Aa

Bát cơm không trên mâm và tục lệ của người Việt

Thứ Bảy, 26/10/2019 - 06:30

Trong dịch số, phương Tây của ngũ hành là phía mặt trời lặn mang cặp số 4 và 9. Mặt trời lặn về hướng Tây. Người mất, cũng về hướng Tây nên mới gọi khuất bóng, như trời lặn về chiều khuất bóng dần.

Từ nhỏ đế khi lớn lên ở gia đình, có những lần, đơm cơm ra bát, nếu để dư, trông khi mỗi người đã có bát cơm cho mình trên tay, là mẹ tôi bảo đổ cơm vào nồi ngay, và bà mắng: "Để vậy là không nên, kiêng".

Tôi cứ thắc mắc không hiểu, sao mẹ lại kiêng, lạ vậy. Bát cơm không nỡ đơm thừa, có sao đâu mà kiêng?

Mắng "không nên", nghĩa là kiêng kỵ. Điều đó không bình thường, không dành cho mình. Nó thuộc về dành cho người mất. Nên khi đang bình thường mà để diễn ra là như có điềm.

Nhân gian sẽ gói trọn trong một từ: "kiêng".

Vấn đề của chúng ta, của người sau là ghi nhận khách quan với sự trân trọng và tìm hiểu ngọn nguồn xem tại sao ông cha kiêng.

Tôi nhớ ngày xưa, lúc ông nội tôi mất, cả nhà lúc đó đói, bữa ăn toàn sắn độn, ngồi vào ăn, đứa nào cũng chờ bát cơm cúng trên bàn thờ của ông nội.

Khi ông sống, mấy năm cuối đời mắt ông mù, các cháu cứ sợ sợ đến gần ông. Cơm ông ăn thừa không cháu nào dám ăn. Vậy mà, khi ông mất, ai cũng tranh thụ lộc bát cơm cúng trên bàn thờ ông. Vì chỉ bát cơm cúng ông không có sắn mà toàn cơm.

Ngày sau khi bác tôi mất, hôm nào ăn, trước lúc dọn ăn cho cả nhà, mẹ tôi cũng đặt trước một bát cơm, đĩa thức ăn và cốc trà để không trên bàn, dành riêng một góc mời bác.

Té ra, bát cơm không để trong bữa ăn là "dành cho nhà vừa có người mất". Nhà không có người mất, không nên để bát cơm không như thừa, thế là kiêng.

Ẩn trong những điều kiêng khem như vậy là cả một lớp văn hóa phong tục từ "đất có lề quê có thói". Thế mà, một thời, do cái thói tư duy chủ quan, tự cho mình có "khoa học" hơn người trước, nên chúng ta đã hủy hoại bao giá trị văn hóa của tiền nhân.

Sống vội, sống thực dụng, nặng vật chất, không xem trọng tình nghĩa, ấu trĩ trong cách nhìn, không khách quan khoa học để ghi nhận mọi hiện tượng đang diễn ra nơi thế giới quanh ta, nên ta chưa coi trọng đúng mực nền văn minh tâm linh của dân tộc Việt Nam qua nhiều ngàn năm hun đúc nên.

Ai nhân từ, ai uống nước nhớ nguồn, trọng nghĩa tình đến mức không quên mời cơm từng bữa cho người vừa qua đời? Không phải mời có lệ, mà mời bằng bát cơm đôi đũa hẳn hoi, mời 49 ngày như vậy?

Người Việt, chỉ có trong văn hóa ứng xử đầy tính tương thân tương ái trọng nghĩa tình mới thành hình nếp sống này.

Ta không nên đánh đồng chung về quan niệm thân trung ấm trong các nước theo Phật giáo với tục này của người Việt. Thuở ấy, lúc tôi chưa đi tu, mẹ tôi chưa biết gì về Phật. Bà chỉ hành xử theo những gì được biết, được học trong gia đình khi bà sinh ra lớn lên. Nhưng bà đã hành xử như trên.

