Aa

Tâm Bồ đề

Chủ Nhật, 15/05/2022 - 06:08

Nhìn những chiếc lá Bồ đề non hình trái tim trong veo, phớt chút sắc hồng sáng bừng trong nắng hè, không hiểu sao tôi chợt liên tưởng đến lòng từ bi của Đức Phật và cuộc sống an nhiên của chúng sinh…

Cây Bồ đề hay còn gọi là cây đề, cây giác ngộ, có tên khoa học là Ficus rumphii hoặc Ficus religiosa, thuộc chi Đa đề và có nguồn gốc từ Ấn Độ; phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, sau đó được nhân giống rộng sang phía Tây Nam Trung Quốc, vào khu vực Đông Nam Á rồi vào Việt Nam.

Tương truyền, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên con đường đi tìm cách giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ, đã ngồi thiền định 49 ngày dưới gốc cây Bồ đề ở làng Bodh Gaya thuộc bang Bihar, Bắc Ấn Độ và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đi khắp châu Á để dạy mọi người giáo lý của Phật giáo. Chính vì vậy mà Bồ đề được gọi là cây giác ngộ, tượng trưng cho trí tuệ, sự minh triết, là cây có ý nghĩa tâm linh của Phật giáo và thường được trồng ở các ngôi chùa.

Cũng tương truyền rằng, trong khoảng năm 300 trước Công nguyên, một nữ tăng ni Phật giáo đã lấy một nhánh cây Bồ đề được chiết từ cây gốc mà Đức Phật đã ngồi thiền định và giác ngộ, rồi mang tới Sri Lanka trồng. Đến nay, cây Bồ đề này vẫn còn tồn tại ở Anaradapura, Sri Lanka, được đánh giá là cây Bồ đề nổi tiếng nhất và lâu đời nhất. Người ta cũng lấy nhiều nhánh cây Bồ đề được chiết từ cây gốc này mang đi trồng ở nhiều nơi khác trên thế giới. Một số ngôi chùa cũng vì thế mà có cây Bồ đề có nguồn gốc từ điển tích về Đức Phật.

Không hiểu có sợi dây liên kết huyền bí nào không mà đúng vào tháng Tư âm lịch, tháng có ngày Phật đản (là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của Phật giáo gồm lễ Phật Đản, Vu lan và Thành đạo) thì cũng là mùa Bồ đề thay lá. Hầu hết các loài cây đều trút lá vào mùa thu hoặc mùa đông để xuân sang đâm chồi nảy lộc, thì Bồ đề lại đổ sắc lá vàng nhẹ vào đầu mùa hè rồi lá cũ rụng đến đâu là bừng lên sắc lá mới đến đấy.

Lá cây Bồ đề non khi mới nảy có màu đỏ nhạt hoặc phớt hồng, rồi chuyển dần sang màu xanh ngọc và khi già thì có màu xanh lá nhạt. Đặc biệt, lá cây có hình trái tim rất rõ và những chiếc lá non có đường gân lá như những mạch máu li ti bắt ánh nắng sáng rực lên cứ khiến tôi vừa liên tưởng đến triết lý từ bi, an nhiên của đạo Phật, vừa liên tưởng đến hình tượng trong truyện ngắn “Bà lão Idecghin” của Marxim Gorki về một anh chàng Danko xé toang lồng ngực lấy trái tim mình soi lối cho cả đoàn người.

Ở Hà Nội, Bồ đề cũng thường được trồng ở trong khuôn viên hoặc trước cổng chùa. Nhưng Bồ đề cũng được trồng rải rác làm cây xanh đô thị, mà nổi bật nhất là hàng Bồ đề trong Công viên Thống Nhất và trên phố Trần Nhân Tông, đoạn giữa ngã ba giao với phố Quang Trung và phố Nguyễn Đình Chiểu.

Hoan hỷ nhân ngày Lễ Phật Đản Rằm tháng Tư âm lịch, xin gửi đến bạn đọc chùm ảnh về Bồ đề như một sự hướng đến lòng từ bi của Đức Phật và cuộc sống an nhiên của chúng sinh.

Hàng Bồ đề trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội đang mùa thay lá.

Lá cây Bồ đề non thường có màu đỏ nhạt hoặc phớt hồng.

Cũng có khi búp Bồ đề có màu xanh nhạt, trông giống như búp đa, nhưng khi nảy lá non sẽ có màu đỏ nhạt hoặc phớt hồng.

Lá Bồ đề có hình trái tim đặc trưng và gân lá nổi rất rõ trông giống như những mạch máu li ti khi bắt ánh nắng đầu hè.

Hướng đến lòng Từ bi và cuộc sống An nhiên.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top