Aa

Bài 2: Xuất khẩu lao động “núp bóng" liên kết đào tạo

Quốc Huy - Nam Khánh
Quốc Huy - Nam Khánh hienhd@reatimes.vn
Thứ Bảy, 13/03/2021 - 09:00

Tổ chức liên kết đào tạo với doanh nghiệp ngoài đều được nhà trường thực hiện bằng… miệng. Liệu diện tích đất công có đang bị "chảy máu" bởi những lợi ích cá nhân?

Lời tòa soạn:

Tình trạng sử dụng đất công sai mục đích luôn là vấn đề nhức nhối và đáng lo ngại, khiến không ít cơ quan ban ngành nhiều địa phương phải "đau đầu". Trong số đó, trường hợp các trường học được giao cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy nhưng lại lợi dụng tài sản công để mưu cầu lợi ích riêng đang diễn ra ở nhiều nơi mà cơ quan chủ quản không hề hay biết.

Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều trường học trên địa bàn hiện nay bị sử dụng sai quy hoạch được phê duyệt, thay vào đó là để cho thuê làm quán ăn, quán cà phê, ki-ốt bán hàng hay cho các doanh nghiệp thuê mở trụ sở làm việc,…

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, Reatimes khởi đăng tuyến bài với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.

“Mập mờ” trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động

Các đơn vị trực thuộc của trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị gồm 6 khoa, 6 phòng và 3 trung tâm… Trong đó, Trung tâm tư vấn Xây dựng và Xuất khẩu lao động được thành lập trên cơ sở Trung tâm Ứng dụng công nghệ và Xuất khẩu lao động thuộc trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị (theo Quyết định số 704/QĐ-BXD ngày 27/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đào tạo nghề xây dựng dân dụng công nghiệp và quản lý đô thị thuộc trường Sư phạm Kỹ thuật xây dựng (theo Quyết định số 841/BXD-TCLĐ ngày 16/8/1994 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). 

Mục đích của Trung tâm tư vấn Xây dựng và Xuất khẩu lao động là nhằm giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cũng như đào tạo, chuyển giao công nghệ và bồi dưỡng học viên đi tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và các nước khác trên thế giới. 

Trung tâm tư vấn Xây dựng và Xuất khẩu lao động
Các lớp học tại trung tâm vẫn diễn ra thường xuyên. (Ảnh cắt từ clip)

Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, việc thực hiện liên kết với các doanh nghiệp dựa trên Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Các học viên sẽ được trung tâm dạy ngôn ngữ miễn phí tại cơ sở của nhà trường. Sau khi được đào tạo nghề và tiếng, nếu có nhu cầu sẽ được đưa đi xuất khẩu lao động tại các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động. Việc phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trước đây có văn bản hợp tác, nhưng sau này lại không có nữa. Còn việc các đơn vị doanh nghiệp sử dụng cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo của trường có đúng mục đích hay không thì đại diện Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị không phát ngôn.

Nhà hiệu bộ của trường đã được biến thành trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động của doanh nghiệp
Nhà hiệu bộ của trường đã được biến thành trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động của doanh nghiệp (Ảnh cắt từ clip)

Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ lao động thương binh xã hội nêu rõ: khoản 1, Điều 2 Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là đơn vị), cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

Khoản 2, Điều 2 Thông tư này không áp dụng với đối tượng liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Khác hẳn với chức năng nhiệm vụ của từng cơ sở vật chất được nhà trường giới thiệu công khai, thực tế cho thấy Nhà hiệu bộ của trường đã được biến thành Trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động của doanh nghiệp. Hay như khu Nhà làm việc có trong mô hình được nhà trường “hô biến” thành ký túc xá cho người đi xuất khẩu lao động.…

Phải chẳng chỉ cần dựa theo thông tư của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về đào tạo liên kết, đơn vị nhà trường sẵn sàng chuyển đổi công năng sử dụng cơ sở vật chất mà không cần phải báo cáo đơn vị chủ quản?

Theo những giới thiệu của Trung tâm tư vấn Xây dựng và Xuất khẩu lao động, chương trình đào tạo nghề bao gồm nghề cơ khí - hàn; nghề điện và nghề xây dựng. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp còn tự ý mở các lớp dạy khác không liên quan. Cơ sở đào tạo ở đây là dựa trên thoả thuận... "mồm" với nhà trường.

Một học sinh đang học tại trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị cho biết, ngay khi nhập học tại trường, học sinh sẽ được thông báo đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Nếu có nhu cầu sẽ đăng ký với nhà trường để được tư vấn tham gia các khóa đào tạo… Không những thế, “các bạn tham gia đơn hàng xong, bên kia người ta nhận thì các bạn đi thôi. Tùy theo đơn hàng…nhanh nhất là 3 tháng, lâu là 8 tháng…”, một nhân viên Trung tâm đào tạo Công ty cổ phần tập đoàn An Dương cho biết.

