Lời tòa soạn:
An Vân Dương là khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2005, sớm và lớn nhất ở xứ Huế. Khu đô thị nằm ở phía Đông TP. Huế, hình thành trên địa giới hành chính của TP. Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau 16 năm xây dựng, hiện khu đô thị mới (ĐTM) này bộc lộ một số hạn chế, trong đó nan giải nhất là vấn đề chống ngập lụt.
Anh Trần Khánh, một cư dân của ĐTM An Vân Dương đã chia sẻ những “trải nghiệm” của mình và gia đình về cuộc sống trong vòng xoáy ngập lụt. Reatimes xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Cũng thời điểm này tôi được bạn bè, bà con chung cư nơi có tổ ấm nhỏ của chúng tôi chia sẻ loạt bài báo của Reatimes về Khu đô thị mới An Vân Dương - đô thị “vàng” trong vòng xoáy lụt. Những bài báo như nói hộ những thổn thức từ trong tôi, người thân và cả hàng xóm chúng tôi, tôi tin thế. Những dòng chia sẻ này nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc Reatimes một góc nhìn khác, là sự “trải nghiệm” của chính cư dân sống trong cảnh ngập lũ trong khu đô thị “vàng” như gia đình bé nhỏ của chúng tôi.
Hụt hẫng, âu lo…
Là vợ chồng trẻ, số vốn tích cóp có hạn, nhờ gia đình hai bên nội ngoại nên vợ chồng tôi mới gom góp để mua căn hộ ở chung cư tại Khu ĐTM An Vân Dương - không chỉ hợp túi tiền mà bản thân còn bị thu hút bởi hệ sinh thái nơi đây khi xây dựng là đô thị kiểu mẫu ở TP. Huế xinh đẹp.
Năm 2019, mọi thứ vẫn đầy màu hồng, nhiều hy vọng và mơ mộng. Nhưng một năm sau, mọi mơ mộng đều biến thành "ác mộng" vì sống trong khu đô thị bậc nhất giữa lòng TP. Huế mà chúng tôi lại trải qua quãng thời gian chẳng khác nào thời xa xưa vì ngập lụt. Tất nhiên, là một người con xứ Huế nên mỗi mùa mưa bão về, chúng tôi đều đã chuẩn bị cho mình tâm thế nhất định sẵn sàng “sống chung” với cảnh lũ lụt. Nhưng chúng tôi muốn cải thiện điều đó, không muốn sống mãi với lụt lội cả đời và đó cũng là một nguyên nhân chính khi chúng tôi tìm đến Khu ĐTM An Vân Dương cùng giấc mơ thoát cảnh chạy lụt.
Thế nhưng, thay vào đó lại là những ám ảnh kinh hoàng.
Một ngày đầu tháng 10/2020, trời mưa như trút nước, mưa xối xả đêm ngày. Những cơn mưa triền miên không quá xa lạ với người Huế. Nhưng vượt qua cả những điều tưởng chừng như đã quen thuộc ấy, ở nơi được chờ đợi là đáng sống, tôi và các gia đình hàng xóm đã phải chứng kiến những cảnh tượng mà có nằm mơ chúng tôi cũng không ngờ đến.
Thời điểm đó, tôi bị bệnh tim và chỉ vừa xuất viện không lâu. Tổ ấm nhỏ của gia đình chúng tôi nằm ở tầng 2 của tòa nhà chung cư 9 tầng. Con tôi lúc ấy mới chỉ vài tháng tuổi còn vợ tôi thì mới sinh xong còn yếu, ngại gió ngại nước. Mọi sinh hoạt đều khá khó khăn. Thế nhưng, nhìn ngoài trời, mưa như trút nước, nước bỗng dâng ào ào, tối đó, gia đình không thể ngủ yên. Giữa con nước đang lên, cứ thỉnh thoảng, tôi lại thức giấc canh con nước lên đến đâu còn đường tính. Điện cúp, con còn nhỏ nên mọi sinh hoạt hết sức bất tiện.
Đó là thời điểm mà gia đình chỉ sử dụng bếp điện, không hề có sự chuẩn bị lương thực, thực phẩm để sinh hoạt lâu ngày. Trời oi bức, tiếng khóc của con vào ban đêm như xé lòng. Đêm đó, cả chung cư nhốn nháo cả lên. Do tầng 1 là nơi để xe nhưng công năng không đủ, có người tận dụng lúc có điện để đưa xe máy lên tầng cao. Khi điện cúp, có người còn nhờ mọi người xung quanh bê xe máy lên tầng trên. Không gian không đủ chứa chúng tôi đành đánh liều để xe máy bên dưới. Mọi người cố gắng tìm lấy gạch, hay vật dụng gì có thể kê càng cao cho xe, càng tốt. Cứ mỗi xe kê 2 - 3 hàng và số lượng gạch không đủ vì lượng xe cần quá lớn. Nước cứ thế, lên theo từng giờ…
Đến 1 - 2h đêm, còi xe cứu hộ inh ỏi. Những ánh đèn đảo màu di chuyển gấp gáp trong những trận mưa như trút nước. Các hộ dân đều không có sự chuẩn bị để đưa ô tô lên khu vực cao. Các cuộc điện thoại không chỉ chung cư chúng tôi mà nhiều nơi trong khu đô thị dồn về dịch vụ xe cứu hộ. “Cháy rồi, tắt máy luôn rồi, nghẽn mạng rồi…”, những lời than vãn sau cuộc gọi cầu cứu rơi vào tuyệt vọng của những gia đình có ô tô nằm giữa dòng nước lũ bủa vây.
