Lời tòa soạn:
Nhà ở xã hội (NƠXH) là một loại hình nhà ở thuộc sở hữu của cơ quan Nhà nước (có thể Trung ương hoặc địa phương) hoặc các loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội và được bán, cho thuê hoặc cho ở với giá rẻ so với giá thị trường.
Do đó, tiêu chí để lựa chọn người mua NƠXH rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Nhưng gần đây, các nhân viên môi giới bất động sản lại ngang nhiên chào bán các căn hộ thuộc các dự án NƠXH mà khách hàng không phải đến làm hồ sơ, không phải bốc thăm. Thậm chí, còn có thể chọn căn hộ theo đúng ý mình với điều kiện phải trả một khoản tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Bài học nhìn từ việc rao bán NƠXH trái phép tại dự án NHS Trung Văn, (Bài 2): Vai trò của Công ty Đất Xanh Thăng Long trong việc rao bán trái phép nhà ở xã hội NHS Trung Văn là gì? mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Vì sao người dân vẫn mòn mỏi chờ NƠXH?
Giai đoạn vừa qua, mặc những khó khăn vì dịch bệnh, thị trường nhà ở vẫn tạo được sức nóng nhất định trước "cơn khát" nhà ở. Đặc biệt, đối với nhiều người có thu nhập thấp, thì nhu cầu về nhà ở trong đó phân khúc bình dân là NƠXH đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Trong đó, 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha.
Theo thống kê, đến nay đã có 248 dự án hoàn thành với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông. 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu mét vuông vẫn đang được tiếp tục triển khai. Còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Từ số liệu trên cho thấy, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông NƠXH đã hoàn thiện, việc xây dựng NƠXH mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra và nguồn cung về NƠXH còn thiếu đến gần 60%. Vậy nhưng, nhìn vào thực tế phát triển NƠXH như hiện nay, khoảng trống về quỹ căn hộ cho người thu nhập thấp không biết đến thời gian nào mới được lấp đầy?
Theo chủ trương chung, để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội từng đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu m2 sàn NƠXH, đến thời điểm này đã triển khai được khoảng 4,04 triệu m2 sàn. Về kế hoạch phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu xây mới khoảng 5 triệu m2 sàn NƠXH. Như vậy, đến năm 2025, thành phố cần đầu tư xây dựng mới khoảng 7,22 triệu m2 sàn NƠXH (trong đó có 2,2 triệu m2 tồn đọng từ giai đoạn 2016 - 2020).
Trong khi lượng cung quá ít so với nhu cầu thực tế thì theo khảo sát của PV, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều dự án NƠXH đang rơi vào tình trạng thi công ì ạch, hay chủ đầu tư dự án không chịu xây dựng (đặc biệt trên quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại) hoặc xây xong nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, tại nhiều dự án phát triển NƠXH, kể từ thời điểm chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng đã vướng phải những lùm xùm bởi nghi vấn trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật về nhà ở... đang khiến việc phát triển NƠXH dần đi vào bế tắc.
Rao bán trái phép NƠXH Trung Văn - Vai trò của Đất Xanh Thăng Long là gì?
Theo các chuyên gia bất động sản, xây dựng NƠXH là việc làm vô cùng đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên tình trạng phân bổ NƠXH không đúng đối tượng, trục lợi chính sách, chất lượng không đảm bảo và chậm tiến độ là một bất cập cần được các nhà quản lý quan tâm, giải quyết triệt để. Đáng chú ý, tại một số dự án NƠXH trên cả nước, cơ quan quản lý cần làm rõ có sự "bắt tay" giữa chủ đầu tư và các sàn môi giới để bán căn hộ trái quy định hay không?
Gần đây hàng loạt thông tin liên quan đến việc quảng cáo, rao bán NƠXH tại dự án NHS Trung Văn đã dấy lên lo ngại về hành vi trục lợi chính sách và nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy là việc quảng cáo, rao bán trái phép NƠXH ở Hà Nội không phải là mới. Tại nhiều dự án NƠXH triển khai trên địa bàn đều có những tai tiếng về việc quảng cáo, mua bán căn hộ và thu tiền chênh lệch trái quy định.
Đối chiếu các quy định của pháp luật, bất kể thông tin rao bán NƠXH tại dự án NHS Trung Văn thời điểm này đều là trái phép, vi phạm pháp luật. Thế nhưng, không khó để ghi nhận được việc các sàn môi giới vẫn ngang nhiên tư vấn, rao bán và sẵn sàng thu tiền chênh vài trăm triệu đồng/căn.
Hàng loạt website quảng cáo dự án NHS Trung Văn đều thể hiện thông tin, hình ảnh bộ nhận diện thương hiệu của Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh Thăng Long (Công ty Đất Xanh Thăng Long) hay Công ty TNHH tư vấn Bất động sản Greenhome (Công ty Greenhome). Các thông tin về dự án được giới thiệu như tòa chung cư cao 32 tầng gồm: 275 căn hộ chung cư, trong đó có 68 căn nhà ở xã hội cho thuê, 157 căn nhà ở xã hội để bán và 50 căn nhà để kinh doanh thương mại.
