Đất Kinh Bắc xưa là vùng đất bên bờ Bắc sông Hồng, đối diện Kinh đô Thăng Long, gồm toàn tỉnh Bắc Ninh bây giờ; các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn của Hà Nội; Văn Giang, Văn Lâm của Hưng Yên và phần Nam Bắc Giang. Nay nói về Kinh Bắc, người ta hay nghĩ là Bắc Ninh. Điều đó vừa đúng vừa không, địa giới tỉnh Bắc Ninh nằm trọn vẹn trong xứ Kinh Bắc xưa. Nhưng tỉnh Bắc Ninh thực ra bây giờ bé nhất nước, chỉ còn là một vùng nhỏ của Kinh Bắc xưa mà thôi.
Đất Kinh Bắc được bồi đắp lên và tưới tắm bởi phù sa sông Hồng cùng rất nhiều con sông khác trong vùng. Và đặc biệt là bốn con sông cùng mang chữ đức ở trong: sông Đuống - Thiên Đức, sông Cầu - Nguyệt Đức, sông Thương - Nhật Đức, sông Lục - Minh Đức. Địa hình chủ yếu là đồng bằng. Cũng có núi có rừng nhưng không nhiều lắm. Kiểu như có đủ cho cảnh trí sơn thủy hữu tình. Nên cũng hầu như không cao sâu vực thẳm, hiểm địa nguy đèo gì. Khí hậu vùng này khá ôn hòa, ít khi bão lũ hay nắng hạn kéo dài. Ruộng đồng bằng phẳng, phù sa tươi tốt rất thuận lợi cho canh tác, cắm cây mạ xuống là thành cây lúa nên đời sống nhân dân có vẻ nhẹ nhàng hơn các vùng khác trong nước.
Đất Kinh Bắc xưa. (Ảnh: sưu tầm)
Vì có đời sống kinh tế khá nên sinh ra nhiều hội hè đình đám mỗi dịp xuân về. Bắc Ninh - Kinh Bắc được mệnh danh là miền lễ hội! Đặc biệt, dân ca quan họ có xuất xứ từ nơi đây là một làn điệu dân ca trữ tình, đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Rất nhiều người nói, nghe những làn điệu dân ca du dương trữ tình lả lơi như vậy, người ta luôn nghĩ rằng miền quê ấy, những con người ấy hẳn phải có một cuộc sống sung túc thanh nhàn lắm. Bởi có thế họ mới cất lên được những lời ca yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống làm sao…
Người Kinh Bắc cũng như mọi con dân của đất Việt, họ cũng cần cù lao động, chịu thương chịu khó, hiếu khách quý người. Có thể nói, người Kinh Bắc tiêu biểu cho người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người Kinh Bắc xưa nổi tiếng văn hay chữ tốt học giỏi. Có đến bốn mươi phần trăm số tiến sĩ, trạng nguyên thời khoa cử phong kiến còn lưu tên trong cả nước là người Kinh Bắc.
Nơi đây đã từng có câu ca thế này: “Một giỏ ông đồ, một bồ ông cống, một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên…” để chỉ về cái sự học hành đỗ đạt xưa. Xưa, thậm chí huyện Thuận Thành còn có tên do một vị quân vương đặt cho là huyện Siêu Loại, vì ngài thấy nhiều người học siêu quá! Vì nhiều như thế nên trên thực tế, cái danh vị thi cử đỗ đạt này nọ với người Kinh Bắc hình như cũng thường thường thôi!
Dân ca quan họ có xuất xứ từ Kinh Bắc - Bắc Ninh đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. (Ảnh: sưu tầm)
Người Kinh Bắc từ xưa đến nay lấy cái sự “nông gia vi bản” làm trọng. Đồng thời, họ rất chú ý làm ăn buôn bán chạy chợ và sản xuất hàng hóa. Họ buôn bán với khắp nước, với nước ngoài. Các chợ của vùng Kinh Bắc xưa nổi tiếng sầm uất trên bến dưới thuyền: chợ Giầu, chợ Sơn, chợ Hồ, chợ Núi, chợ Nôm…
Làm ruộng, chăn nuôi, sản xuất, buôn bán khá thuận lợi nên đời sống của dân Kinh Bắc có vẻ cao hơn các vùng khác. Thế nên cái sự đua tranh này nọ hình như cũng đỡ khốc liệt hơn. Nơi đây người ta thường lấy cái sự hòa hoãn trung dung, chín bỏ làm mười, ấm êm đóng cửa bảo nhau làm trọng chứ không ưa cái sự một mất một còn.