Còn nhớ có gia đình ở chung cư đi công tác ngoài Hà Nội, chưa kịp vào thì lũ ập về. Chiếc “xế hộp” đắt tiền nằm “phập phồng” giữa dòng nước lũ đang lên. Từ Hà Nội, chủ chiếc xe kêu, nhờ giải cứu xe trên nhóm Facebook của chung cư. Nhưng chìa khóa xe chủ xe mang theo nên cuối cùng mọi người phá cửa căn hộ chung cư để lấy khóa. Cuối cùng chiếc ô tô mới được cứu ngay trước khi nước lũ tràn vào xe.
Đêm đầu tiên lũ về trôi qua trong sợ hãi. Sáng hôm sau, trời ngớt mưa, điện có lại. Chúng tôi tranh thủ nấu ăn cho cả ngày, vừa nấu vừa nơm nớp lo sợ điện cúp bất cứ lúc nào. Đúng như dự đoán, đến chiều tối, điện cúp khi chưa kịp nấu cơm. Thế là phải nhờ xung quanh mới tìm được một nhà dùng bếp gas. Nấu cơm bằng nồi cơm điện từ bếp gas. Đêm hôm ấy các gia đình có một bữa cơm ấm áp bên ánh đèn cầy. Bên nồi cơm khê, mọi người nói đùa là đang quay lại thuở sinh viên trong các căn phòng trọ giữa lòng cố đô năm nào!
Tháo chạy bằng đường thủy
Đêm không điện. Bên ngoài đường là cánh đồng mênh mông nước. Ánh đèn màu đảo chiều của xe cứu hộ giao thông lờ nhờ di chuyển trong làn nước lũ. Lòng bồn chồn nên thỉnh thoảng, tôi lại xuống xem con nước như thế nào. Nước về khuya, rạng sáng mỗi lúc một dâng. Nhà con nhỏ nên suốt cả đêm vợ chồng thức trắng, vừa quạt tay vừa canh trực cho con.
Sáng hôm sau, nước đã tràn vào nhà xe. Cùng lúc đó, nghe thông tin bên chung cư khác cúp cả nước, nỗi lo lại càng lớn hơn. Lúc này, điện cúp dài nên các nguồn điện dự phòng đều cạn kiệt. Pin điện thoại đã hết. Thế là, trong chung cư vẫn có một hộ dân có máy nổ. Cả chung cư nhốn nháo đến xin sạc điện thoại.
Có người tranh thủ mang theo ổ cắm điện để có thể vừa sạc điện thoại vừa sạc pin dự phòng. Tình cảnh quá đỗi khó khăn. Tôi nhận định, nước lũ sẽ còn lên và kéo dài. Ở tình cảnh không bếp gas, không sự chuẩn bị chu toàn về thực phẩm, con nhỏ, lại vừa đi bệnh viện về, mọi thứ sẽ sớm ngoài tầm kiểm soát.
Sáng hôm đó, vợ chồng tôi quyết định di tản. Nhưng bằng gì đây? Và đưa con đi bằng cách nào khi bốn bề mênh mông là nước. Không mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu, chỉ có đúng một đường rời chung cư duy nhất là bằng… đường thủy. Lúc này, nắm bắt nhu cầu, các đò (thuyền nhỏ, gắn động cơ hoặc chèo bằng tay) xuất hiện khắp chung cư. Khắp một vùng rộng lớn của Khu ĐTM An Vân Dương, bao gồm cả chung cư nơi chúng tôi sống như Vicoland, Anranya, Xuân Phú… thuyền đò thay thế hoàn toàn các phương tiện khác trên đường. Tiếng động cơ đò gắn máy cu le (Kohler) vang dội khắp các ngã đường...
Sáng đó, tôi lội nước xuống tầng dưới chung cư để chờ đò. Một chiếc, hai chiếc rồi ba, bốn chiếc trôi qua. Họ bận đưa khách và đi lướt qua chúng tôi như không để tâm có những người vẫy gọi trong thất vọng. Hơn 1 giờ sau chờ đợi, mới có một cặp vợ chồng chèo thuyền tay đến gần tôi. Thế nhưng tôi cũng chưa thể đi vì phải đi đò ghép, mà chúng tôi thì vợ yếu con thơ cảnh tránh nước. Tôi lấy số điện thoại chủ đò và hẹn quay lại đón trong chuyến khác. Sau hơn 30 phút chờ đợi thấp thỏm, đôi vợ chồng chèo đò cũng quay lại đón chúng tôi dưới làn mưa như trút nước. Cơn mưa không ngớt, gió lạnh rít. Vợ tôi bế con nhỏ trên tay, cố lấy tất cả những gì che được để con thơ không ướt. Cổ tôi nghẹn đắng. Người tôi ướt mèm, lạnh run nhưng mong sao vợ và con không thấm nước...