Phải chăng, việc nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp để liên kết đào tạo chỉ là lợi dụng kẽ hở để tiếp tay cho các doanh nghiệp đưa người xuất khẩu lao động hợp pháp? Không những thế, cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất được Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị tạo điều kiện tối đa cho đơn vị doanh nghiệp hoạt động mà không vần một văn bản, hợp đồng hợp tác nào cả?

Liên kết đào tạo thế nào cho đúng?

Tình trạng các trường học hiện nay đang sử dụng đất công sai với quy hoạch được phê duyệt đang là bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Năm 2019, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được báo giới nhắc đến việc sử dụng nhiều diện tích đất (được UBND TP. Hà Nội quy hoạch cho trường phục vụ mục đích giáo dục) để làm ki-ốt cho thuê mở quán cà phê, quán ăn.

Một số chủ cửa hàng tại đây cho biết, để thuê được cửa hàng kinh doanh buôn bán tại khu vực này không hề đơn giản, phải có người quen làm trong trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) mới thuê được và giá thuê không hề rẻ, khoảng 30 - 40 triệu/tháng với cửa hàng rộng khoảng 30m2. Thậm chí đối với những diện tích lớn hơn sẽ có giá cho thuê lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Hay đơn cử như năm 2018, trường Everest (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng được nhiều kênh thông tin đại chúng nhắc đến. Mặc dù khu đất này được quy hoạch là dự án trường tiểu học và THCS, tuy nhiên nhà trường lại cho thuê để sinh viên cao đẳng học tập, sinh hoạt, giảng dạy và làm ký túc xá.

Dưới góc độ tìm hiểu, nghiên cứu thông tin, một dấu hỏi đáng để cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm là những đơn vị như Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An - Dĩ An - Bình Dương; Trường Trung cấp Kinh tế Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An; Trường Cao đẳng Cơ giới Xây dựng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm và Trường Đại học Xây dựng miền Tây hợp tác để công ty Cổ phần Tập đoàn An Dương mở văn phòng và trung tâm đào tạo thực hiện liên kết đạo có đúng quy định? Việc hợp tác liên kết giống với những gì đại diện Ban Lãnh đạo trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị đang triển khai bằng… miệng?

Thông tin các học viên để lớp để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. (Ảnh cắt từ clip)

Dưới góc độ pháp lý và phân tích về sự việc của trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị nói riêng và các trường nói chung, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, tình trạng diễn ra ở đây hiện nay không chỉ ở một trường mà còn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi. Theo quy định hiện nay thì Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng, tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo với người học....

Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo cũng phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định được quy định tại Điều 5 Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội như: Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo; Chỉ tiêu tuyển sinh liên kết đào tạo...

Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Cường cho biết, trường hợp của Trường Cao Đẳng Công trình và đô thị Hà Nội thì cần làm rõ đơn vị này liên kết đào tạo những ngành nghề gì, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo hay chưa, chỉ tiêu đào tạo đã đáp ứng quy định không… thì mới có căn cứ xác đinh có hay không hành vi vi phạm. Ngoài ra đối với doanh nghiệp phối hợp đào tạo thì cũng cần xem xét về các điều kiện về nhu cầu đào tạo, cơ sở vật chất... thì mới xác định có hay không hành vi vi phạm. Đôi khi chỉ cần hiểu sai, thực hiện sai chủ trương đúng đắn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì đã là một vấn đề đáng lưu tâm. Đặc biệt, một đơn vị lợi dụng chủ trương để trục lợi cá nhận cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm.

"Ngoài ra hiện nay, có thể thấy tình trạng thất nghiệp, lao động thu nhập thấp ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn vẫn tăng cao, đời sống kinh tế khó khăn khiến nhiều thanh niên, người lao động ở nhiều vùng quê đã chọn giải pháp là đi xuất khẩu lao động để tìm kế mưu sinh cũng như là tìm cơ hội đổi đời, làm giàu. Xuất phát từ nhu cầu trên thì nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã mở ra nhiều chương trình đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên trong số đó cũng không ít trường hợp không được cấp phép hoạt động",  luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, đối với những trường hợp này, khi liên kết đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần xem xét các đơn vị, doanh nghiệp đã đủ điều kiện để đưa người lao động đi xuất khẩu hay không, có đảm bảo cơ sở vật chất khi đào tạo hay không... Còn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đáp ứng điều kiện về ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giảng viên… thì mới đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu xã hội và phù hợp với quy định pháp luật.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Rõ ràng, để xảy ra sai phạm trong việc sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công trách nhiệm trước tiên là đơn vị quản lý chủ quản. Đó là việc buông lỏng quản lý, thiếu công khai minh bạch trong công tác thanh kiểm tra. Tiếp đến, trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong sử dụng tài sản công này phải thuộc về đơn vị sử dụng đất. Dù biết sai, nhưng lãnh đạo trường Cao Đẳng Công trình và Đô thị vẫn cố tình bắt tay liên doanh, liên kết với doanh nghiệp ngoài để sử dụng cơ sở vật chất trái mục đích.

Theo luật sư, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý Nhà nước về đất đai đã lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Các yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai được hiểu rằng có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top