Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định Số 315/QĐ-STNMT về việc thanh tra việc chấp hành các quy định về thủ tục hành chính đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra các đơn vị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc và một số bên liên quan như Phòng quản lý đô thị thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện. Thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2020 đến hết năm 2022.
Đơn vị sẽ thanh tra từ ngày 12/6 đến hết cuối tháng. Đoàn thanh tra do ông Trần Viết Dũng, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn. Việc thanh tra này để đánh giá việc chấp hành các quy định về thủ tục hành chính, việc cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính và vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đối với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đồng thời, nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả các TTHC về đất đai theo đúng quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Thời gian thanh tra là 30 ngày làm việc (kể từ ngày công bố quyết định thanh tra). Phạm vi thanh tra bao gồm: Các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của từng hộ gia đình, cá nhân (cấp đổi, cấp lại, cấp do tách, hợp thửa,...) thuộc thẩm quyền của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện thành...
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài viết: Lâm Đồng bỏ toàn bộ quy định “hiến đất làm đường” đã ban hành trước đó, ngày 23/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng đã ký văn bản số 4464/UBND-ĐC1 về việc tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND quyết định chấm dứt hiệu lực toàn bộ các Văn bản của UBND tỉnh: số 4911/UBND-ĐC ngày 5/7/2022 về tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa trên địa bàn tỉnh; số 1952/UBND-ĐC1 ngày 16/3/2023 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố kể từ ngày ký văn bản.
Hay trong bài viết Lâm Đồng loay hoay xử lý sai phạm phân lô bán nền, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1952/UBND-ĐC1 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 14/2/2023, UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương về rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.
Sau khi xem xét báo cáo và ý kiến của các bên, UBND tỉnh đã yêu cầu các UBND địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo thẩm quyền; trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trong đó, riêng đối với quy hoạch sử đụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023.
Song song đó là thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định; tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị).
Đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản) trên địa bàn các huyện, thành phố, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo hướng:
Đối với khu vực, diện tích đất phù hợp các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở (nếu có)...theo quy định. Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chính thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở... theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn./.