Aa

Bài 3: Xi măng Công Thanh bê bết, "ông bầu tài chính" Vietinbank ngồi trên đống lửa?

Thứ Ba, 11/09/2018 - 06:01

Trong báo cáo tài chính gần đây nhất (kết thúc năm 2015), Xi măng Công Thanh còn nợ Vietinbank gần 8.000 tỷ đồng (gồm nợ vay và trái phiếu). Ngoài ra hai đơn vị này còn có mối quan hệ đặc biệt khác liên quan đến bảo hiểm, dự án bất động sản.

Con nợ “ung thư”: Tài sản dở dang chiếm 89%, chi phí tài chính nuốt hết lãi, dự án dừng gần hết

Tình hình tài chính khủng hoảng trầm trọng của Tập đoàn Công Thanh – Xi măng Công Thanh đang là nỗi ám ảnh của ban lãnh đạo, cổ đông và đối tác. Tuy nhiên, có lẽ không ai lo lắng bằng chủ nợ của doanh nghiệp này - ngân hàng Vietinbank. 

Theo báo cáo tài chính công bố gần đây nhất của Xi măng Công Thanh, đa phần tài sản của Xi măng Công Thanh là tài sản dở dang dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, giá trị tài sản dở dang của đơn vị này lên tới 12.281 tỷ đồng, tương đương 89,21% tổng tài sản tại cùng thời điểm.

Dự án mà Công ty rót tiền vào đáng kể nhất là Dự án Xi măng Công Thanh Dây chuyền 2 với giá trị tương đương 12.130 tỷ đồng. Đây là dự án xi măng lớn nhất Việt Nam, được khởi công từ tháng 10/2009, khánh thành vào cuối năm 2016. Dự án có quy mô công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 6 triệu tấn xi măng/năm.

Thế nhưng, cũng chính tại công trình "đáng tự hào" này, Công Thanh đang phải đối mặt với rủi ro lãi suất được vốn hóa đối với dự án, và thị trường xi măng cạnh tranh khốc liệt. Theo lịch trình được công bố, từ năm 2017 - 2023, mỗi năm Công ty sẽ phải trả thêm 240 tỷ đồng lãi vay cho dự án này. Từ năm 2024 - 2029, nợ vay phải trả mỗi năm ước đạt 290 tỷ đồng, chỉ tính riêng cho khoản vay trái phiếu dự án nói trên.

Năm 2016, căn cứ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, Xi măng Công Thanh đặt kế hoạch lợi nhuận 25 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả thực hiện năm 2015. Trong khi đó, kế hoạch doanh thu được đề xuất tới 3.000 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả 2015.

XMCT chính thức trở thành công ty đại chúng vào tháng 11.2009

Xi măng Công Thanh chính thức trở thành công ty đại chúng vào tháng 11/2009 (ảnh minh hoạ) 

Cấu trúc tài sản của Xi măng Công Thanh thiếu cân đối trầm trọng. Cụ thể, nợ phải trả của Công ty lên tới 12.958 tỷ đồng, chiếm 94,13% tổng tài sản cuối năm 2015. Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.197 tỷ đồng khiến kiểm toán báo cáo tài chính nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Xi măng Công Thanh còn nợ lãi vay chưa thanh toán lên tới 3.311 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.

Nợ vay ngắn và dài hạn của Xi măng Công Thanh cuối năm 2015 đạt 7.484 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khác với các doanh nghiệp nặng gánh nợ vay khác, hầu hết các khoản vay của Xi măng Công Thanh đều đến từ một chủ nợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Toàn bộ 7.027 tỷ đồng (gồm nợ vay và trái phiếu) đều do VietinBank tài trợ.

Ngoài ra, trong một hợp đồng bảo hiểm giữa Xi măng Công Thanh và Bảo hiểm Ngân hàng Công thương (VBI), thiệt hại của Công ty trong cơn bão số 10 năm 2013 gây tranh cãi nhiều cho hai bên.

Khả năng thanh toán cũng như tình hình hoạt động của Xi măng Công Thanh về mặt nguyên tắc sẽ là rủi ro đối với VietinBank trong việc thu hồi vốn.

Dự án khủng của Xi măng Công Thanh giờ ra sao?

Câu hỏi đặt ra là: "Liệu có cơ may nào cho Vietinbank đòi lại số nợ khủng này?". Để tìm kiếm câu trả lời, có lẽ chỉ cần nhìn vào hoạt động của Xi măng Công Thanh ở những dự án "trọng điểm nhất" để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp này. 

Hiện, tại khu kinh tế Nghi Sơn, tập đoàn Công Thanh đã đăng ký đầu tư tất cả 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký ngót nghét 50.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động tổng thể cả 2 dây chuyền từ đầu năm 2016. Còn lại, các dự án khác đều chậm tiến độ trong thời gian dài.

Nhiều dự án của Xi măng Công Thanh chưa triển khai như: Tuyến băng tải từ nhà máy XMCT ra cảng Công Thanh (18km); đầu tư bến cảng tổng hợp số 6 (6,47ha); dự án du lịch biển Golden Coast Resort tại huyện Tĩnh Gia (15,36 ha; được chấp thuận chủ trương từ… 2008). Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (21.480 tỷ đồng; 70ha); Cảng chuyên dụng Công Thanh (2.212,86 tỷ đồng; 22,5ha); 

Thực trạng lãng phí đất đai kéo dài nêu trên của Xi Măng Công Thanh đã khiến BQL Khu kinh tế Nghi Sơn thực hiện rà soát toàn bộ dự án do Tập đoàn làm chủ đầu tư để đánh giá về năng lực tài chính, quyết tâm đầu tư cũng như tham mưu báo cáo Tỉnh Thanh Hóa.

Tại dự án bất động sản Golden Coast Resort, Xi Măng Công Thanh cũng xin gia hạn nhiều lần vào 2011 và vào tháng 6/2016. Tháng 7/2018, sau khi được Xi măng Công Thanh báo cáo tình hình thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giao BQL Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN phối hợp các Sở ngành, huyện Tĩnh Gia làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai dự án.

Với việc Xi măng Công Thanh đầu tư gây lãng phí đất kéo dài, cộng thêm tài chính yếu đuối đặt trong trạng thái liên tục xin gia hạn, giãn hoãn tiến độ các dự án quy mô chiếm đất lớn,... phải chăng đã đến lúc chủ nợ Vietinbank nên lo lắng?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Được thành lập vào tháng 1/2006 tại tỉnh Thanh Hóa, Xi măng Công Thanh chính thức trở thành công ty đại chúng vào tháng 11/2009. Tại ngày 31/12/2017, Công ty có 1 nhà máy xi măng đặt tại trụ sở chính tại tỉnh Thanh Hóa với 2 dây chuyền sản xuất.

Ngoài xi măng, doanh nghiệp này cũng hoạt động nhiều lĩnh vực khác như: Nhiệt điện (đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Thanh Hóa với vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng), khoáng sản, bê tông, clinker hay thậm chí bất động sản (sân golf, resort)… Được biết, Công ty được cấp quyền khai thác hai mỏ khoáng sản (mỏ đá vôi, mỏ đất sét) tại Thanh Hóa với thời gian khai thác 30 năm (tính từ năm 2012).

Hiện tại, website chính thức của công ty Xi măng Công Thanh đã không truy cập được. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top