Aa

Bài 1: Một sự ghi nhận và đánh giá kịp thời các biệt thự cổ tại Hà Nội

Thứ Hai, 01/05/2023 - 06:00

Biệt thự Pháp cổ đóng góp nhiều giá trị về thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Do đó, Hà Nội đã và đang nỗ lực trong công tác cải tạo, bảo tồn các công trình này.

LTS: Trong cuốn khảo cứu "Đi xuyên Hà Nội", nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến đã nhận định "Biệt thự nằm trên các con phố Hà Nội được giới kiến trúc châu Á đánh giá độc nhất vô nhị vì không thủ đô châu Á nào lại có nhiều "vườn trong phố" như vậy và nó không còn là tài sản riêng Hà Nội của Việt Nam mà là tài sản của kiến trúc thế giới. Hơn một nghìn biệt thự đã biến Hà Nội từ một cô gái xộc xệch cuối thế kỷ XIX thành một cô gái duyên dáng mượt mà, sang trọng và đẹp đẽ vào giữa thế kỷ XX". 

Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thiên của lịch sử, biệt thự cổ Hà Nội hiện nay không chỉ là những công trình mang nhiều giá trị về văn hoá, kiến trúc mà còn là di sản của ký ức lịch sử. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp trầm trọng, những dấu ấn "vang bóng một thời" lại đang là bài toán khó giải với nhà quản lý đô thị và giới kiến trúc hiện đại.

Mới đây, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng biệt thự và tiến hành cải tạo, trùng tu nhằm “hồi sinh” các công trình. Tuy nhiên, sau gần một năm cơ bản hoàn thành việc tu sửa một công trình được coi là "công trình mẫu về tu bổ biệt thự" của Hà Nội, diện mạo mới của căn biệt thự này lại nhận về nhiều những tranh cãi từ dư luận. 

Cần có chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội như thế nào để vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” quý giá này, để nét duyên dáng thế kỷ XX không lạc lõng trong lòng đô thị thế kỷ XXI?

Trên tinh thần góp ý và xây dựng để hoàn thiện các giải pháp về chính sách bảo tồn biệt thự cổ Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải". 

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Sau khi khởi đăng tuyến bài: "Chính sách bảo tồn biệt thự cổ tại Hà Nội: Những bài toán cần phải giải", Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và nhiều kiến giải mang tính khoa học, thực tiễn của các chuyên gia, kiến trúc sư và độc giả. Cùng trong chuyên đề này, Reatimes trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài viết của TS.KTS. Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - với những phân tích toàn cảnh về Bức tranh quỹ biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội.

*****

Được xác định là thủ phủ của Liên bang Đông Dương, gần một thế kỷ ở Việt Nam, người Pháp ấp ủ giấc mơ kiến tạo Hà Nội trở thành đô thị hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương. Họ đã xây dựng nhiều công trình mang đặc trưng kiến trúc Pháp, trong đó có hệ thống nhà ở dành cho bộ máy quản lý người Pháp. Để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, đồng thời tạo điều kiện sống “tương đương” như ở Pháp tại một vùng đất xa xôi và lạc hậu, hàng loạt các ngôi biệt thự với kiến trúc các địa phương của Pháp, tương ứng với quê hương người sử dụng, được cấy ghép vào trong lòng một thành phố phương Đông.

Dần về sau, do những hạn chế về vật liệu xây dựng, những tác động của thời tiết và sự chuyển hướng quan điểm về kiến trúc thuộc địa, người Pháp đã kết hợp với cách thức thực hành kiến trúc cùng những yếu tố trang trí hay vật liệu truyền thống Việt Nam tạo nên dòng kiến trúc lai - kiến trúc Đông Dương. Thêm vào đó, bởi sự hấp dẫn về một cuộc sống tiện nghi, một số biệt thự được xây dựng cho người Việt và bởi người Việt cũng bị ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc địa phương Pháp lẫn kiến trúc Đông Dương.

Chính quá trình tiếp biến và chuyển đổi này đã làm cho quỹ biệt thự của Hà Nội được xây dựng trong thời kỳ thuộc địa Pháp có kiến trúc đa dạng và phong phú, với nhiều thang bậc kết hợp giữa hai dòng kiến trúc cổ điển phương Tây - mà đại diện là Pháp, và kiến trúc truyền thống phương Đông - mà đại diện là Việt Nam.

