Aa

Bài toán tài chính trong bảo tồn và cách ứng xử "khôn ngoan"

Thứ Tư, 27/11/2019 - 06:08

Trên thế giới, du lịch sinh thái góp phần hiệu quả giúp các cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững bằng cách cung cấp cho họ phương tiện tài chính để thực hiện điều đó.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization), khách du lịch chi hơn 200 tỷ đô la mỗi năm ở các nước đang phát triển. Du lịch cũng là một trong những lĩnh vực tạo thu nhập hàng đầu tại hơn 80% tại các quốc gia này. Nhờ tiềm năng tạo thu nhập và việc làm, chính quyền và cộng đồng các nước đã biết trân trọng và bảo vệ những tài nguyên phục vụ cho du lịch.

Du lịch bền vững là gì?

Nhiều người hay đánh đồng với khái niệm du lịch sinh thái. Chúng có nhiều điểm tương đồng, nhưng không phải là một. Thực tế, du lịch sinh thái có thể được coi như một mục trong du lịch bền vững.

Du lịch sinh thái có trách nhiệm với các khu vực tự nhiên là bảo tồn thiên nhiên và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Điểm khác biệt giữa hai khái niệm này nằm ở chỗ, du lịch sinh thái hướng tới giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch, còn du lịch bền vững là một hệ thống liên tục, được chuẩn hóa và phức tạp. Mặc dù phạm vi của chúng khác nhau, hai khái niệm này có chung một nhiệm vụ và tầm nhìn. Bạn sẽ cần sự tham gia của người dân địa phương trong việc duy trì, cải thiện và phát triển du lịch.

Tổ chức Du lịch Thế giới định nghĩa du lịch bền vững là “… sự quản lý tất cả các nguồn tài nguyên sao cho đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và mỹ thuật, đồng thời duy trính tính toàn vẹn văn hóa, các quá trình sinh thái thiết yếu, và hệ thống hỗ trợ sự sống và đa dạng sinh học”.

Nhà nghỉ sinh thái Water-to-Forest tại Philippines.

Để làm rõ hơn vấn đề này, một ví dụ cho du lịch bền vững có thể là: Sử dụng các phương tiện giao thông bền vững, phương tiện tập thể, hiệu quả và sạch như xe bus, tàu điện, hay xe đạp ở các thành phố. Mua các sản phẩm hữu cơ, địa phương. Sử dụng chỗ ở bền vững,…

Du lịch sinh thái có thể kể đến các ví dụ như ở trong một ngôi nhà thuộc sở hữu của người bản địa. Hành động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả. Dân cư địa phương sẽ đưa bạn đến những nơi vô cùng tuyệt vời nhưng ít người biết, bạn sẽ đóng góp một phần cho nền kinh tế địa phương, và đặc biệt là cùng nhau tôn trọng môi trường.

Một vài yếu tố có thể giúp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững:

Thứ nhất, sự tham gia của người dân địa phương trong công tác duy trì, cải thiện và phát triển du lịch là bắt buộc.

Thứ hai, chủ đầu tư các dự án phát triển du lịch cũng nhất thiết phải chung tay góp sức.

Thứ ba, phải hạn chế và thậm chí nghiêm cấm sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo.

Cuối cùng, cộng đồng địa phương phải được làm rõ và thấu hiểu, tiến tới sự đồng thuận trong công tác du lịch, tạo bầu không khí ôn hòa giữa người dân, du khách và các địa điểm du lịch.

Các hoạt động và kinh nghiệm du lịch bền vững sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi nguồn lực chính là nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Du lịch bền vững sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu không được yêu cầu bởi chính các du khách. Ngày nay, khách du lịch lựa chọn điểm đến, nhà điều hành, hướng dẫn viên và các hoạt động bền vững bởi vì chính họ muốn phần nào đó hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên.

Phương tiện tài chính để bảo tồn

Trên thế giới, du lịch sinh thái góp phần hiệu quả giúp các cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững bằng cách cung cấp cho họ các phương tiện tài chính để thực hiện điều đó.

Lào là một ví dụ. Chương trình bảo tồn động vật hoang dã của Lào (Wildlife Conservation Society Lao Programme) là một chương trình kết hợp du lịch sinh thái với thiên nhiên hoang dã để trực tiếp mang lại giá trị bảo tồn, đáng chú ý nhất là việc bảo vệ những con hổ trong Khu bảo tồn Nam Et-Phou Louey. Chương trình là một “thỏa thuận dịch vụ sinh thái” giữa 14 ngôi làng, lợi ích tài chính thu được từ phí du lịch sẽ được gửi trực tiếp đến các làng, người dân tại đây đổi lại sẽ làm các công việc bảo hệ động, thực vật hoang dã để cho khách du lịch đến thăm thú.

Các con báo được nhìn thấy tại Khu vực bảo tồn Quốc gia Et-Phou Louey, Lào.

Thỏa thuận trao đổi “Nợ-cho-thiên nhiên” (Debt-for-nature) sáng tạo giúp gây quỹ cho các hoạt động bảo tồn.

Những thỏa thuận “Debt-for-nature” giúp làm giảm gánh nặng nợ nần của các nước đang phát triển đối với Mỹ, cùng lúc góp quỹ bằng tiền địa phương để hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn rừng nhiệt đới. Nếu một quốc gia quan tâm đến việc gây quỹ bảo tồn, “Debt-for-nature” sẽ cung cấp thêm một nguồn tài trợ cho mục đích đó.

