức 2,1- 2,4 tỷ đồng.

Trước thực trạng giá nhà ở xã hội cũ "neo cao" hiện nay, nhiều người lao động thu nhập thấp đang gặp thách thức lớn trong việc sở hữu một căn hộ mơ ước.

Chị Hoàng Thị Lan (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, mức lương hiện tại của cả hai vợ chồng chị rơi vào khoảng 15 - 17 triệu đồng/tháng, phải tích lũy rất nhiều năm mới gom được một số tiền kha khá để mua một căn nhà ở xã hội. Thế nhưng, giá căn hộ cũ ngày càng "leo thang" trong khi nguồn cung căn hộ mới khan hiếm khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của gia đình chị Lan càng trở nên xa vời.

"Không thể ngờ rằng, giá của các căn nhà ở xã hội đã qua sử dụng cả chục năm lại cao như vậy. Mức lương hiện tại không thể mua nhà ở xã hội, nếu muốn mua thì phải vay ngân hàng. Nhưng với những người lao động, việc tiếp cận nguồn vay rất khó, thủ tục rườm rà, lãi suất lại cao", chị Lan chia sẻ.

Nguồn cung còn khan hiếm, giá nhà còn "neo cao"

Tình trạng giá nhà ở xã hội tăng mạnh trong thời gian gần đây xuất phát chủ yếu từ việc khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung. Hiện nay, số lượng các dự án phát triển nhà ở mới và được chấp thuận vẫn còn hạn chế; trong khi nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là của người lao động thu nhập thấp lại rất cao. Như vậy, do cung không đủ cầu, thị trường đã xuất hiện tình trạng mua bán, giao dịch không chính thống, đẩy giá nhà ở xã hội thứ cấp tăng mạnh, ngang bằng với giá chung cư thương mại. Nếu không tìm ra lời giải cho bài toán khan hiếm nguồn cung này, giá nhà ở xã hội sẽ còn "leo thang", vượt quá khả năng chi trả của đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 35,6% mục tiêu đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, giai đoạn đến năm 2025.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra loạt địa phương có nhu cầu về phân khúc nhà ở xã hội rất lớn nhưng đầu tư còn hạn chế, trong đó có Hà Nội. Từ nay đến năm 2025, thành phố cũng chỉ dự kiến hoàn thành thêm 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng khoảng 9% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, theo đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Nhưng 4 năm qua, thành phố mới hoàn thành gần 28% chỉ tiêu được giao.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh, rất cần có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội cũng như khắc phục bất cập trong quy trình xử lý thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia, đẩy nhanh tiến độ dự án, từ đó gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội ra thị trường.

"Các nhóm như cán bộ, công chức, công nhân, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và những người nghèo tại đô thị là những đối tượng có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, cần được ưu tiên hàng đầu về nhà ở", ông Nguyễn Thế Điệp khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top