Aa

Bạn văn và lòng trắc ẩn

Thứ Tư, 02/12/2020 - 07:00

Thực chất, nghề viết văn như nông dân cày ải, nhưng chữ nghĩa của nhà văn còn trĩu cả tình đồng nghiệp nữa, nó nặng đồng cân mà không dễ dàng gì cân được tình người.

Phía sau nghề viết là những thân phận người và những ám ảnh khôn nguôi. Sau ánh đèn và con chữ là sự đối mặt với cuộc sống truân chuyên, khổ ải. Tôi đã từng tay nải đi viết một mình qua núi cao vực sâu, nhưng trong nghề viết này thật lắm nông nỗi. Có người chơi “phây” PR tên tuổi mình còn nổi hơn tác phẩm, lại có người tên tác phẩm nổi trội hơn tên tuổi mình vì họ chọn sống lặng như đất. 

Có những cuốn tiểu thuyết viết ra, nhiều năm sau mới được công bố, thừa nhận của bạn đọc. Đó là chuyện thường tình và là sự khó nhọc của nghề chữ. Có đận, ngồi nhìn hồ Bảy Mẫu tôi thấy nhiều bầy cá nổi lên ngay dưới chân mình, định thò tay xuống nước thì đàn cá đã lặn mất tăm. Mới giật mình, chợt nghĩ về nghề chữ nghĩa, sự tìm kiếm nhân vật cũng khó như bầy cá vừa nổi lên mặt hồ kia, không dễ gì bắt được. Nghề này không đọc và không đi thì khó viết, khó sáng tạo lắm.

Có cuốn sách tôi đọc xong rồi không sao ngủ được, lúc đó đã 0h. Đã học thiền tọa, đã dùng thuốc ngủ mà vẫn không sao ngủ được. Lần đại hội Hội Nhà văn vừa rồi, gặp lại bạn cũ, được nghe đời văn của bạn mà ám ảnh, day dứt. Đó là câu chuyện về nhà văn Nguyễn Quang Hà. Tôi học cùng lớp với anh ở trường viết văn Quảng Bá năm 1974 - 1975, thoắt cái đã 45 năm. Anh cười tươi và lưng hơi còng xuống, tôi bảo anh ngồi thẳng lưng lên để chụp ảnh, tặng anh tấm ảnh với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Anh nghiêm ngắn lưng, rồi cười tươi. 

Không ngờ anh đã qua 7 lần phẫu thuật cơ thể, sau khi trở về từ chiến trường, anh từng mong ngóng, nhanh chóng về với vợ con, mà khi về đến nhà thì thấy mẹ mình ngồi ngưỡng cửa, tay bế một đứa trẻ. Anh hỏi mẹ bế con ai vậy? Mẹ anh đáp: “Con của vợ con đó!”. Anh bần thần sững lại. Lần đó nhà văn Nguyễn Quang Hà xốc lại ba lô lên và ra đi. Không rõ cái rét tái tê của miền Bắc với mưa phùn, với nỗi đau và sự phản bội của người vợ, cộng với sự sâu sắc của người cầm bút và không rõ, nhà văn đau đớn đến mức nào? 

Tôi nghĩ sẽ không ngòi bút nào tả được. Một thế giới sâu thẳm của người viết, khi tôi không diễn đạt được ngôn ngữ của mình, thì tôi im lặng. Sự im lặng lúc này thật cần thiết. Rồi nghe bạn văn ở Huế kể lại, sau này anh Quang Hà ứng xử còn hay hơn nữa cơ, anh chăm lo nhà cửa cho tất cả các con của mình và đứa con riêng của vợ cũ. Anh đủ lớn để bao dung, đủ độ trầm để vượt qua mọi lầm lạc của vợ cũ. Cũng ít năm sau đó anh lập gia đình lần thứ 2, viết trong rất nhiều bão táp đi qua. 

Nhưng câu chuyện của đời anh, bạn văn ở Huế thấu hiểu với đầy tình chia sẻ. Nhìn nhà văn Nguyễn Quang Hà tôi chợt nghĩ, không rõ đại hội sau nữa anh có còn sức để ra Hà Nội được không. Nhà văn Hà Khánh Linh thì nhỏ nhẹ: “Ở Huế, chuyện của anh Quang Hà, Linh được anh chia sẻ và anh có một người như Hà Linh để chút vào cái túi thật đầy nỗi buồn". Bạn văn tin nhau là ở chỗ này. Ở Huế, anh Quang Hà được nhiều người thương lắm, giúp anh và vì anh cũng nhiều, vì lòng trắc ẩn và vì tình thương nhân ái của bạn văn ứng xử với nhau.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hà,nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Hoàng Việt Hằng (từ phải sang trái) tại Đại hội Hội nhà văn VN lần thứ 10.