Vốn huy động từ các thỏa thuận này sẽ được sử dụng thông qua các quỹ hoặc tổ chức tín thác được thiết lập cụ thể cho việc phân bổ tài trợ đến các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học địa phương.

Tổ chức Động vật hoang dã Thế giới (World Wildlife Foundation) hiện đang chủ động thiết lập các chương trình “Debt-for-nature” để tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng ở Belize, Philippines, quần đảo Galápagos, Thái Lan và Namibia.

"Debt-for-Nature" là một dự án được ủng hộ bởi tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio để bảo vệ vẻ đẹp của vùng đảo Seychelles, Châu Phi.

Phát triển các doanh nghiệp có lợi nhuận là cách hiệu quả nhất giúp hỗ trợ công tác bảo tồn.

Tại Philippines, các nhà nghỉ sinh thái, địa điểm lặn,và các doanh nghiệp du lịch mới đang hoạt động đã thực sự cải thiện tình trạng quản lý đánh bắt cá và bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và ven biển quan trọng.

Ở Ấn Độ, “Bộ luật Xanh” về bảo tồn đang khiến người dân địa phương nhận thức rằng làm thế nào để con người và thiên nhiên có thể sống cộng sinh trong nhiều thời gian tới hơn, cũng như du lịch sinh thái là cách duy nhất để tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội của du lịch. Một vài ví dụ đã gặt hái được thành công như những chương trình ở khu vực Kerala, nhà nghỉ và resort trong rừng trên khắp miền nam Ấn Độ, hay chương trình The Camp RapidFire ở Rishikesh.

Tầm nhìn từ khu resort trong rừng Treehouse Hideaway, Ấn Độ.

Bài toán thoát nghèo của người dân bản địa

Từ năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng cường nỗ lực nhằm tái cấu trúc du lịch thông qua các sáng kiến mới, do nhu cầu ngày càng tăng từ các quốc gia với hy vọng xóa đói giảm nghèo thông qua tăng trưởng và việc làm, đồng thời bảo vệ động thực vật hoang dã và bảo tồn hệ sinh thái.

Theo Hội đồng Du lịch Thế giới, ngành du lịch được dự báo sẽ tăng trưởng 3,9% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Trong năm 2016, du lịch đóng góp 7,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, hay 10,2%, cho GDP thế giới. Ở các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, các con số thậm chí còn ấn tượng hơn.

Giáo sư Lee White, Thư ký điều hành Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia Gabon, cho biết: “Một con voi mà khách du lịch có thể đến chiêm ngưỡng trong suốt quãng đời của nó sẽ tạo ra nhiều tiền và lợi ích hơn cho người dân và đất nước”.

Phát triển du lịch sẽ là một nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng địa phương và các hộ dân nông thôn, những người thường sống ở các khu vực thiểu số, không nhiều các phương án thoát nghèo. Những người sống gần các khu vực được bảo tồn thậm chí đôi khi phải chịu thiệt thòi do bị hạn chế khai thác đất đai, tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại mùa màng do sự tấn công của động vật hoang dã.

Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các biện pháp can thiệp giúp tăng cường mối liên kết giữa du lịch sinh thái và xóa đói giảm nghèo. Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới Urvashi Narain tin rằng bảo tồn thiên nhiên phải bao hàm cả những người nghèo sống gần các khu vực được bảo tồn.

Núi rừng được bảo vệ bởi chương trình "Forest for Prosperity" tại Himachal Pradesh, Ấn Độ.

Năm 2012, WB đã chấp thuận khoản vay chính sách phát triển (development policy loan) trị giá 100 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ chính quyền Himachal Pradesh, tại Ấn Độ, hướng tới mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án có tên “Rừng Thịnh vượng” (“Forest for Prosperity”) giúp củng cố và tạo điều kiện cho du lịch bền vững bằng cách xây dựng các cơ sở nhà nước và cộng đồng để quản lý du lịch sinh thái và tiếp thị. Sử dụng quan hệ đối tác công - tư, dự án sẽ cung cấp việc làm và sinh kế cho cộng đồng, đồng thời giúp bảo vệ rừng.

Năm 2016, Ủy ban Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản tín dụng 45 triệu đô la cho Dự án Quản lý và Bảo tồn Hệ sinh thái (Eco-system Conservation and Management Project – ESCAMP) giúp bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên của Sri Lanka khỏi xói mòn và khai thác trái phép, và cải thiện cuộc sống của các cộng đồng lân cận, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ những mất mát và suy thoái thiên nhiên. Dự án này sẽ mang lại lợi ích cho 15.000 cư dân, 30% trong số họ là phụ nữ, với hầu hết thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. ESCAMP sẽ bảo vệ và thúc đẩy thói quen sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, tạo ra việc làm và cải thiện cuộc sống.

CHDCND Lào đẩy mạnh tăng trưởng xanh, với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Thế giới.

Cũng trong năm 2016, WB đã có những động thái hỗ trợ chiến lược đa dạng hóa và hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh của Lào. Ngân hàng Thế giới đánh giá nhu cầu du lịch sinh thái, xác định các rào cản thể chế có thể hạn chế phát triển du lịch ở các khu vực được bảo vệ và các khu vực tự nhiên khác, và nêu ý kiến khuyến nghị để du lịch sinh thái có thể đóng góp nhiều nhất cho việc giảm nghèo ở các cộng đồng sinh sống trong và xung quanh các khu vực được bảo vệ, mà không gây thiệt hại cho môi trường. Ví dụ, Lào có thể phát triển và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản có giá trị cao, chẳng hạn như thực phẩm hữu cơ, để tạo ra việc làm trong và ngoài trang trại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top