Khoảng 16g15 là tôi được thầy nhắc nhở lo ngừng công việc, đi rửa tay chân để chuẩn bị lên chánh điện hồi chuông trống và đi công phu chiều. Ngôi chùa tôi ở thuở đó sống nhờ vào trồng trọt nên phải lao động chân tay. Công việc vất vả, nhưng dù có là vụ mùa hay công việc đang dang dở cũng phải ngưng để ưu tiên cho việc lên chùa tụng khóa kinh chiều.
Trong thời công phu chiều hàng ngày, kinh tụng chính là kinh A Di Đà, bản kinh mà tôi được thầy dạy phải học thuộc lòng lúc mới vào chùa làm tiểu.
Kinh tụng buổi chiều ngoài kinh A Di Đà, còn có kinh Hồng Danh và Thí Thực. Công phu chiều thường rơi vào tầm khoảng 17g. Tùy theo mùa mà giờ giấc công phu có thể thay đổi cho phù hợp nhưng nó là sinh hoạt tu tập không thể thiếu trong thời khóa hàng ngày.
Tuổi nhỏ vào chùa tôi đã được dạy dỗ và lớn lên trong sinh hoạt đó. Lối sống mà tôi được hấp thu một cách tự nhiên từ thầy tổ. Có lần ngồi dò kinh thầy tôi bảo thế này: “Chư Tổ sắp xếp buổi chiều tụng kinh Di Đà là các ngài ý thức về vô thường, biết tối đến nằm xuống còn trở dậy trên chính cái giường đó không? Nên trước khi đêm xuống, chìm vào giấc ngủ, chúng ta tụng kinh Di Đà, niệm danh hiệu của Ngài, là lỡ nếu có vô thường ập đến thì biết đường mà về với cõi Phật A Di Đà”.
Lớn lên, học thêm nhiều kinh điển khác nhưng tôi thấy hai buổi tụng kinh duy trì trong các ngôi chùa vẫn không thay đổi trên ba miền. Danh từ chư Tổ dùng cho buổi tụng kinh sáng tối là công phu: công phu khuya và công phu chiều. Phải ở chùa thực tập từ nhỏ và duy trì hai thời kinh khuya và tối mới thấy là một “công phu” thực sự của nếp sống nhà chùa. 3g15 sáng thức dậy, thỉnh chuông thức chúng. 3g30 thỉnh chuông Đại hồng. 4g câu chung bảng để vào hồi chuông mõ bắt đầu cho công phu khuya bằng kinh Lăng Nghiêm.
Buổi chiều cũng vậy, 16g15 thỉnh chuông báo chúng trước 15 phút. 16g30 vào hồi chung bảng và câu chuông mõ để vào thời công phu chiều. Đây là nếp sống sinh hoạt đã ảnh hưởng sâu đậm vào lối sống tu tập của các ngôi chùa Việt Nam gần 1.000 năm qua. Trong chiều dài thời gian đó đủ để niềm tin về thế giới Tây phương cõi Cực lạc của Phật A Di Đà thấm sâu trong tâm thức của người Phật tử Việt.
Dựa trên nguyên tắc tương tác âm siêu dương thái nên người Phật tử tìm cách tụng niệm siêu độ cho thân nhân khi qua đời. Mà cầu siêu thì phải “nhờ” đức Di Đà tiếp dẫn. Trong phần lớn tâm thức mọi người học Phật thường nghĩ, cầu siêu là cầu về cõi Tịnh độ. Vì vậy mà giáo lý về Tịnh độ có cơ duyên dễ phổ cập vào quần chúng. Dân tộc Việt Nam vốn nặng về thờ cúng ông bà tổ tiên. Một dân tộc mà quanh năm lễ chạp cưới xin nhất nhất đều phải có mâm cơm cúng tổ tiên ông bà, nên ma chay giỗ kỵ là phải nhờ đến thầy hướng dẫn tụng niệm cầu siêu.
Đạo Phật là đạo hiếu, hiếu đạo đòi hỏi con cháu biết trả ơn mẹ cha bằng hướng dẫn tu tập. Hình thức hướng dẫn tu tập nhanh nhất và hiệu quả là giúp cho cha mẹ nắm lấy danh hiệu Phật A Di Đà để trì niệm cho tâm dễ đạt được tịnh niệm và chuyên chú. Khi chết thì lo cầu siêu tụng niệm, cầu vãng sinh về thế giới Tây phương Tịnh độ.
Sau khi mất, ta không cho chết là hết, vậy chúng sanh đó sẽ đi về đâu? Niềm tin người bình dân rất đơn giản: về với cõi Phật. Ai không muốn về đó chứ. Về đó rồi thì thế là người sống yên lòng. Mà muốn về với cõi Phật thì sống phải trì niệm danh Phật A Di Đà, thường cầu được “đức Di Đà xoa đảnh thọ ký”. Thế là tin một cách chắc thực ta sẽ về với cõi giới phương Tây nơi Ngài Di Đà đang thuyết pháp độ sanh.
