Lời tòa soạn:
Tỉnh Thái Nguyên với vị trí thuận lợi cùng sự phát triển đi lên của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi đã trở thành một “địa chỉ vàng” thu hút nhà đầu tư nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực bất động sản, điều này tạo ra một môi trường giao dịch nhà đất hết sức sôi động.
Thái Nguyên đang có cơ hội thu hút đầu tư FDI cực lớn và đây sẽ là động lực làm thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản nơi đây. Thế nhưng, tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn tồn tại tình trạng chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, xây dựng, đất đai, môi trường... Điều này khiến cho thị trường bất động sản Thái Nguyên trở nên rối ren và thiếu tính minh bạch.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Bức tranh thị trường bất động sản Thái Nguyên: Giàu tiềm năng nhưng đầy thách thức".
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Tiềm năng bất động sản được đánh thức
Chưa khi nào thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Hà Nội lại sôi động và có sức hút mạnh đối với nhà đầu tư như thời gian gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến bất động sản nhiều tỉnh phía Bắc được săn đón là bởi kinh tế phát triển mạnh, cùng với đó là cơ chế, chính sách của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên, với vị trí thuận lợi cùng sự phát triển đi lên nhanh chóng của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cùng nhiều chính sách ưu đãi đã trở thành một “địa chỉ vàng” thu hút nhà đầu tư nhiều lĩnh vực. Những năm gần đây, tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực trong lĩnh vực bất động sản, điều này tạo ra một môi trường giao dịch nhà đất hết sức sôi động.
Nhờ chủ trương tích cực cải cách hành chính, chính sách đầu tư ưu đãi, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như Samsung Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần 7 tỷ USD; dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD đi vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước.
Các dự án FDI đi vào hoạt động không chỉ tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho nhiều lao động, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa chỉ đầu tư tin cậy.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông cũng được chính quyền tỉnh quan tâm cải thiện. Trong đó, nổi bật là tuyến đường Bắc Sơn kéo dài - Dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, dài 9,5km, rộng 61m với hệ thống hạ tầng đồng bộ, có số vốn hơn 2.000 tỷ đồng kết nối với cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội và TP. Thái Nguyên với hồ Núi Cốc. Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian cũng như “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều đơn vị uy tín trong lĩnh vực bất động sản rót vốn vào Thái Nguyên để đầu tư phát triển các dự án quy mô. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như: Tập đoàn T&T, FLC, DetechLand, TNG, Tập đoàn Tiến Bộ, Tập đoàn TMS, Xuân Trường, Vinaconex,... Chắc chắn, các dự án của những đơn vị uy tín trên sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thái Nguyên cũng như thay đổi diện mạo mới, hiện đại, hoàn thiện hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, Thái Nguyên đang có cơ hội thu hút đầu tư FDI cực lớn và đây sẽ là động lực thay đổi diện mạo của thị trường bất động sản Thái Nguyên. Với vị trí trung tâm của Trung Du - Đông Bắc Bộ, giáp Tây Bắc Bộ, Thái Nguyên là vành đai của khu vực Đông Bắc, được xác định là hành lang kinh tế phát triển Đông - Tây, nối Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc) về các cảng biển Việt Nam. Vị trí trung tâm này giúp các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên hưởng lợi nhiều nhất trong xu hướng chuyển dịch nhà máy của các doanh nghiệp FDI.
Yếu tố thứ hai giúp Thái Nguyên bật nhanh trên đường đua thu hút FDI là sẵn có nền tảng của một thành phố phát triển công nghiệp. Trên cơ sở “vốn liếng” sẵn có này cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp. Điển hình là việc kêu gọi Samsung đầu tư nhà máy tại Thái Nguyên.
Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, số lượng đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước, công nhân kỹ thuật tay nghề cao đến Thái Nguyên làm việc là những đối tượng có nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ, hạ tầng đô thị... Các công nhân, chuyên gia đến làm việc tại đây sẽ thiết lập một làn sóng cư dân mới. Họ có nhu cầu về nhà ở, nhà thuê từ chất lượng đến cao cấp. Chính vì thế, tiềm năng phát triển thị trường bất động sản và cơ hội đầu tư vào các dự án nhà ở, đô thị công nghiệp tại Thái Nguyên là rất lớn.
