Thông tin này được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại văn bản yêu cầu UBND TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan đến các tuyến đường đang được đơn vị xác minh, điều tra liên quan đến việc hiến đất làm đường.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đang xác minh, điều tra vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong việc hiến đất, ghi nhận hiện trạng đường giao thông, để giải quyết hồ sơ tách thửa trái quy định pháp luật trên địa bàn TP.Bảo Lộc. Từ ngày 25/10/2021 đến ngày 10/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường đối với 14 khu đất có biểu hiện hiến đất làm đường giao thông, hợp thửa, tách thửa không đúng quy định trên địa bàn phường Lộc Phát, xã Đam B`ri, TP.Bảo Lộc có liên quan đến tin báo của Thanh tra tỉnh.
Qua kết quả điều tra cho thấy, diện tích tuyến đường giao thông mở mới cho các hộ dân hiến đất làm đường theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận là 80.122 m2. Tổng diện tích các tuyến đường mở mới qua đo đạc thực tế là 76.806,015 m2, trong đó, thuộc quy hoạch đất ở là 25.179,975 m2, thuộc quy hoạch đất nông nghiệp là 47.455,04 m2, thuộc đất giao thông là 3.836,7 m2 (nhưng không đúng vị trí và hướng tuyến quy hoạch) và đất thương mại dịch vụ là 333,9m2.
Tuy nhiên, các tuyến đường này không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1995 phường Lộc Phát và cũng không có trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1998 của xã Đam B'ri (đã chỉnh lý thời điểm gần nhất). Các tuyến đường mở mới có đấu nối với đường giao thông hiện hữu do nhà nước quản lý, việc đấu nối không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng xác định trường hợp đường chính theo quy định tại khoản 13, điều 3, Luật Giao thông đường bộ. Liên quan đến vụ việc trên, ngày 17/01/2021 Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời việc xác định là đường chính hay không trước hết phải xác định được phạm vi khu vực và việc quản lý hạ tầng giao thông của khu vực đó, để xác định đó có là đường chính hay không.
Căn cứ vào kết quả khám nghiện hiện trường, điều 88 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị UBND TP Bảo Lộc cũng cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu liên quan đến vụ việc trên. Đồng thời, phối hợp xác định các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường hẻm, đường chưa có tên mà các trường hợp trên sau khi tự ý mở đường đấu nối vào có phải là đường chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ không? Hành vi của các hộ dân đấu nối trái phép vào các đường hiện hữu do nhà nước quản lý như trên có phải là hành vi đấu nối trái phép vào đường chính hay không? Cung cấp một số thông tin, tại liệu khác có liên quan (nếu có).
Như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Điểm nóng phân lô đầu tiên đã thừa nhận “hiến đất làm đường” trái Luật Đất đai, Kết luận kiểm tra Công tác tham mưu hiến đất làm đường và cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn huyện Lâm Hà, cho biết, thời gian qua, trước nhu cầu người dân xin mở đường nhằm phục vụ nhu cầu làm đường đi chung, sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc sử dụng đất của cộng đồng dân cư trong khu vực, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) đã tham mưu cho UBND huyện triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều hạn chế.
Có 35/43 trường hợp người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích nhu cầu thực tế “xin phép mở đường đi để đủ điều kiện được tách thửa”, trong khi báo cáo lại thể hiện “người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích mở đường đi chung cho cộng đồng dân cư...”. Đây là phản ánh chưa chính xác, chưa đúng với thực tế. Sau khi được UBND huyện chấp thuận chủ trương cho mở đường, người dân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường, tự thiết kế, lập bản vẽ phân lô để rao bán và hình thành một số điểm dân cư mới tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
Đáng nói, 7/43 vị trí xin mở đường đi “thuộc quy hoạch đất ở” theo báo cáo thẩm tra của Phòng KTHT là chưa đúng, vì chỉ có một phần nhỏ thuộc quy hoạch đất ở, còn lại đa số diện tích thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, hoặc toàn bộ thửa đất thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Bảo Lâm, Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Nhi cũng thừa nhận hiến đất làm đường sai quy định. Thông tin đã được Reatimes phản ánh qua bài Lâm Đồng: Phó Chủ tịch huyện khen kinh tế phân lô, Chủ tịch thừa nhận sai phạm, ngày 23/12/2021, báo địa phương cho biết, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bảo Lâm về một số vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đất đai, xây dựng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, thời gian qua địa phương đã để xảy ra những sai phạm, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh. Trong đó, tập trung vào các vụ việc hiến đất mở đường sai quy định và tình trạng xây dựng các dự án bất động sản không phép xảy ra tại một số địa phương như Lộc Tân, Lộc Quảng, B’Lá và Lộc An... Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh, trước những tồn tại, vướng mắc đã xảy ra trên lĩnh vực đất đai, xây dựng là không thể phủ nhận và trách nhiệm thuộc về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu địa phương; cùng với đó, là trách nhiệm của một số sở, ngành liên quan.
Bưng bít thông tin, dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Lợi ích nhóm lên ngôi, năng lực quản lý xuống dốc?, văn bản hoả tốc số 8910 /UBND-ĐC của tỉnh yêu cầu báo cáo khá nhiều nội dung, nhưng chưa làm rõ, các con đường hình thành do hiến đất làm đường có đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hay không? Từ thời điểm năm 2018 đến nay các địa phương có bao nhiêu lần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất? Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các khu đất tách thửa có đúng quy trình không? Vốn đầu tư của chủ sử dụng đất tại các khu đất đã hiến đường và tách thửa là bao nhiêu? Việc chủ sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này có đáp ứng điều kiện không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP hay không?
Không những “bỏ sót” những vấn đề quan trọng trên, địa phương này đang có dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm, thông qua việc bưng bít, không cung cấp thông tin cho báo chí.
Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về một số khu đất được gắn mác dự án như: The Tropicana Garden, La Melodie, Farm Hill... nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.