Aa

Bằng lăng tím miền ký ức

Thứ Hai, 04/07/2022 - 06:15

Mùa hè với tuổi học trò là sắc hồng hoa phượng. Bây giờ, những cô cậu tuổi sấu tuổi me Hà thành có thêm một loài hoa để nhớ để yêu: Bằng lăng tím! Với tôi, sắc tím bằng lăng còn là hoài niệm thẳm sâu trong ký ức...

Thực ra bây giờ Hà Nội đã qua mùa bằng lăng. Nhưng trong tôi lúc nào bằng lăng cũng tím ngát một miền ký ức. Mà không hiểu sao, năm nay bằng lăng lại “được mùa” đến thế, khắp các ngõ ngách Hà thành đâu đâu cũng thấy một màu tím bình dị đến trong trẻo. Bằng lăng lãng đãng trong các con phố cổ, phố cũ, bằng lăng man mác quanh Hồ Gươm, bằng lăng phủ sắc tím trong các công viên, các con đường và màu tím ấy cứ miên man tưởng như bất tận theo các con phố mới kéo dài ra ngoại ô… Giữa cái chói chang của nắng hè, giữa cái ồn ào, tất bật thậm chí đến xô bồ, chen chúc của phố thị, bắt gặp một sắc tím dịu dàng lòng bỗng tĩnh lặng và cảm thấy an yên…

Giữa ồn ào phố thị, bắt gặp một sắc tím bằng lăng dịu dàng lòng bỗng tĩnh lặng và cảm thấy an yên...

Nhưng đẹp nhất mùa bằng lăng năm nay có lẽ phải kể đến hàng cây ven hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất. Những tán lá thướt tha rủ bóng xuống mặt hồ, tưởng chỉ cần cơn gió nhẹ là la đà xuống mặt nước như mái tóc huyền và cũng không hiểu sao, năm nay hàng bằng lăng này lại sai hoa đến thế. Chính vì vậy mà nơi đây thu hút rất nhiều các thiếu nữ Hà thành tới chụp hình để lưu lại một sắc tím mà người con gái nào chẳng đã từng dấu yêu…

Bằng lăng nở hoa gần như đồng thời với mùa phượng đỏ. Phượng rực hồng như cái tuổi măng tơ thao thiết cháy hết mình, còn bằng lăng tím ngát như lắng đọng nỗi suy tư về một sự chia ly sau mỗi kỳ thi cuối cấp. Bởi vậy mà bằng lăng cũng dần gắn với tuổi học trò chẳng kém gì hoa phượng.

Hàng bằng lăng ven hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất năm nay phủ đầy hoa tím ngát trở thành điểm check-in lý tưởng cho các thiếu nữ Hà thành

Mà chả cứ gì cái tuổi áo trắng sân trường, ngay trong tôi, sắc hoa bằng lăng cũng lắng đọng như một ký ức tím. Ngày ấy, vừa kết thúc năm học, vừa thi cử xong, còn chưa kịp nhận giấy báo trúng tuyển đại học thì chúng tôi đã lên đường nhập ngũ. Hành quân ra ga Nam Định lên tàu đi tuốt vào Vinh, rồi từ Vinh lên ô tô đi một mạch vào Cần Thơ. 

Chuyện quân ngũ huấn luyện tân binh suốt ngày lăn lê bò toài chả có gì mà kể, điều đáng nói là có dòng kinh nhỏ gọi là rạch Chanh ngăn cách nơi đóng quân của Trung đoàn với khu dân cư bên ngoài mà trong ký ức của tôi thì tên ấp ấy là Long Tuyền thì phải. Con rạch này cũng rất nhỏ, đứng bên này có thể nói chuyện dễ dàng với người bên kia. Sở dĩ tôi nhớ con rạch này đến tận hôm nay bởi ngày chủ nhật, cánh lính trẻ chúng tôi thường thậm thụt ra bờ con rạch mang bánh mì là khẩu phần ăn sáng đổi lấy trái cây của người dân ngoài ấp. Điều đặc biệt hơn là bên kia bờ như một bến nước có một loài cây nở hoa tím ngát. Hỏi ra mới biết là hoa bằng lăng.