Rồi tôi gặp nhà văn Lê Thấu, anh vẫn nói cười, giọng khỏe khoắn, xem như ánh mắt ánh lên rất vui. Phút gặp bạn văn, người có tinh thần ở thể khỏe mạnh, anh nói mình cũng khỏe mạnh theo, rồi anh bảo: “Tớ không viết được nữa, bạn ạ! Tớ còn khỏe, nhưng phải sống với hai người tâm thần. Vợ tớ mắc bệnh tâm thần, thể hoang tưởng, nghĩa là lúc nào cũng như có người đang nói xấu mình bên tai và vợ tớ phải cãi lại họ bằng được. Vợ tớ cãi nhau suốt ngày với cái bóng của mình. Ấy là một phía. Phía thứ 2, tớ chung sống với đứa con trai gần 50 tuổi cũng dạng bệnh giống mẹ, lúc nó tỉnh táo, nó nói: “Con rất cô đơn bố ạ, con bị bệnh nên không có ai làm bạn với con và con đơn độc, ngoài bố ra con chỉ biết lủi thủi trong bóng tối và ánh sáng. Con thấy đời con tối lắm, chỉ ở bên bố là có ánh sáng ban ngày thôi, bố ơi con cần bố biết bao”. 

Một Lê Thấu nhà văn, một người từng làm báo Nhân dân, Tổng biên tập báo Sức khỏe đời sống, từng can trường, bản lĩnh đứng ra bảo vệ dù chỉ một truyện ngắn hay, truyện có vấn đề mà báo khác run tay, không dám in. Khi đọc duyệt bản thảo, Lê Thấu chấp nhận truyện ngắn hay, có vấn đề và anh dám bảo vệ nhà văn. Từng có lần anh trọng bệnh, tưởng “đi rồi ấy chứ”. May được bác sỹ, bạn học ngành Y giang tay cứu anh và anh tồn tại để sống chung, làm bạn với hai kẻ “ tâm thần hoang tưởng”. 

Anh sống và chịu đựng hàng ngày với đủ thứ không bình thường ấy. Bình thường và không bình thường với hai con người trong ngôi nhà của mình. Nhà văn Lê Thấu cười cười: “Vậy là mình sẽ chung sống với bệnh tâm thần hoang tưởng, làm bạn với hai người không có tinh thần khỏe mạnh cho đến khi mình ngừng thở!”. Tôi cúi xuống giấu đi cảm xúc pha trộn xót thương ông nữa. Vì tôi cũng sống chung với người chồng nhà văn bị tâm thần thể teo não, mất ba năm và tôi nếm trải đắng cay nên thấu hiểu. Ông đủ sự dũng cảm, sự chịu đựng cuối cùng của kiếp người. 

Thật may, Lê Thấu nhà văn còn hai đứa con gái làm ăn khá giả và rất biết cách an ủi, chăm sóc cha và hai người thân của họ. Tôi tự hỏi kiếp người là gì vậy? Nếu là món nợ của nhân duyên từ kiếp trước thì đến kiếp này ta vẫn phải lẽo đẽo trả nợ hay sao? Lê Thấu khao khao hỏi thăm: “Tớ vẫn nhớ bạn văn, chồng cậu bỏ đi sớm quá, cậu viết vào dịp Cô vy có đủ sống không?”. 

Ôi! Lòng trắc ẩn của người cùng khổ vẫn còn nghĩ cho nhau, ơn giời tôi nói: “Em vẫn ổn, nhưng viết tiểu thuyết bỏ dở. Ngoảnh lại 10 năm trước, nhà báo Hồ Anh Tài, nguyên Tổng biên tập báo Người Đại biểu nhân dân, Anh Tài cho em một đám đất nhỏ, trên báo “địa chỉ của bạn”, để viết đong gạo, no bụng đã rồi  mới ngồi viết cuốn tiểu thuyết “Một bàn tay thì đầy”. Thoắt đã mười năm, giờ lại có một bạn trẻ, làm tổng biên tập tờ tạp chí đất đai cho em “câu cá” trong ao của bạn, đủ để nuôi mình, nhưng khó sao, lần này đuối sức viết cuốn tiểu thuyết thứ 2, em đang bỏ dở”. 