Biệt thự cổ được xem là tài sản quý giá hiện sinh giữa lòng Hà Nội, ghi dấu một thời kỳ lịch sử phát triển đầy thăng trầm của Việt Nam
Biệt thự cổ được xem là tài sản quý giá hiện sinh giữa lòng Hà Nội, ghi dấu một thời kỳ lịch sử phát triển đầy thăng trầm của Việt Nam. (Nguồn: Reatimes)

Như vậy, trong thời kỳ thuộc địa, đã hình thành nên một quỹ các biệt thự mà sau này chúng ta hay gọi là “biệt thự thuộc địa Pháp” hay “biệt thự Pháp cổ” được hợp thành từ hệ thống những biệt thự được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp theo phong cách kiến trúc cổ điển và địa phương Pháp, biệt thự được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp hoặc người Việt theo phong cách kết hợp Đông - Tây (Pháp - Việt, Pháp - Việt - Hoa).

Dù theo phong cách kiến trúc nào thì với số lượng lớn, quỹ biệt thự này đã góp phần thay đổi quan điểm của người Việt về một kiểu nhà ở sang trọng, dành cho các tầng lớp trên hoặc người giàu có trong xã hội, trở thành những điểm nhấn khác biệt khi so với các môi trường cư trú bản địa xung quanh.

Nhiều căn biệt thự cổ đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. (Nguồn: Reatimes)

Khi người Pháp rời khỏi Hà Nội năm 1954, họ đã để lại trong lòng thành phố này một quỹ biệt thự lớn nhất trong số các đô thị Việt Nam mà họ thiết lập. Tuy nhiên, do bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội lúc bấy giờ, các biệt thự này đã được tiếp quản và sử dụng theo nhiều phương cách khác nhau, thậm chí là chia thành nhiều phần nhỏ để bố trí chỗ ở cho nhiều hộ gia đình, hay chuyển đổi chức năng từ để ở sang một chức năng khác như văn phòng, trụ sở, đại sứ quán...

Chính những tác động đó làm cho quỹ biệt thự vận động theo nhiều chiều hướng khác nhau: Có những biệt thự được giữ lại gần như nguyên vẹn như chưa hề có những biến động xã hội và thời gian, có những biệt thự thay đổi dần bởi những chức năng mới, nhu cầu mới nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu, có những biệt thự bị cấy ghép, mở rộng, thậm chí là biến dạng không còn nguyên gốc, và tất nhiên có cả những biệt thự biến mất một cách ồn ào hay lặng lẽ để thay thế bằng những kiến trúc khác.

Tất cả những câu chuyện trên diễn ra trong một thời gian dài hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, do cuộc sống vẫn còn bộn bề những khó khăn và nhiều lo toan khác, người ta phải tạm quên đi những vấn đề đó và các biệt thự vẫn tiếp tục được vận hành theo những phương cách riêng có.

TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
TS.KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Năm 2008, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội với thống kê sơ bộ từ các cơ quan quản lý là hơn 1.500 biệt thự.

Sau 5 năm thống kê, kiểm đếm, phân loại bởi các cơ quan quản lý với sự tham vấn của các chuyên gia về kiến trúc và di sản đô thị, đến năm 2013, Hà Nội đã đưa ra được danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 được phân loại thành các nhóm 1, 2, 3 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa, làm căn cứ để thành đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế về quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội” ban hành cùng năm.

Để phân nhóm các biệt thự, các chuyên gia đã có nhiều buổi thảo luận và thống nhất các tiêu chí đánh giá biệt thự Pháp tại Hà Nội bao gồm 5 tiêu chí với tổng là 100 điểm:

Một là, giá trị lịch sử văn hóa của biệt thự (20/100 điểm) liên quan tới tuổi đời và các giá trị gắn liền với các sự kiện lịch sử văn hóa, liên quan tới các danh nhân văn hóa đã từng sống tại đó.

Hai là, giá trị về nghệ thuật kiến trúc (30/100 điểm) được thể hiện từ hình thức và kiểu loại của kiến trúc biệt thự.