Cây bằng lăng mọc sát mí nước, cành lá lòa xòa ngả xuống lòng con rạch và điều đặc biệt là hầu như lúc nào cánh lính chúng tôi ra đây cũng đều thấy một chiếc xuồng ba lá buộc hững hờ bên gốc bằng lăng…

Những tán lá, vòm hoa tím rủ xuống mặt nước xôn xao đều rất hữu tình...

Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước năm 1975, ngoài miền Bắc không có bằng lăng; thực tình thì đến cái tên tôi cũng chưa từng nghe đến chứ nói chi đến mục sở thị. Hình như sau ngày giải phóng 1975, bằng lăng mới được di thực từ miền Nam ra. Có phải thế chăng mà một loài hoa đẹp đến thế, với màu tím ngát sâu lắng đến thế, rất dịu dàng, tình tứ, thiết tha trong các ca từ phía Nam cả cổ nhạc và tân nhạc nhưng lại vắng bóng trong các ca khúc xứ Bắc. Phải như thế chăng mà ở Hà Nội, nhưng gốc bằng lăng tạm gọi là già chỉ thấy ở Bờ Hồ và công viên Thống Nhất, còn những con đường trồng chuyên một loại bằng lăng chỉ mới xuất hiện những năm gần đây.  

Sắc tím bằng lăng ven Hồ Gươm...
... trong công viên Thống Nhất...
...kéo dài ra các cửa ngõ Thủ đô và các khu đô thị mới...

Bởi vậy mà cánh lính trẻ chúng tôi hồi ấy hồi ấy hoàn toàn ngỡ ngàng với hàng bằng lăng tím ngát mà lần đầu tiên được biết đến. Càng ngỡ ngàng hơn khi bắt gặp những cô gái áo bà ba bó chẽn eo thon phất phơ tấm khăn rằn chèo chiếc xuồng ba lá lấp loáng trên dòng kênh. Rồi cả đám lính trẻ ngẩn người khi nghe câu ca cổ cứ như từ sông nước vọng lên:

Gió lên lay động hoa lăng lăng thướt tha

Hoa diễm kiều, hoa mặn mà

Màu hoa tươi thắm lắm hoa ơi…

(Ca cổ Hoa tím bằng lăng - Linh Châu)

Mà lạ kỳ là bài ca cổ này mới lần đầu tiên lên sóng Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM năm 1977 được giọng ca đang ăn khách thời đó là Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ trau chuốt nhưng ngay sau đó đã lan nhanh khắp vùng sông nước miền Tây…

Ấy là những ngày đầu quân ngũ còn bỡ ngỡ và lần đầu tiên đặt chân đến miệt vườn miền Tây thấy cái gì cũng lạ, từ nếp nhà, giọng nói, tiếng cười…; lạ hơn là cái đơn vị “chục” đối với trái cây có thể là 12 hay 14, thậm chí là 16 trái, nhưng đối với hột gà hay hột vịt (trứng gà, trứng vịt) thì một chục lại chỉ đúng 10 hột. Và chính cái sự oái oăm trong đơn vị tính này mà đã từng xảy ra những sự nhầm lẫn đáng yêu để tôi viết câu chuyện “Hai quả trứng” sau đoạt giải A của chương trình “Chuyện kể ở đại đội” trên sóng của buổi Phát thanh Quân đội nhân dân mà giải thưởng là chiếc phích nước lít rưỡi đối với thời đó đã là quý lắm…

