Thời gian gần đây, nhiều môi giới chia sẻ mô hình hợp tác trồng sầu riêng với số vốn bỏ ra ban đầu chỉ 100 triệu đồng, sau 5 năm có thể thu lợi nhuận lên đến 55%. Cụ thể, mô hình hợp tác trồng sầu riêng do Công ty Cổ phần Vững An (Vững An Group) khởi xướng, được phát triển trên diện tích đất hơn 1 ha tại xã Kiến Thành, huyện Đăk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, nhà đầu tư được mời hợp tác trồng sầu riêng tại một vườn có diện tích 2.000m2, mức vốn cố định 100 triệu đồng và có thể thu lợi nhuận 40 triệu đồng/năm từ năm thứ 6 sau khi trồng, thời hạn hợp tác là 20 năm. Quỹ đất 1 ha trên do ông Nguyễn Văn Điền, hiện đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Vững An đứng chủ sở hữu. Đặc biệt, ngoài thu nhập từ sầu riêng 40 triệu đồng/ 2.000m2/ 1 năm khi cây cho thu hoạch trái, khách hàng mỗi năm sẽ được tận hưởng 12 ngày nghỉ dưỡng trị giá 6 triệu đồng từ hệ thống du lịch nghỉ dưỡng của công ty và 50kg sầu riêng sạch để sử dụng trị giá 3 triệu đồng.
Liên hệ đến Công ty cổ phần Vững An, một người tự giới thiệu là nhân viên của công ty đang tư vấn cho nhà đầu tư về mô hình hợp tác "một vốn 4 lời này" cho biết, đây là mô hình hợp tác để đôi bên cùng có lợi. Người này còn phân tích thêm nhiều ưu điểm của mô hình này như mức vốn bỏ ra ban đầu rất thấp nhưng lợi nhuận kéo dài 15 năm, khách hàng có thể thu lời lên đến 55%. Hằng năm, ngoại lợi nhuận từ công ty cam kết, khách hàng còn được sử dụng sầu riêng loại ngon nhất thị trường như Dona, Ri6, Musang King miễn phí mà không phải bỏ ra thêm bất cứ chi phí nào.
Đặc biệt, những điều khoản trong hợp đồng hợp tác còn có nhiều gợi mở hấp dẫn như: Năm thứ 1-5, khách hàng được hưởng 12 ngày nghỉ dưỡng trị giá 6 triệu/ 1 năm, tổng trị giá 5 năm là 30 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 6%/ 1 năm); Năm thứ 6-10, tổng thu nhập từ ngày nghỉ dưỡng, sầu riêng ăn, lợi nhuận bán sầu riêng là 51,4 triệu/ 1 năm, tổng trị giá 5 năm là 257 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầy tư đạt 51,4%/ 1 năm); Năm thứ 11-20, tổng thu nhập từ ngày nghỉ dưỡng, sầu riêng ăn, lợi nhuận bán sầu riêng là 55 triệu/ 1 năm, tổng trị giá 10 năm là 550 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 55%/ 1 năm). Như vậy, tổng thu nhập từ đầu tư trong 20 năm của khách hàng là 837 triệu bình quân 41,85 triệu (tỷ suất lợi nhuận bình quân của khoản đầu tư trong 20 năm là 41,85%/ 1 năm).
Theo đó, khi quyết định hợp tác và ký kết hợp đồng, khách hàng sẽ thanh toán 50% trên số vốn 100 triệu đồng. Khi công ty trồng xong vườn sầu riêng và bàn giao cho khách hàng nghiệm thu sẽ thanh toán 50% còn lại. Thời gian hoàn thành là từ 60-90 ngày.
Khi PV thắc mắc về tính lâu dài của mô hình này, hoặc trong trường hợp chủ sở hữu bán đất hoặc có những rủi ro nào đó liên quan đến người sở hữu đất, nhân viên Công ty Vững An khẳng định mọi thứ đều đã có cam kết rõ ràng trong hợp đồng, và đất đang sử dụng trồng sầu riêng là tài sản đảm bảo chắc chắn cho khách hàng trong trường hợp có tranh chấp, kiện tụng.
"Khi Bên B chuyển nhượng lại hợp đồng hoặc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất cho người khác mà không đảm bảo quyền lợi cho Bên A theo như các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng này thì phải hoàn lại toàn bộ số tiền cho Bên A. Bên B còn phải bồi thường thêm số tiền tương đương 25% giá trị vốn đầu tư ban đầu đã bao gồm các khoản đã chi trả của Bên A với mỗi năm hợp tác kinh doanh của Bên A tính từ thời điểm Bên A thanh toán đủ số tiền tới thời điểm Bên B vi phạm hợp đồng.
