Aa

Bài 3: Khi triển khai dự án, việc đầu tiên cần làm là hạ tầng

Thứ Hai, 20/08/2018 - 06:01

Thành phố thông minh là dự án mang tầm quốc gia và được cho là “điểm cộng” trong định hướng phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, dự án lại bị “điểm trừ” về việc truyền tải thông tin đối với người dân. Trong đó, những vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất là ẩn số lớn nhất.

Theo khảo sát của Reatimes, đa phần các nhà nghiên cứu quy hoạch, chuyên gia kinh tế và người dân đều ủng hộ định hướng phát triển Thành phố thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài của Hà Nội. Tuy nhiên, để dự án đi vào triển khai đúng hướng và đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội, cần có thêm những góc nhìn mang tính xây dựng. Tiếp theo loạt bài này, Reatimes đăng tải ý kiến của những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực liên quan.

Mảnh đất "nạc" nhất của Hà Nội

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựngThành phố thông minh trục Nhật Tân – Nội Bài có thể có một số điểm nhấn như có vị trí nằm trên mảnh đất vàng của Hà Nội. Đặc biệt, đây được cho là mảnh đất trống không vướng víu nhiều đến chuyện giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Khái niệm "Thành phố thông minh" theo chuyên gia này chỉ là cách nói thay cho một thành phố đảm bảo nhiều tiêu chí hiện đại, xanh, môi trường sống tốt, phồn vinh, nhộn nhịp. Thành phố cũng đảm bảo các chức năng sống như trường học, bệnh viện, văn phòng, công ty,…

"Điểm đáng quan tâm nữa là hiện nay là nhiều người không rõ Nhà nước giao cho một tập đoàn Việt Nam và một tập đoàn của Nhật Bản quyền hạn gì trong dự án? Tất nhiên, khi được giao đất, chủ đầu tư có thể sẽ cố gắng xây dựng đô thị như định hướng ban đầu, đồng thời đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

Dù tháng tới, Dự án Thành phố thông minh trục Nhật Tân Nội Bài sẽ được khởi công, nhưng những thông tin vê dự án hiện vẫn còn nhiều ẩn số

Dù tháng tới, dự án Thành phố thông minh trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ được khởi công, nhưng những thông tin vê dự án hiện vẫn còn nhiều ẩn số.

Khi triển khai dự án, việc đầu tiên cần làm là hạ tầng và hạ tầng phải được làm đồng nhất. Tiếp theo, chủ đầu tư có thể chia lô đất theo chức năng đã quy hoạch thì khi đó, việc đấu giá là do chủ đầu tư làm chứ không còn là việc của Nhà nước", TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Cũng theo chuyên gia này: Nếu Nhà nước đã giao toàn bộ khu đất hơn 2000ha thì chủ đầu tư sẽ quyết định việc phân lô đất hay đấu giá. Khi đó, giá trị của đất như thế nào là vì lợi ích của chủ đầu tư chứ không phải vì lợi ích tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, đáng lẽ Nhà nước cần đấu giá toàn bộ hơn 2000ha đất để thực hiện dự án. Nhưng Nhà nước đã giao hẳn cho chủ đầu tư thì giờ chức năng của cơ quan Nhà nước chỉ làm công tác kiểm tra, giám sát, duyệt quy hoạch.

"Cần công khai đấu thầu các dự án sử dụng đất"

Cùng bàn luận về tầm quan trọng của Thành phố thông minh, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhấn mạnh, xây dựng Thành phố thông minh là cần thiết và cũng là tất yếu trong quá trình phát triển của Thủ đô thời gian tới.

Muốn xây dựng thành phố thông minh, cần phải bắt đầu từ quá trình quy hoạch, cải tạo đô thị, hình thành ra các trung tâm đô thị mới. Đặc biệt, để tăng cường tính minh bạch của thị trường đất đai, cần có quy định và triển khai thực hiện rộng rãi, công khai đấu thầu các dự án sử dụng đất có mục đích kinh doanh và đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất riêng lẻ đã xác định rõ mục đích sử dụng.

Về vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, phải đưa dự án ra đấu thầu công khai, doanh nghiệp nào trả giá cho dự án thấp nhất thì được làm. Thứ hai, khi Nhà nước thanh toán tiền lại cho dự án đó, không nhất thiết phải là đất, có thể là nguồn tiền nào đó. Nếu lấy từ quỹ đất thì phải thực hiện đấu thầu dự án đất đó và công khai lên thị trường. Như vậy, khi ngang giá với nhau thì sẽ không còn tiêu cực xảy ra.

"Đối với câu chuyện Thành phố thông minh ở Đông Anh, phải khẳng định rất rõ rằng mảnh đất này giao cho doanh nghiệp; doanh nghiệp quy hoạch xây dựng lên công bố rõ bao nhiêu diện tích để ở, bao nhiêu diện tích cho công viên cây xanh, thương mại, tổng mức đầu tư bao nhiêu, tổng mức bán bao nhiêu, trừ đi sẽ ra phần của Nhà nước quyết định. Và vấn đề là doanh nghiệp nào trả cho Nhà nước nhiều tiền hơn thì giao cho doanh nghiệp đó.

Giao cho doanh nghiệp nhưng có kèm điều kiện gì không? Khi giao thì phải đáp ứng tiêu chí rằng làm theo đúng quy hoạch. Thứ hai là khi làm xong phần ở để bán thì Nhà nước phải đứng ra bán chứ không phải doanh nghiệp tự ý bán, doanh nghiệp chỉ đầu tư. Nếu không đáp ứng những điều kiện trên thì tại sao giao mà không đưa ra đấu giá công khai?", PGS.TS. Hoàng Văn Cường băn khoăn.

Mới đây, ngày 20/4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề của hội nghị là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng.

Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, "nhiều đến mức độ không thể nhớ hết". Cùng với sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng.

Về thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu bộ nào, ngành nào, cấp tỉnh có vướng mắc gì để nâng cao hiệu quả giải quyết, một cửa liên thông, hậu kiểm những vấn đề gì… để tháo gỡ, bởi thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều khâu ách tắc trong khi đã bước sang quý II của năm 2018.

Đặc biệt, Thủ tướng nói thẳng vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập. Chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm vì lý do này, lý do khác. Rồi nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân. Đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, ngăn chặn cho được tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu. "Không để tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong". Ai ngâm lâu hồ sơ thì phải xử lý", Thủ tướng chỉ đạo.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra tình trạng chọn nhà thầu tùy tiện, tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng. "Đất đai mà tự giao nhà đầu tư làm thì thất thoát lớn, vì vậy không được bán chỉ định. Tài sản đất đai phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước. Chúng ta bị thất thoát trong vấn đề này rất lớn, cần phải chấn chỉnh. Dẹp ngày tình trạng quân xanh, quân đỏ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chấn chỉnh tình trạng ôm đồm, không phân cấp triệt để, tình trạng thiếu quy hoạch chi tiết dẫn tới "xin - cho" trong các dự án đầu tư xây dựng cần khắc phục.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về việc minh bạch quyền sử dụng đất và các vấn đề liên quan tại Thành phố thông minh Trục Nhật Tân – Nội Bài,…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top