Nhưng rồi chúng tôi cũng dần dần quen và không còn chỉ quanh quẩn ven con rạch bao quanh nơi đóng quân nữa mà rón rén ra Bình Thủy, rồi lần lần ra thành phố Cần Thơ vào những ngày chủ nhật. Và điều ấn tượng đối với tôi là ngay đầu thành phố có một Hiệu sách nhân dân và đặc biệt hơn là trước cửa hiệu sách có cây bằng lăng tỏa bóng xum xuê. Ngày ấy ngoài Bắc sách hiếm lắm, sách hay lại càng hiếm và mua được cuốn sách hay là cả một ước mơ. Vì vậy mà lần nào ra Cần Thơ tôi cũng ghé qua hiệu sách, không phải ở cửa hàng có chị Hường và một cô gái tên Giang mà mỗi lần tôi đến chị Hường thế nào cũng nhìn tôi tủm tỉm cười ghẹo rồi tìm cách “đi đâu đó” để tôi và Giang nói chuyện, cũng không chỉ bởi Giang thuộc gu đọc sách của tôi đến mức có tên sách mới nào biết là tôi thích thì Giang cũng để dành phần tôi, mà còn bởi cái màu tím của hoa bằng lăng rất giống màu áo bà ba Giang hay mặc…

Nhưng rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trung đoàn xe tăng chúng tôi phải chia nhỏ lực lượng căng ra toàn mặt trận phối thuộc với các đơn vị bộ binh của quân khu và các tỉnh đội, khiến tôi không kịp ra lấy cuốn sách đã hẹn. Rồi chiến tranh với cái guồng quay khốc liệt của nó cứ thế cuốn chúng tôi đi. Rồi chiến dịch giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng… Campuchia được giải phóng, tôi lại nhận quyết định ra Bắc đi học vội đến nỗi chỉ kịp bắt xe từ Châu Đốc về Cần Thơ rồi theo “lệnh” của anh Dậu, quản lý bếp ăn Trung đoàn bộ vào kho xúc đầy một ba lô gạo mang lên Sài Gòn bán lấy tiền ăn đường chờ mua vé tàu Thống Nhất… mà không kịp ra hiệu sách ngoài thành phố chào chị Hường và Giang. Để rồi, cái sự vội vã và lơ đễnh của tuổi trẻ ấy mãi mãi để lại trong tôi nỗi day dứt và sự ân hận về những cuốn sách mà tôi lỡ hẹn…  

Và để rồi, chuyện cơm áo như vòng xoáy vô hình lại cuốn tôi đi cho mãi đến tận năm 2019, đúng 40 năm sau tôi mới có dịp trở lại thành phố Cần Thơ. Nhưng không còn là Tây đô của cái thời tôi mới ngu ngơ khoác màu áo lính, thành phố đã đổi thay quá nhiều. Khu vực đóng quân xưa đã trở thành phường, cầu Bình Thủy lọt thỏm vô nội đô, bến Ninh Kiều không còn những cửa hàng bình dị khi trước, nơi tôi đã có lần xuýt làm mất chiếc xe đạp mượn của các anh quê đạp ra thành phố Cần Thơ mua sách… Không còn Hiệu sách nhân dân ngày xưa, cây bằng lăng cũng không còn, thậm chí tôi còn không nhận ra hiệu sách ngày xưa nằm ở chỗ nào. Tất cả đã đổi khác.

Còn tôi?

Và những ký ức thủa xưa chỉ còn là miền hoài niệm tím ngát màu bằng lăng…

Để rồi mùa hè năm nay, ra công viên Thống Nhất chụp ảnh, nhìn những nhành hoa tím soi bóng xuống mặt nước lung linh huyền ảo, trong tôi bỗng xôn xao tiếng mái chèo ba lá khua động đêm trăng thấp thoáng cánh áo bà ba màu tím hoa cà và vời vợi sáu câu nghe mút mùa Lệ Thủy:

Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên... nhà.

Trời tháng tư, em mặc áo hoa cà. Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng…

(Ca cổ Hoa tím bằng lăng - Linh Châu)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top