Thông tin này được Thanh tra Chính phủ đề cập tại Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, về việc Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang đất kinh doanh, xây dựng nhà ở; Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011 – 2019.
Tại kết luận này, liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã một số vi phạm, sai sót của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, về minh bạch tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ phát hiện, việc kê khai tài sản thu nhập, thực hiện còn mang tính hình thức. Có 52,4% số đơn vị, địa phương được kiểm tra có vi phạm về việc lập, phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai; 95,2% vi phạm về lập sổ giao nhận bản kê khai; 85,7 vi phạm về kế hoạch công khai bản kê khai; 90,5% vi phạm về việc công khai…
Trong kỳ thanh tra, tổng số người kê khai tài sản, thu nhập: 40.482 người; tổng số bản kê khai tài sản, thu nhập là: 40.482 bản; đã công khai 100%. Kết quả kiểm tra tại 21 đơn vị, địa phương cho thấy, các địa phương, đơn vị đã tổ chức thực hiện việc kê khai; các đối tượng phải kê khai, tiến hành kê khai và báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, như nhiều địa phương, đơn vị lập danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai chậm, không phê duyệt hoặc thực hiện không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 78/2013/NĐ-CP (52,4%). Nhiều đơn vị lập danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập, nhưng không xác định rõ đối tượng thuộc cấp ủy quản lý, đối tượng thuộc cấp trên quản lý, vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 08/2013/TT-TTCP (38,1%)
Hầu hết các đơn vị không có sổ theo dõi, giao nhận bản kê khai vi phạm điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư 08/2013/TT-TTCP. Nhiều đơn vị không xây dựng kế hoạch công khai bản kê khai tài sản thu nhập theo quy định tại Điều 8, Thông tư 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Tại nhiều đơn vị, việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập không đảm bảo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư 08/2013/TT-TTCP. Hầu hết cấc đơn vị lưu bản phô tô hoặc bản chính của đối tượng do cấp uỷ quản lý (không phải bản sao) vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định 78/2013/NĐ-CP.
Về bản kê khai cá nhân, Thanh tra Chính phủ phát hiện còn một số lỗi. Cụ thể, nhiều bản kê khai bỏ trống phần tài sản không có, thay vì phải ghi “Không có”; có bản kê khai không giải trình nguồn gốc tài sản tăng; giảm; hoặc không ghi giá trị tài sản tăng, giảm; không chuyển bản kê khai về đơn vị công tác theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 78/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, người nhận bản kê khai không ký từng trang; kê khai không đúng kỳ kê khai…
Ngoài những vi phạm trên, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường còn có nhiều vi phạm khác, như tham mưu UBND tỉnh quyết định giao, cho thuê đất để thực hiện một số dự án đầu tư chưa phù hợp một phần hoặc toàn bộ so với QHSDĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm khoản 1 Điều 11, Điều 15 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.
Sở Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bình Dương xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai, chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giá đất.
Sở Tài Nguyên và Môi trường còn tham mưu UBND tỉnh Bình Dương trong công tác xác định giá đất cụ thể, gây thất thoát ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư; để xảy ra vi phạm trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với tổ chức, cá nhân).
Bên cạnh đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bình Dương sai quy định trong việc ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 về việc thu hồi đất của Ban tổ chức Tỉnh uỷ, UBKT Tỉnh uỷ, Nhà khách Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ để giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ.
Về cá nhân, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương chưa kịp thời xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai; chưa kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh điều chỉnh Bảng giá đất, là chưa đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm khi thẩm định giá trái với quy định tại Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT; áp dụng tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư chưa hợp lý; không áp dụng suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng; thay đổi mục tiêu của dự án làm thay đổi hệ số sử dụng đất của chủ đầu tư hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng không xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh.
Không những vậy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường còn tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Nghị định số 35/2025/NĐ-CP, dẫn đến việc tới nay chưa thu được tiền bảo vệ, phát triển trồng lúa; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 20/7/2017 về việc thu hồi đất của Ban tổ chức Tỉnh uỷ, UBKT Tỉnh uỷ, Nhà khách Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ để giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê đất để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ./.