Nếu cây sầu riêng bị chết do lỗi chăm sóc của Bên B dẫn tới không có nguồn thu thì Bên B phải hoàn lại toàn bộ số tiền cho Bên A. Bên B còn phải bồi thường thêm số tiền tương đương 15% giá trị vốn đầu tư ban đầu đã bao gồm các khoản đã chi trả của Bên A với mỗi năm hợp tác kinh doanh của Bên A tính từ thời điểm Bên A thanh toán đủ số tiền tới thời điểm Bên B vi phạm hợp đồng; c) Nếu Bên B cố ý vi phạm các điều khoản hợp đồng làm phương hại tới lợi ích hợp pháp của Bên A thì Bên B phải bồi thường gấp 7 (bảy) lần số tiền Bên A đã góp vốn để hợp tác kinh doanh với Bên B. Số tiền phải bồi thường là 700.000.000 vnđ (Bảy trăm triệu đồng)", hợp đồng nêu rõ về các điều khoản phạt vi phạm.
Coi chừng mất trắng vì điều khoản bất khả kháng
Tìm hiểu về Công ty Cổ phần Vững An - đơn vị khởi xướng mô hình trồng sầu riêng chia sẻ lợi nhuận, theo thông tin Giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2015, sau đó tiếp tục đăng ký thay đổi vào năm 2017. Công ty có địa chỉ đăng ký tại số 07, đường DC 2, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, mức vốn điều lệ của doanh nghiệp là 30 tỷ đồng, do ông Ngô Văn Điền (sinh năm 1986) là người đại diện pháp luật.
Theo thông tin giới thiệu tại Website của công ty khá sơ sài, Vững An Group được giới thiệu là doanh nghiệp hoạt động đa ngành với trọng tâm gồm: Bất động sản; Kiến trúc – Xây Dựng; Du lịch – Sự kiện. Ngoài mô hình không gian lưu trú chia sẻ S-V.Homes mà công ty giới thiệu là đang hoạt động tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thì gần như công ty này không hề có tiếng tăm nào trên thị trường bất động sản.
Đối với du lịch, mô hình chia sẻ không gian lưu trú giữa các chủ sở hữu mà Vững An Group quảng cáo cũng là một mô hình rất lạ lẫm, gần như chưa tồn tại hay phát triển tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 2015, nếu Vững An Group là một doanh nghiệp tầm cỡ như giới thiệu thì mọi thông tin cần phải minh bạch, rõ ràng để nhà đầu tư có thể yên tâm. Song gần như khi tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng, khách hàng rất khó để có đủ thông tin về doanh nghiệp hay hiểu về lịch sử của công ty. Ngoài ra cũng không có thông tin nào về các đối tác uy tín đồng hành với Vững An Group kể từ khi thành lập.
Thông qua các điều khoản trong hợp đồng, nếu không phân tích kỹ lưỡng thì nhiều nhà đầu tư nhầm tưởng đây là mô hình béo bở, có thể xem như các thức kinh doanh "một vốn bốn lời" chưa từng xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư qua hình thức "gửi tiền cho người khác thay mình quản lý" cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Rủi ro thứ nhất là uy tín và năng lực thực sự của công ty Vững An vẫn chưa được kiểm chứng trên thị trường, trong trường hợp công ty phá sản, dừng hoạt động thì việc nhà đầu tư bị "đem con bỏ chợ" là không tránh khỏi.
Thứ hai, những rắc rối khác có thể xảy ra như khi đơn vị khởi xướng không thanh toán tiền đúng hẹn, không thực hiện các điều khoản như trong hợp đồng đã cam kết thì nhà đầu tư sẽ không biết bấu víu vào đâu để đòi quyền lợi. Ngoài ra, nếu cùng 1 ha đất đó nhưng phía doanh nghiệp huy động hàng trăm người cùng góp vốn cũng hoàn toàn có thể xảy ra.
Đáng chú ý là trong điều khoản hợp đồng có thêm mục "Trong trường hợp bất khả kháng hoặc các trường hợp ngoài khả năng kiểm soát của hai bên bao gồm: Dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, sự thay đổi của luật pháp, chính sách làm ảnh hưởng hoặc chấm dứt hợp đồng này. Khi xảy ra trường hợp trên dẫn đến vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm không chịu trách nhiệm dân sự và/hoặc bị phạt vi phạm hợp đồng trước bên kia".
Trong nông nghiệp, dịch bệnh là không thể tránh khỏi, vì vậy, nếu doanh nghiệp lấy cớ đó để từ chối mọi nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng thì bên góp vốn vào sẽ hoàn toàn bất lợi, có nguy cơ mất trắng.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều biến động, thời gian qua nông sản Việt Nam gặp không ít khó khăn khi tiếp cận người tiêu dùng, tình trạng xuất khẩu gặp nhiều trở ngại và thậm chí người nông dân phải bỏ nghề vì thua lỗ đậm. Như vậy, liệu mô hình góp vốn trồng sầu riêng như trên có khả thi hay chỉ là "bánh vẽ"?.
(Còn tiếp)