Cũng không thể không nói đến là, do Phật giáo đã thấm đẫm vào đời sống nhân gian 2000 năm qua. Rõ ràng, là có sự trộn lẫn do tiếp nhận từ các quan niệm trong đạo Phật lâu ngày khi tồn tại trong lòng dân tộc Việt.

Khi xét về tục này, tục quan niệm người mất phải trải qua 49 ngày, ta thấy, rõ ràng ở người Việt, có sự tiếp thu khác biệt với các nước khi ghi nhận trong Phật giáo về sự tồn tại của thân Trung ấm.

Người Việt, nhìn nhận người mất, chỉ là "khuất bóng". Có lẽ, từ "chết" rất ít được nhắc đến khi người sống muốn nói điều gì về người quá cố.

Quá cố, qua đời, quá vãng, khuất bóng, từ trần, ra đi, về cõi vĩnh hằng, về nơi chín suối, quy tiên... là nhằm nói đến người thân đã ra đi. Từ chết, như một từ hàm nghĩa, là hết, là không còn gì... nên rất ít khi ta nghe người Việt nhắc tổ tiên hay người thân qua đời mà dùng từ chết.

Điều này là một đặc thù, vì nó đến từ quan niệm của người Việt. Chết, trạng thái nhắm mắt xuôi tay, chỉ là thân xác, phần hồn, thực sự bước vào thế giới của tổ tiên nguồn cội và tồn tại "vĩnh viễn" ở đó. Vì vậy, nói chết, là không nói lên được hành trình "trở về" (quy tiên) của người thân khi ra đi.

Người thân sau khi mất, không chỉ "hiện hữu" qua ăn uống gần gũi trong 49 ngày là hết. Ở Nhật, rất chú trọng 49 ngày của một người khi mất. Và sau 49 ngày, người ta không xem chuyện giỗ chạp hay một liên hệ nào nữa với người mất là quan trọng. Họ không có ngày giỗ chạp như dân tộc Việt.

Sau 49 ngày là 100 ngày. Rồi tròn năm. Rồi 2 năm 3 tháng mãn tang. Rồi mỗi năm có một ngày gọi là húy nhật, con cháu phải ghi nhớ việc giỗ làm sao cho chu tròn. Chu tròn trong sự chứng kiến của người thân ruột thịt và bạn bè.

Chết không hết, là vậy. Ngược lại, sự hiện hữu của người quá cố, phần âm, thế giới của tiên tổ còn ngự trị mạnh mẽ hơn, khắt khe hơn, chi phối người còn sống.

Trở lại việc quan niệm có 49 ngày, qua trình bày trên, ta thấy, đâu chỉ qua thời gian 49 ngày là hết mà ta bảo, tục 49 ngày, là một sao chép trọn vẹn từ quan điểm Trung ấm trong Phật giáo.

Trong dịch số, phương Tây của ngũ hành là phía mặt trời lặn mang cặp số 4 và 9. Mặt trời lặn về hướng Tây. Người mất, cũng về hướng Tây nên mới gọi khuất bóng, như trời lặn về chiều khuất bóng dần. Cửu tuyền hay 9 suối ý nghĩa chỉ đến hướng Tây, hướng Mặt trời lặn, hướng tử. Ngược lại, hướng sinh là hướng Đông.

49 ngày, hay về chiều, về Tây là hướng (cõi) của người khuất bóng mà không hẳn là có sự tồn tại trung gian 49 ngày của thân Trung ấm. Ranh giới "sinh - tử", như vậy, chỉ là ranh giới của vòng tròn hướng sinh (hướng Đông) và hướng tử (hướng Tây) của ngũ hành, như chu kì mặt trời mọc và lặn.

Cũng có thể nói, sinh hay tử trong quan niệm của người Việt chỉ là "sinh ký tử quy": Sống là gửi, thác mới là về. Chỗ về, người ta không nhận ra sự trở lại của khuôn mặt vóc dáng trước, nên thấy lâu dài ở đó, người Việt cho rằng đã nhập vào nguồn cội tiên tổ. Gọi vĩnh hằng là vì vậy.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top