Chúng tôi lướt trên bề mặt những tuyến đường trung tâm của khu đô thị với mực nước ngập đường chừng 1,5 - 1,7m. Vừa đi tôi vừa cầu Trời khấn Phật... Qua đến cầu Phát Lát 2 khoảng 100m, chúng tôi được chuyển sang đò khác “công suất” tốt hơn để cố đi ra đến ngã 5 đường Bà Triệu - Hùng Vương - Nguyễn Huệ, đoạn siêu thị BigC, nơi điểm cao không ngập. Sau quãng đường dài đầy âu lo gia đình bé nhỏ chúng tôi cũng được chuyển đến nơi cao ráo, có điện. Ở chuyến đò đó, cứ một người, chủ đò lấy 150 ngàn đồng.
Mong đừng để ước mơ thành mộng tưởng
Giống như vợ chồng tôi, có lẽ bất cứ ai khi chọn định cư tại Khu ĐTM An Vân Dương cũng đều tin tưởng rằng sẽ được sinh sống trong một khu dân cư hạ tầng đồng bộ, cùng với các thiết chế văn hóa, giáo dục và tiện nghi khác khi là khu trung tâm hành chính mới của thành phố và tỉnh. Vậy nên dẫu là ở nhà ở xã hội, chung cư trung hay cao cấp mọi người cũng đều trong tâm thế “an cư” trên vùng đất này. Những cảnh tượng ngập lũ, thoạt đầu tưởng là “cục bộ”, là thi thoảng mấy năm mới xảy ra một lần thế nhưng những gì diễn ra trong nhiều năm trở lại đây đã cho thấy rằng đây là vấn nạn hiện hữu, gập lụt có vẻ như đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu ở khu đô thị “vàng” hàng năm ở mùa mưa bão chăng?
Nhớ lại mùa lũ năm trước. Không chỉ gia đình tôi mà khu vực chúng tôi ở nhiều người khác cũng khăn đùm đi di tản. Có nhiều gia đình chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để thuê khách sạn ở. Thậm chí, lúc đó, nhà nghỉ, khách sạn cháy phòng, nhiều gia đình buộc phải thuê khách sạn hạng sang, giá cả đắt đỏ nhưng cũng đành chấp nhận, mong cho qua đận thiên tai ấy. Những người ở lại phải sống trong cảnh thiếu điện mấy ngày liền và khó mà tả nổi sự vất vả của họ. Họ phải cầm cự trong tình trạng thực phẩm cạn kiệt, người dân xúm lại để cử một người lên thuyền đò đi mua. Nhu cầu của người dân cấp thiết tăng cao, các chủ đò đẩy giá “dịch vụ” tăng theo. Một chuyến đò “khứ hồi” từ chung cư Vicoland đến Ngã sáu đường Hà Nội - Hùng Vương - Đống Đa - Bến Nghé khoảng 1km phải trả giá lên đến… 700 ngàn đồng.
Sau nhiều ngày di tản, tháo chạy tránh lũ khỏi khu đô thị được cho là hiện đại bậc nhất tỉnh để quay về tá túc ở quê nhà Hương Thủy chờ nước rút, điện cấp trở lại, cuối cùng chúng tôi cũng được trở lại tổ ấm bé nhỏ của mình ở chung cư. Nhưng ôi… vì quá gấp gáp, khi di tản chúng tôi không thể mang theo thịt, cá hay các thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh. Một mùi nồng nặc xộc lên. Tất cả đồ đạc trong tủ lạnh đều hư thối, bốc mùi kinh khủng.
Rút kinh nghiệm, các đợt lũ sau đó, khi thấy con nước lên, chúng tôi phải di tản sớm. Cứ thế, không dưới 3 lần, vợ chồng phải bồng bế con nhỏ đi tránh lũ. Một cảnh tượng hãi hùng và chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến khi chọn sống ở Khu ĐTM An Vân Dương. Thiên tai tất nhiên là không ai mong muốn, càng khó tránh. Nhưng có một thực tế là Khu ĐTM An Vân Dương nước dâng nhanh, nhưng lại lâu rút. Tôi không rành về quy hoạch nhưng có lẽ với sự đô thị hóa, mật độ xây dựng càng ngày càng cao trong khu đô thị cũng là tác nhân khiến tình hình ngập lụt ở khu đô thị ngày một tệ hơn nếu không được điều chỉnh.
Tôi mong sao, những quy hoạch thông minh và tiện nghi, hợp lý nhất sẽ được tỉnh, sở, ban, ngành tính toán, điều chỉnh lại, giảm áp lực “ngập nhanh, rút chậm”. Để Khu ĐTM An Vân Dương xứng tầm và là nơi quần cư để các nhà đầu tư hay cả người dân không “vỡ mộng” khi tìm đến nơi đây!
Mời quý độc giả tiếp tục đón đọc Bài 5: Hãy trả lại không gian nước cho An Vân Dương! trên Reatimes.vn