Đã hơn 40 năm của thời học trường đại học văn hóa của chúng tôi. Lớp tôi có bạn từ mũi Cà Mau, có bạn đến từ địa đầu Móng Cái và lớp tôi có đủ gương mặt văn hóa vùng miền. Sau khi ngồi lại, đếm, vãn cả bạn hàng chục đứa.
Lần hẹn này có đứa mắc bận cưới con ở Cao Bằng, có đứa đang kéo cá ở Rạch Giá Kiên Giang, có đứa đang bận xuất nho tím có hạt ở Ninh Thuận ra Bắc. Còn nhõn có 4 đứa gặp nhau cuối năm. Bốn đứa làm nên một câu chuyện số phận phần một, hai, ba, bốn của mỗi chương tiểu thuyết. Ví như cái Hương răm, lớp tôi gọi nó là Hương rau răm, nó bé nhỏ chơi ghi-ta rất hay và bước đi nhanh như con chuột. Nó hay cười và hay hóng hớt mọi chuyện, nó hay chọc ngoáy, biệt danh là rau răm. Hương hát hay và lấy đứa bạn cùng lớp, khi tỏ tình cậu Y liền đem thơ Hoàng Trúc Ly ra đọc: “Sợi buồn chảy xuống lòng anh/ Lắng nghe da thịt tan tành hư vô”. Giờ thì Y, chồng Hương răm đã tan tành hư vô, lâu rồi.
Hương rau răm người Hà Tĩnh, hồi còn đi học không đủ chăn đắp nên đạp xe đạp đến nhà Hiền xương gà mượn chăn đơn, nàng nhìn nhà Hiền ở đầu làng Thể Giao, bảo: “Thích thế, cậu có nhà Hà Nội, không phải chen lấn, không phải thở hổn hển khi mua vé về quê ăn tết. Không phải lếch thếch mang từng bao tải từ quê lên, nào lạc, vừng, gạo hành, khổ như con lạc đà”. Tôi nói: “Tớ cũng thích có quê để về mà không có quê. Quê mình giờ đây là dân ngụ cư đến ở, người trong làng, người Hà Nội cũ không còn dấu vết quê để về”.
Có ai hiểu được tâm trạng của người không có quê. Quê chỉ còn ghi trong lý lịch nghề Xây dựng của tớ thôi. Còn ra ngõ gặp quê mà bóng làng không còn. Ngay cả tên trường tiểu học Vân Hồ vẫn y nguyên, mé cuối phố Thể Giao. Chỗ đó, trường đạt cấp tiêu chuẩn quốc gia nhưng lại đổi tên thành trường Tây Sơn, còn trường Vân Hồ lại chuyển ra tận phía chợ Đuổi cũ. Chợ Đuổi ở đâu? Bạn tôi ngơ ngác hỏi. Chợ Đuổi cách một con đường nhìn sang tòa nhà Vincom 191 Bà Triệu giờ là trung tâm ngoại ngữ và là nơi bán thời trang cao cấp. Nơi chỉ cách cửa ô Cầu Dền không bao xa, nơi cửa ô xưa là con đường thiên lý; nơi giao tiếp phố Huế với phố Bạch Mai, vuông góc với đường Trần Khát Chân và Đại Cồ Việt; nơi đi xuống làng Thanh Nhàn và xuống bến Phà Đen lam lũ rất gần. Thế rồi hơn 40 năm sau, Hương rau răm lái xe ô tô loại xế hộp đắt tiền đến đầu phố Thể Giao, nhà Hiền xương gà, nàng bảo: “Ra ngõ, em đón chị đi ăn cơm trưa”.