Thực chất, nghề viết văn như nông dân cày ải, nhưng chữ nghĩa của nhà văn còn trĩu cả tình đồng nghiệp nữa, nó nặng đồng cân mà không dễ dàng gì cân được tình người. Lại có một bạn văn làm báo, hay tìm cách giúp em, hắn giục: “Chị viết đi, gửi bài cho em, em đưa in, kiếm cho chị ít nhất vài con gà”. Vào dịp tết hắn kiếm nhuận bút cho em cả chục con gà ý chứ. Bài viết nào của em, hắn cũng quy ra gà! Bạn văn nhìn nhau cùng cười sung sướng; vẫn biết ở đời, vẫn có kẻ ganh ghét tỵ hiềm, có kẻ đạo đức giả, người viết tinh tế, am tường thấy cả. Cho dù em đã ngồi bệt, cho dù em là một dân thường chính hiệu, không tham gia vào việc gì có lợi vật chất nhưng vẫn có kẻ ghét em kiếm được hạt gạo bằng chữ cho vào nồi! Thật may, giời không lấy đi của ai hết cả, vẫn còn người đầy lòng trắc ẩn giúp em. Và em tồn tại. Nhà văn Lê Thấu đã quay đi. Ông là người từng trải và thấu hiểu. Ông cũng am tường nghề y, giống như bác sỹ phẫu thuật cơ thể người nên ông lặng đi không nói gì.

Tôi vẫn ước giá như nhà văn Lê Thấu viết, để tự an ủi mình, vì viết về những nhân vật hoang tưởng, là một thứ bệnh lạ, đối thoại lạ và hay nữa là khác. Nhưng lại lo vơ vẩn, không dám nhắc Lê Thấu, vì sức khỏe của ông không cho phép, ví như nhà thơ Phùng Khắc Bắc, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Đồng Đức Bốn… đã bỏ dở trang viết vì sức khỏe, và vì có nhà văn từng cố sức mà ra đi đột ngột đó sao?

Thôi, tuổi xưa nay hiếm chẳng khuyên ai cho được. Nói như nhà thơ Đỗ Thị Tấc, cứ thích gì làm lấy, thích nghiên cứu thì nghiên cứu văn hóa Thái, thích làm thơ thì làm thơ, còn không thích viết, không thích nghiên cứu thì đi trồng hoa phong lan rừng, trồng rau sạch mà ăn, ăn không hết đi cho láng giềng gần. Đó là Đỗ Thị Tấc

Người ở núi, người cũng qua tai biến nhẹ 5 lần, ở một mình hai nhà sàn, một nhà sàn để ở và một nhà sàn làm bảo tàng văn hóa dân tộc. Đỗ Thị Tấc là người của núi cứ về đồng bằng vài hôm là nhao nhác lên rừng, nàng vào bản thâm nhập vào đời sống của người dân để ghi chép nghiền ngẫm viết. Cả cuộc đời cứ lặng lẽ mày mò nghiên cứu nếp văn hóa khác biệt của người Thái khác với ngươi Kinh và họ gìn giữ chữ viết cổ của dân tộc Thái ra sao. Nàng cứ lủi thủi đơn độc, cứ “ xù lông” tỏ ra nhẹ nhõm mọi thứ để đam mê sự hữu hình trong vô hình. Đỗ Thị Tấc có một thế giới riêng, hình như sự mênh mang của núi rừng, sự lắng trầm của văn hóa Thái và sự tĩnh tại trong tâm thật cần thiết cho người nghiên cứu và người viết.

Ở nhiều góc đơn độc khác của người cầm bút, sự đau đớn có giúp cho thăng hoa trong sáng tạo. Và cuối cùng người cầm bút bao dung hay vị tha ở góc độ nào trước cái ác và cái ác phải trả giá trước giống loài! Tiếng chuông rung để thức ngộ, người viết cầm bút, với đầy sự trắc ẩn, yêu thương người hơn, để có tác phẩm hay hơn đứng được trong lòng bạn đọc.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top