Trong kinh Phật đã nói đến có hẳn một thế giới cõi Phật như thể sẵn sàng tiếp đón chúng sanh ở cõi Ta bà này. Người sống tu tập cũng với ước muốn mong được sanh về đó. Nên cầu siêu là cầu siêu sanh về đó. Tịnh độ cõi Phật Di Đà như thế phù hợp với nhu yếu tâm thức phần đông con người chúng ta.
Đó là những yếu tố mà tôi đã sống và cảm nhận từ cuộc sống đó sự gần gũi không có khoảng cách ranh giới phân chia thiền hay tịnh mà tụng kinh, trì niệm hồng danh, cầu siêu độ... Thế là ta đang sống trong niềm tin về Tịnh độ của cõi Phật A Di Đà giữa nhân gian đọa đày với bao nhiêu khốn khổ, bất trắc, bệnh tật, thiên tai và lòng người thù hận.
Chư Tổ sư Phật giáo Việt Nam phần lớn liễu ngộ nhờ tham thiền. Nhưng các ngài vẫn không thấy trở ngại khi truyền dạy niệm Phật, tu tập Tịnh độ cho mọi người. Pháp môn niệm Phật dễ phổ cập đến quảng đại quần chúng. Tịnh độ được nhìn dưới con mắt bậc thiền sư đạt đạo: Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ. Đây quả là nét đặc sắc của Phật giáo Việt Nam trong sự dung hợp Thiền - Tịnh - Mật.
Pháp môn Tịnh độ đã có mặt ở nước ta vào thời Lý, tượng đức Phật Di Đà ở chùa Phật Tích đã nói lên điều ấy. Và với sự ra đời các tòa Cửu phẩm Liên hoa, dấu ấn đỉnh cao về tu tập cũng như nghệ thuật tạo hình của Tịnh độ tông.
Tịnh độ cùng song hành với thiền, như một con chim có hai cánh. Thiền làm cho tinh thần Phật giáo phóng khoáng, khơi mở sự khám phá đến vô tận, không cố chấp giáo điều hạn hữu ở một hình tướng, một tư tưởng nào. Tịnh độ làm cho Phật giáo gần gũi dung dị, mang sắc thái bình dân dễ ngấm sâu và lan rộng vào đời chứa chan tình cảm.
Luận giải thiền để đề cao Phật giáo mà quên đi nhu yếu tình cảm tôn giáo là một thiếu sót. Từ đức tin đi vào tôn giáo ta lắng nghe tiếng nói tình cảm hòa âm. Tịnh độ là thứ tình cảm đó nơi con người cần để nuôi dưỡng đức tin. Có điều ta cần nói thêm, nếu nhìn Tịnh độ như là một nơi để tìm về mà quên đi cuộc đời đau khổ thì chẳng khác ý niệm về thiên đường.
Đạo Phật lấy nhận thức về khổ để làm động lực dấn thân hành đạo vừa là nuôi dưỡng tâm bồ đề trên đường đi đến quả vị giải thoát. Nên, nếu có một ý niệm về Tịnh độ được nhận thức như là sự xa lánh cuộc đời thì đó không còn là pháp tu của đạo Phật. Đạo Phật với tinh thần nhập thế, người Phật tử dấn thân đi vào cuộc đời để độ sinh. Vì vậy, phụng sự chúng sinh mang ý nghĩa cao đẹp nhất, đó là hành động cúng dường chư Phật.
Dùng tư tưởng Duy tâm Tịnh độ hay Tự tánh Di Đà, con đường Phật giáo thể hiện qua pháp tu Tịnh độ đã thể hiện được vai trò tích cực trong công cuộc cứu độ chúng sanh. Đức Phật A Di Đà được biết là vị có nguồn ánh sáng vô tận và thọ mạng vô tận. Hai yếu tố này là nguồn cảm hứng vô bờ cho người tu tập.
Có một ứng xử trong văn hóa mà tôi được dạy từ khi bước chân vào chùa, đó là cách chắp tay lại để vái chào, niệm Nam mô A Di Đà Phật. Râm ran câu chào hỏi A Di Đà Phật là nét đẹp văn hóa thật đặc sắc và đậm đà chất Phật giáo Việt Nam.
Sức lan tỏa của pháp môn Tịnh độ và hình ảnh đức Phật A Di Đà đã đi vào tâm thức người Việt Nam biểu hiện cả trong cách chào hỏi. Niệm Nam mô A Di Đà Phật là đã nói thật nhiều, nói hết tất cả những gì cần nói trong ý nghĩa sâu xa của Phật đạo.