Hương gọi hai đứa cùng lớp nữa đến để gặp gỡ cuối năm. Từ một cô bé ở cái thị trấn xa lắc trên núi cao vùng Hương Sơn Hà Tĩnh, khi xuống ga, còn đi thêm 40 cây số lắt léo mới về đến nhà. Thời xưa nhà Hương còn không có điện, thế mà giờ đây bạn ý lái xe ô tô, tậu nhà biệt thự trên Tây Hồ, gửi con gái đi học đại học ở Canada. Hương răm, chồng chết trẻ làm mẹ đơn thân. Mới đầu, nàng nhờ đứa em mua miếng đất ở làng hoa Nhật Tân, rồi bán đi có lãi, rồi lãi chồng lãi và Hương mở dịch vụ chăm sóc làm đẹp cho quý bà, rồi phất lên. Nuôi con học đại học xứ người và ở nhà biệt thự với một giúp việc làm vườn dọn dẹp, cộng với một đàn chó ba con cho vui cửa vui nhà. Hương răm không làm gì chỉ đứng ra làm chủ một cửa hàng bán mĩ phẩm, hàng tháng đủ ăn tiêu.
Hỏi có cặp bồ không Hương răm, nàng cười, cũng có đôi lần cặp với phi công trẻ, loại này trai bao cần tiền, còn mình cần tình cho nó thông thoáng cơ thể. Giờ đứng tuổi không cần tình thì cần bạn già để buôn cho vui. Nhưng có bạn tình tìm tri kỷ cũng khó ra phết. Có tay nom kiến thức có vẻ bác học, cũng tiến sỹ xã hội học hẳn hoi, nhưng nó cứ điệu đàng giả giả thế nào ấy. Rồi cũng dân Nghệ, tính nết bủn xỉn nên Hương răm bỏ rơi. Một trong những điều đàn bà ghét cay ghét đắng đàn ông là sự chi li “suzuki”, ứng xử keo kiệt đến rợn cả người.
Có loại đàn ông thực dụng, hắn chỉ coi đàn bà là chỗ giường chiếu giải sầu, còn chạm đến kinh tế thì: “Eo ôi khủng khiếp, khủng khiếp lắm”. Hương răm tả cái gã đàn ông mà trong chuyến đi du lịch Ai Cập, làm quen, rồi cùng cưỡi lạc đà trên sa mạc Sahara, ngỡ lạc đà hôi nhưng mà người hắn tỏa ra mùi hôi y như lạc đà, hắn theo đuổi Hương khi về đến Hà Nội. Hắn có cơ ngơi nhà vườn ở gần Giáp Bát, có vườn cây ao cá, kinh doanh nhà vườn nhưng hắn bủn xỉn đến nỗi Hương cho “rớt” ngay. Hương kể hắn nếm nước mắm rút nõ ở làng Trung Sơn Thanh Hóa, mà khi người chủ nhà cho nếm nước mắm, đàn ông gì mà đưa cả lưỡi ra nếm cái giọt nước mắm rớt ra trên cái muôi gỗ. Nhìn cử chỉ đó, Hương gọi xe về resort rồi thuê xe đi ngay trong chiều muộn. Nhìn tính cách của Hương răm mới hay bạn đầy sắc sảo, chi tiết và bản lĩnh.
Đến lượt Hiền xương gà, Hiền gầy guộc người nhưng dáng cao cao, nàng kể: “Tớ lấy chồng có nhõn đứa con trai. Lúc bé thì sướng, lúc lấy chồng thì khổ như con chó ghẻ. Lấy chồng đúng 15 năm, đúng bằng thời gian nàng Kiều lưu lạc, lão chồng ốm 10 năm, còn có 5 năm thì tớ sống cũng như chết. Con chồng hành hạ đủ kiểu, rồi con mình ốm đau, chồng ốm đau đến phút chết.
Khi nuôi con còn bé, cảnh đơn thân không anh em họ mạc. Chỉ chuyện vặt nhé, riêng đập cái bể nước cũng gọi người ở chợ người vào đập bể. Tên làm thuê chợ người, hắn chỉ đập có ba thành bể, thành bể thứ tư sát tường không chịu đập, nó cứ chửi bậy rồi đòi thêm tiền mới phá nốt. Nghe nó chửi nhức nhối cả nhà, con trai thì còn bé, Hiền đành gửi con sang nhà hàng xóm, rồi chạy ra ngõ chợ người, gọi một tay đúng giọng Thanh Hóa: “Cậu có biết chửi không, cậu chửi giúp tôi, cho cái cậu làm thuê đập phá nốt bức tường mé bể kia xong, tôi biếu cậu dăm chục bạc”, thế quái nào mà cái tay chửi thuê gật đầu ngay, nó vào nhà, mới chỉ có khúc dạo đầu: “Đê con mẹ”, thế là thằng cha đập bể nước như nhái sợ cua, phá ngay bức tường chỉ trong ít phút, mọi việc êm ru.