Ba là, giá trị về quy hoạch và cảnh quan đô thị (20/100 điểm) xem xét giá trị của vị trí địa điểm và mức độ đóng góp vào cảnh quan đô thị.

Thứ tư là, tính nguyên bản của công trình (20/100 điểm) đánh giá mức độ thay đổi về mặt kiến trúc, kết cấu của biệt thự và các hạng mục phụ trợ theo thời gian đối chiếu với tình trạng gốc.

Thứ năm là, công năng sở hữu (10/100 điểm) liên quan đến tình trạng hiện tại của biệt thự dưới góc độ khai thác sử dụng và người sử dụng.

"Hà Nội đã cho thấy nỗ lực của mình trong việc xác định giá trị bức tranh quỹ biệt thự thời kỳ thuộc địa Pháp mà mình đang lưu giữ, trở thành một cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đề xuất cách thức ứng xử và quản lý các biệt thự này", TS.KTS. Trần Minh Tùng nhận định. 

Việc xác định và thống nhất thang điểm đánh giá cho các biệt thự tại Hà Nội là cực kỳ khó khăn vì cách nhìn và quan điểm khác nhau giữa các chuyên gia, giữa chuyên gia với nhà quản lý hay giữa chuyên gia với các chủ thể hiện đang sở hữu và sử dụng quỹ nhà biệt thự.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hà Nội đều thống nhất các biệt thự phải được đánh giá định lượng mới có cơ sở khoa học khách quan để phân nhóm, phân loại di sản.

Nhóm biệt thự loại 1 (nhóm 1) gồm những biệt thự có mức điểm trên 70 điểm, được bảo toàn tuyệt đối.

Nhóm biệt thự loại 2 (nhóm 2) gồm những biệt thự có mức điểm từ 50  -69 điểm, cho phép cải tạo mức độ nhỏ.

Nhóm biệt thự loại 3 (nhóm 3) gồm những biệt thự có mức điểm dưới 50 điểm, cho phép cải tạo mức độ cao hoặc phá dỡ tùy số điểm và mức độ xuống cấp tại hiện trường.

Nhóm biệt thự có điểm số thấp (dưới 20 điểm) được đề nghị loại ra khỏi danh sách biệt thự cần quản lý bảo tồn.

Theo đó, Hà Nội cũng đã phải loại hơn 300 biệt thự (nhóm 4). Trong số này, ngoài một số ít biệt thự được xác định là xây dựng sau năm 1954, phần lớn các biệt thự đã bị phá dỡ xây dựng lại hoặc chưa bị xây dựng lại nhưng đã bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng phục hồi. Như vậy, ngay trong lần kiểm đếm một cách có hệ thống đầu tiên, Hà Nội đã mất đi 1/4 trong quỹ biệt thự di sản của mình.

Những ngôi biệt thự cổ tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế
Những ngôi biệt thự cổ tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế

Những ngôi biệt thự cổ tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, mà còn chứa đựng những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử. (Nguồn: Reatimes)

Gần đây nhất, năm 2022, danh mục này được cập nhật và điều chỉnh khi chỉ còn 1.216 nhà biệt thự cũ, tức là giảm 37 biệt thự, và được chia làm 03 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự là những biệt thự có giá trị kiến trúc cao, được sử dụng cẩn thận, được giữ gìn gần như nguyên vẹn như thuở ban đầu và có các nguồn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên; nhóm 2 có 356 biệt thự là những biệt thự phần nào đã có ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được diện mạo kiến trúc nguyên gốc và có thể phục hồi để trở lại dánh vẻ kiến trúc ban đầu; và nhóm 3 có 638 biệt thự là nhóm đông đảo nhất với những biệt thự đã bị thay đổi lớn về cấu trúc không gian bên trong cùng biến dạng hình thức bên ngoài do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như tuổi thọ khiến công trình xuống cấp, cách sử dụng không đúng mục đích ban đầu, không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng...

Như vậy, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực của mình trong việc xác định giá trị bức tranh quỹ biệt thự thời kỳ thuộc địa Pháp mà mình đang lưu giữ, trở thành một cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đề xuất cách thức ứng xử và quản lý các biệt thự này./.

*****

Đón đọc bài 2: "Liệu những gam màu có đang xám dần?" 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top