Vẫn còn tình trạng “bán lúa non”, phân lô bán nền trái phép
Như báo chí đã phản ánh, đồng thời qua quá trình khảo sát PV cũng ghi nhận, tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư chưa tuân thủ các định quy pháp luật về kinh doanh bất động sản, xây dựng, đất đai, môi trường,... Điều này khiến cho thị trường bất động sản Thái Nguyên trở nên rối ren và thiếu tính minh bạch. Câu chuyện phân lô bán nền trái phép, quảng cáo bán “lúa non” diễn ra ở nhiều địa phương và tỉnh Thái Nguyên cũng không phải ngoại lệ. Phân lô bán nền trái phép thậm chí còn ngang nhiên diễn ra tại nhiều dự án. Đáng chú ý, tình trạng này cũng xảy ra tại các khu đất có chức năng thương mại dịch vụ, bên trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hơn thế, thực trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài, tái diễn vi phạm và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Tại Khu công nghiệp Sông Công 2, Khu công nghiệp Điềm Thụy… một số doanh nghiệp tổ chức san lấp mặt bằng để phân lô, bán nền và xây dựng các công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xây dựng. Đơn cử, tại khu đất có chức năng thương mại dịch vụ do Công ty TNHH Phương Thùy Thủ Đô (ông Nguyễn Đình Nguyên là đại diện pháp luật, có địa chỉ xóm Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) thuê 50 năm bên trong các khu công nghiệp, đang được quảng cáo phân lô, bán nền và có dấu hiệu chuyển nhượng đất trái phép cho nhà đầu tư.
Đề cập tới thực trạng phân lô trái phép tràn lan thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương trong việc phải cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng này. Nếu có căn cứ chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, cơ quan chức năng có thể thu hồi dự án đã được chấp thuận đầu tư, thu hồi lại đất đã giao cho doanh nghiệp vi phạm.
Ngoài thực trạng phân lô bán nền trái phép, tình trạng quảng cáo rao bán “lúa non” tại các dự án cũng có diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trước đó, nhiều cơ quan báo chí cũng phản ánh, tại dự án Khu đô thị số 1 (dự án Canary City Thái Nguyên) tọa lạc trên khu đất 63ha tại phường Cải Đan, TP. Sông Công, Thái Nguyên xảy ra tình trạng bán “lúa non”. Thời điểm tháng 5/2020, mặc dù Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên xác nhận dự án chưa được cấp phép xây dựng và chưa đủ điều kiện rao bán, nhưng Canary City Thái Nguyên đã được rao bán rầm rộ trên mạng.
Một chuyên gia về lĩnh vực bất động sản tại Thái Nguyên cho hay, phần lớn các dự án bất động sản có nguồn gốc từ các nhà đầu tư ngoại tỉnh Thái Nguyên đều thực hiện phương án “bán lúa non” huy động vốn bằng nhiều hình thức lách luật như: Đặt cọc, đặt chỗ, thoả thuận đặt mua, hợp đồng góp vốn, thậm chí là vay vốn…
Trên thực tế, bất động sản là tài sản có giá trị lớn, tuy nhiên, việc giao dịch mua bán bất động sản có rất ít thông tin chính xác, rõ ràng, thậm chí nhiều thông tin sai lệch dẫn đến thiệt hại cho khách hàng.
Trước thực trạng trên, ngày 20/1/2021, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh. Hệ thống này nhằm mục tiêu tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản; tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Để hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh sau khi đưa vào hoạt động được duy trì hiệu quả, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc thực hiện duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh”.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Nguyên cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp. Đặc biệt là tình trạng “vô phép” của một số doanh nghiệp vào Thái Nguyên đầu tư và làm ăn theo kiểu chộp giật, có dấu hiệu lừa đảo các nhà đầu tư bất động sản cần được xử lý triệt để/.