Hiền xương gà phải chi thêm dăm chục bạc tiền chửi thuê mới yên chuyện phá bể nước. Rồi khi chồng mất sớm, cái nhà hàng xóm chuyên mang cái bếp than ra trước cửa nhà Hiền quạt lò, khói xộc vào nhà, đã nhẹ nhàng bảo để bếp than chếch ra, thì nó cứ tiến thẳng vào gần cửa nhà Hiền mà quạt khói. Hiền xương gà lại phải gọi bạn là Long đầu trọc lốc, đi cái xe hầm hố rú ga sát cửa gọi: “Hiền đâu, Hiền đâu, có chuyện gì gọi cho anh nhé!” Giọng Long đầu trọc ấm, vang nghe tiếng đã thót tim, mấy hôm sau nhà hàng xóm không thấy mang bếp than ra trước nhà Hiền xương gà quạt nữa.
Gặp gỡ cuối năm, chuyện học hành thì không thấy đả động đến, chỉ có cái Lộc dân Nghệ An, học gạo đỗ tiến sỹ có mấy bằng gì gì đấy. Nhưng hắn không lấy chồng. Lộc xinh và giỏi giang lắm, có nhà ở chung cư cao cấp bên mạn Long Biên, nhưng sống với một con chó con và suốt ngày đọc sách báo khi nghỉ hưu, cũng vẽ vời rồi đan len, nhưng có lúc chán cả đan len, chán cả vẽ vời. Cuộc sống đơn thân làm Lộc co người lại đủ thứ. Nhiều khi không hiểu sao Lộc xinh đẹp là thế, giỏi giang là thế mà không có một mối tình sâu sắc vắt vai. Nghe Lộc nói thì mẹ Lộc đi xem bói, kêu Lộc có số cô quả cho đến lúc chết. Lộc vào nghiên cứu vấn đề xã hội học ở Cà Mau, Lộc cũng từng đem lòng yêu một chàng quân tử Bạc Liêu. Nhưng khi nói phải vào Bạc Liêu sống thì Lộc không thể rời Hà Nội, mà chàng ta cũng không thể rời Bạc Liêu, nên mối tình chay tịnh cầm tay hôn hít qua loa cũng qua loa chóng vánh. Đời Lộc kể ra, tổng kết là nhàn nhạt, thoáng chốc chẳng có gì để kể, ngoài cái chức danh làm viên chức ăn lương và chấm hết ở tuổi sập chiều. Cuộc đời Lộc đơn điệu coi như dấu chấm lửng đi. Nhưng Hương rau răm, Hiền xương gà thì rất lắm thứ để kể từ chuyện con cà con kê. Những chi tiết vụn, những lát cắt về đàn ông có tính bủn xỉn keo kiệt thì cứ gọi là bốn đứa nghiêng ngả cười.
Tóm lại thưở đại học, còn lại 4 đứa thì ba đứa làm mẹ đơn thân, một đứa đơn thân toàn phần. Tóm lại từ nay cứ nhắn tin là 4 đứa lên xe đi vô định, khi vào Vân Đình ăn cháo Vịt, sang Lệ Mật uống rượu rắn, còn chạy xe xuống Ninh Bình ăn cơm cháy với thịt tái dê. Cứ nhất trí như thế, rồi kể chuyện xong, ăn xong, cười tá lả và Hương răm sẽ đưa ba đứa về nhà, cứ thế gặp gỡ cuối năm vui vẻ đam mê như bờ đê, ai bảo đàn bà không có chỗ con cà con kê kia chứ?