Qua thông tin quảng cáo trên website: nhstrungvan.com, PV Reatimes cũng đã liên hệ qua số điện thoại 098969022x và được nữ nhân viên tên H. tư vấn bán căn hộ trực tiếp tại trụ sở Công ty Đất Xanh Thăng Long (tại tầng trụ sở tầng 14, tòa nhà An Phú, số 24 đường Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo tìm hiểu, nhân viên H. được giới thiệu là Giám đốc kinh doanh của Công ty Đất Xanh Thăng Long. Ngoài ra, nữ Giám đốc kinh doanh tên H. này cũng có tên trùng khớp với thông tin trên phiếu thu tiền (khách chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân của nhân viên Đỗ Thị Hà) có thể hiện tên của Công ty Greenhome. Tuy nhiên, khi PV hỏi thì người phụ nữ này chỉ "ậm ờ" cho biết, mình là nhân viên của Công ty Greenhome.
Mối quan hệ thân thiết giữa 2 công ty này được thể hiện rõ qua việc ông Tạ Ngọc Đông, Giám đốc Công ty Greenhome chính là 1 trong 4 cổ đông sáng lập ra Công ty Đất Xanh Thăng Long. Được biết, người đại diện pháp luật của Công ty Đất Xanh Thăng Long là ông Vũ Ngọc Sơn (sinh ngày 18/6/1993, trú tại đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Công ty này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập là Công ty cổ phần VIPEC Việt Nam (địa chỉ Lô 5, B4 Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) do ông Vũ Đức Hưng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc góp 26% vốn; Vũ Ngọc Sơn chiếm 50% vốn góp; Tạ Ngọc Đông chiếm 12% vốn góp; Nguyễn Thái Bình chiếm 12% vốn góp (cả 3 cá nhân này có nguyên quán tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình).
Từ phân tích trên có thể thấy, dù 2 pháp nhân là hoàn toàn độc lập thế nhưng hàng loạt những mối quan hệ ràng buộc đã thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Công ty Đất Xanh Thăng Long và Công ty Greenhome. Có hay không việc 2 công ty này đã "bắt tay" để quảng cáo, rao bán trái phép NƠXH tại dự án NHS Trung Văn? Và đây liệu có phải là chiêu thức tinh vi để 2 công ty này qua mặt chủ đầu tư dự án, cũng như cơ quan chức năng nếu có kiểm tra, xử lý?
Chủ đầu tư bị sàn môi giới “vượt mặt”?
Điều dư luận khó hiểu là, dù quy định pháp luật đã có chế tài xử lý nhưng tại sao các sàn môi giới vẫn ngang nhiên quảng cáo, rao bán căn hộ NƠXH trái phép? Thậm chí, tại nhiều dự án NƠXH vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc hoang dại giống như tại dự án NHS Trung Văn, thì tình trạng này vẫn diễn ra ngay giữa Thủ đô.
Về những nội dung trên, đại diện chủ đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS (Công ty NHS) cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án chưa có giấy phép xây dựng chưa triển khai thi công và chưa đủ điều kiện mở bán. “Công ty chưa triển khai mở bán dự án tại Trung Văn, cũng như không thực hiện phân phối qua bất kỳ đơn vị trung gian nào”, Công ty NHS khẳng định.
Nếu đúng như những gì Công ty NHS khẳng định, đến thời điểm này, rõ ràng là chủ đầu tư không hề ủy quyền cho bất kỳ sàn môi giới nào để phân phối NƠXH tại dự án NHS Trung Văn. Không hiểu nhân viên sàn môi giới Công ty Greenhome và Công ty Đất Xanh Thăng Long căn cứ vào đâu để nhận đặt cọc, sẵn sàng thu tiền chênh hàng trăm triệu đồng từ việc bán quỹ căn NƠXH tại dự án này?
Công ty Greenhome và Công ty Đất Xanh Thăng Long có đang rao bán và thu tiền đặt cọc đối với những căn hộ NƠXH không được ủy quyền hay đang sở hữu hay không? Nếu đúng, hành vi này liệu có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng hay không?
Theo như lời nhân viên H. nói, nhiều khách hàng mua NƠXH do công ty này bán với mục đích đầu tư, tuy nhiên cũng khó tránh khỏi việc có những người muốn mua NƠXH để ở thật. Phải biết rằng, những hộ gia đình đó đều có thu nhập thấp, chưa có nhà ở, việc trục lợi chính sách và lợi dụng lòng tin của họ để kiếm lời là điều không thể chấp nhận được. Liệu rằng, số tiền của các khách hàng bỏ ra để đặt cọc và đóng tiền chênh lệch (từ 140 - 330 triệu đồng/căn), sau này họ có chắc chắn mua được NƠXH như lời hứa của nhân viên công ty này hay không?