Người Kinh Bắc xưa vốn không thích làm quan. Các chức quan dịch hào lý hương thôn nhỏ càng ít người muốn làm cái chân vác tù và hàng tổng. Xưa cũng thế mà cho đến dịp gần đây cũng vậy. Ngày xưa, nhiều ông thi đỗ nhưng ở nhà dạy học bốc thuốc. Có ông ra làm quan thấy cảnh triều chính ô trọc cũng từ quan về vui thú điền viên. Ngày nay thì các cháu học sinh học lực khá giỏi trở lên thường chọn đi học các ngành kinh tế, kỹ thuật… rồi ra trường làm việc, lập nghiệp thành danh nhiều nơi. Chứ ít người chọn học các trường lý thuyết cao siêu!
Bởi thực ra đa số người Kinh Bắc suy nghĩ khá thực tế, họ cho rằng những cái lý thuyết cao siêu mây gió trăng hoa kia chả lúa ngô khoai sắn, chả thể làm nên sản nghiệp đời đời được. Nên đa số xin kiếu. Vả lại như đã nói, đất Kinh Bắc được phù sa sông bồi đắp mưa thuận gió hòa, làm gì chả kiếm miếng ăn, giỏi hơn thì buôn tàu bán bè, giàu sang phú quý sản nghiệp lớn đến vua chúa cũng phải nể. Vậy thì đi hầu thiên hạ, luồn cúi bon chen làm cái gì cho khổ thân ra…
Với người Kinh Bắc thì làm quan, đương nhiên là phải có “chấm mút” gì đó. Nếu không thế thì người ta đi làm quan làm gì? Chả thế đã có câu châm ngôn về cách làm quan truyền tụng trong cánh cường hào chức dịch miền này là: “Đói thì đảo ngói đình mà ăn”! Là cường hào chức dịch mà không có việc gì, làng quê yên bình, mọi người no đủ, gia đình thuận hòa cả thì… đói to! Nên đành hô là đình làng ta dột! Nên phải thuê thợ đảo ngói lại, tiện thể tha hồ "chấm mút" với nhau. Dân làng biết cũng thây kệ. Miễn là việc các ông ấy các ông làm, việc dân dân làm, đừng có quá đáng đụng chạm đến nhau thì thôi.
Đó là chuyện xưa và hơi xưa. Nay thì hình như người Kinh Bắc cũng ít nhiều theo trào lưu xã hội. Cũng nhiều người lấy quan trường làm sản nghiệp. Cũng phát tài thật lực, nhà cao cửa rộng, xe pháo dập dìu. Làm quan hình như thành một cái nghề được dân nơi đây ngưỡng mộ? Chuyện này cũng không dám chắc lắm, bởi tiếng là người Kinh Bắc nhưng kẻ này lâu nay dan díu văn thơ, mê mải đường trường khắp nước nên cũng ít quan tâm sự thể ra sao.
Đất Bắc Ninh - Kinh Bắc ngày nay đã và đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh. Cơ sở vật chất hạ tầng được xây dựng khang trang do có nguồn thu từ công nghiệp dịch vụ lớn. Nhà cửa dân thôn các làng cũng hầu hết hai, ba tầng. Dân Bắc Ninh đi các nơi lập nghiệp sinh sống nhiều. Mà người các nơi đến ở và làm việc ở Bắc Ninh cũng lắm. Thế nhưng những người từ nơi khác đến vùng đất này hình như cũng nhanh chóng hòa nhịp với đời sống nơi đây. Nên bản sắc của một vùng đất bình an trấn giữ mặt Bắc Kinh thành Thăng Long, bản chất con người nơi đây về cơ bản vẫn như vậy từ ngàn năm qua. Bắc Ninh - Kinh Bắc vẫn là một miền quê thanh bình trù phú với những con người nhân hậu bao dung…