Về những vấn đề này, liệu các đơn vị chức năng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng Hà Nội, trực tiếp là Sở Xây dựng Hà Nội có nên nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, đồng thời có biện pháp xử lý nếu phát hiện ra sai phạm?
Trên đây chỉ là 1 trong những trường hợp nổi cộm về tình trạng quảng cáo, rao bán NƠXH trái phép thời gian qua. Nếu như các nhà quản lý không nhanh chóng vào cuộc làm rõ các vấn đề liên quan, đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước sẽ càng ngày bị "bóp méo" để trục lợi.
Từng có rất nhiều chuyên gia bất động sản, chuyên gia pháp lý đưa ra vấn đề này trên nghị trường cũng như trên các phương tiện thông tin truyền thông, thế nhưng có lẽ câu chuyện này sẽ chưa có hồi kết và còn phải đưa ra bàn luận rất nhiều.
Cần tổng kết, đánh giá và xây dựng chính sách NƠXH
Trả lời báo chí về chính sách cũng như thực tế phát triển NƠXH giai đoạn vừa qua, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá: “Để nâng cao hơn hiệu quả của chính sách về NƠXH, có 3 vấn đề cần được tổng kết, đánh giá và xây dựng chính sách NƠXH với đầy đủ các vấn đề. Thứ nhất, quy định về tiêu chí của từng đối tượng hưởng chính sách, tạo sự công bằng trong việc phân bổ nguồn chính sách, loại bỏ tình trạng trục lợi chính sách. Thứ hai, việc triển khai các chính sách đến các đối tượng hưởng chính sách thông qua các hình thức cụ thể về thủ tục trong tạo lập dự án NƠXH, tín dụng ưu đãi, giao đất giao nhà. Thứ ba, có chính sách xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách NƠXH”.
"Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Công ty NHS “thâu tóm” quyền phát triển dự án Helios Tower của Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội thế nào?
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS (Công ty NHS) được quảng cáo là đơn vị liên danh với Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội - Công ty cổ phần Lilama Hà Nội là chủ đầu tư Dự án Tổ hợp thương mại, siêu thị, văn phòng và nhà ở để bán - Helios Tower (75 Tam Trinh, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội).
Được biết, khu đất xây dựng dự án trước đây do Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội quản lý, sử dụng kể từ sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đến ngày 27/2/2012, UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Quyết định 985/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng 8.645m2 đất tại số 75 Tam Trinh để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, siêu thị, văn phòng và nhà ở để bán. Quyết định này sau đó được điều chỉnh vào ngày 29/1/2013.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Kim khí Hà Nội và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2005. Tính đến hết năm 2013, Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội gồm cổ đông là Tổng Công ty thép vẫn chiếm 89,37% vốn góp, còn lại là vốn góp của các đối tượng khác. Về phía Công ty cổ phần Lilama Hà Nội thì Tổng Công ty Lilama Việt Nam chiếm 49,97% vốn góp.
Theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 687/2010/HĐHTĐT và phụ lục Hợp đồng số 01/2012/PL-HĐHTĐT ngày 27/3/2012, số 01/2012/PL-HĐHTĐT ngày 14/11/2013, Công ty NHS đã hợp tác với Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội và Công ty cổ phần Lilama Hà Nội để hợp tác đầu tư xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tại 75 Tam Trinh với tổng chi phí khái tính là 777,1 tỷ đồng (tổng giá trị vốn góp ít nhất là 115 tỷ đồng).
Trong đó, Công ty NHS góp bằng tiền 34,5 tỷ đồng (chiếm 30%), Công ty cổ phần Lilama Hà Nội góm 40,5 tỷ đồng (chiếm 35%) và Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội góp bằng quyền phát triển dự án tương ứng với 40,5 tỷ đồng (chiếm 35%).
Theo tìm hiểu, việc phân phối lợi nhuận khi 3 công ty trên “bắt tay” nhau được phân chia như sau: Tầng hầm, tầng thương mại dịch vụ công cộng, diện tích sân vườn sẽ được phân chia theo hình thức phân chia lợi nhuận; phần căn hộ sẽ được phân chia theo hình thức phân chia sản phẩm.
Đến ngày 8/1/2014, Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội đã chuyển nhượng một phần vốn góp cho Công ty NHS với tổng giá trị 35,5 tỷ đồng, giảm tỷ lệ góp vốn xuống còn 5%. Đến ngày 28/8/2015, Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp còn lại tương ứng 5% tổng giá trị góp vốn cho Công ty NHS với số tiền 7 tỷ đồng.
Đến đây, Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội không còn quyền tham gia góp vốn vào dự án trên. Như vậy, Công ty NHS đã "thâu tóm" xong số vốn góp của Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội và nâng mức vốn góp thực hiện dự án lên 65%, tương đương 77 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, dự án Helios Tower có nhiều tai tiếng với lùm xùm bị đình chỉ thi công xây dựng, vì sai phạm thi công tại tầng 3 và tầng 4 so với thiết kế xây dựng.