Aa

Bất động sản 24h: 3 khu vực giá đất đang “xì hơi“ sau cơn sốt điên cuồng

Thứ Hai, 24/05/2021 - 10:30

3 khu vực giá đất đang "xì hơi" sau cơn sốt điên cuồng; "Đỏ mắt" tìm căn hộ chung cư dưới 2 tỷ đồng tại TP.HCM; Đánh thuế căn hộ cho thuê, nhà đầu tư "tháo chạy"?... là những thông tin được quan tâm 24h qua.

3 khu vực giá đất đang "xì hơi" sau cơn sốt điên cuồng

Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa là những "điểm nóng sốt" trong thời gian qua. Hiện tại, các khu vực này đất đai đã hạ nhiệt. Nhiều người quan tâm liệu sau cơn sốt, có cuộc giảm giá mạnh ở các địa phương này, theo cách hiểu giá sẽ về giá trị thật sau cơn sốt ảo điên cuồng.

Tại Bắc Giang, sau Tết Nguyên đán, theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đất nền tỉnh này tăng giá chóng mặt. Đất ven khu công nghiệp sôi động, đặc biệt là tại TP. Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng. Ở trong khu vực này, ven 4 Khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điển nóng của thị trường, giá dao động 25 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 - 70% so với cuối năm 2020.

Cá biệt, có những thửa đất ở trong làng bị thổi lên cả chục tỷ đồng, ao chuôm nhỏ cũng có giá 2 - 3 tỷ đồng. Nhiều loại đất như đất trồng lúa, đất ao vườn, đất rừng cũng được giao dịch với hy vọng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển sang đất ở) rồi phân lô, tách thửa bán lại kiếm lời.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, với việc chính quyền bắt đầu siết chặt lại các hoạt động mua bán, thị trường bắt chững lại.

3 khu vực giá đất đang xì hơi sau cơn sốt điên cuồng

Ở Thanh Hóa, sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP.Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Từ đầu tháng 3/2021, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 - 60% so với cuối năm 2020. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12 - 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Tuy nhiên, hiện tại sau động thái tăng cường quản lý đất đai, rà soát và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành chính quyền địa phương thì hiện nay Thanh Hóa không còn diễn ra cơn sốt giá đất. Các đợt đấu giá không còn cảnh ồ ạt tham gia của giới cò đất cũng như các nhà đầu tư, giá đất đã ổn định và được kiểm soát. Hiện tượng hét giá đất nền tăng từng ngày, thậm chí từng giờ đã không còn xuất hiện.

Xem thông tin chi tiết tại đây

4 tác động làm suy giảm sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp

Bất động sản công nghiệp từng được ví như phân khúc “miễn dịch” tốt với tác động của dịch Covid-19. Đã có những chuyên gia cho rằng, bất động sản công nghiệp đang được hưởng lợi từ tác động của dịch Covid-19 nhưng thực tế, các biến số của phân khúc này lại có chiều hướng rẽ ngang khi phân khúc này đang phải đối mặt với một số tác động có thể làm suy giảm sự hấp dẫn.

4 tác động có thể khiến kịch bản phân khúc bất động sản khu công nghiệp thiếu tín hiệu tích cực là: Làn sóng Covid-19 làm “đóng băng” khu công nghiệp; Giá bất động sản khu công nghiệp tăng "ảo"; Cục diện địa chính trị thay đổi; Sự bùng phát Covid-19 trở lại tại nhiều nước.

4 tác động làm suy giảm sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp

Khu công nghiệp đã trở thành nỗi ám ảnh trước sự bùng phát trở lại của Covid-19 khi nơi đây có thể biến thành “ổ dịch”. Điển hình như Bắc Giang, tính đến thời điểm hiện tại, 4 khu công nghiệp đóng cửa và hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất. Bắc Giang cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bệnh nhân Covid-19 tại các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của sự lây lan dịch tại các khu công nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng báo động ngày càng gia tăng bởi khu công nghiệp là “ổ dịch” khó kiểm soát. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của bất động sản công nghiệp trong thời gian tới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Đỏ mắt" tìm căn hộ chung cư dưới 2 tỷ đồng tại TP.HCM

Báo cáo quý I/2021 về thị trường bất động sản TP.HCM của DKRA Việt Nam cho thấy, phân khúc căn hộ ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm gần một nửa so với quý IV/2020. Căn hộ hạng A vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường, đồng thời căn hộ hạng sang có sự gia tăng đáng kể. Thị trường tiếp tục vắng bóng căn hộ hạng C. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở khu Đông TP.HCM với giá bán tăng mạnh khi TP. Thủ Đức chính thức được thành lập. Nhiều dự án tăng giá chạm ngưỡng căn hộ hạng sang.

Cụ thể, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới giảm mạnh trong quý chỉ bằng 35% và 34% so với quý IV/2020. Nguồn cung mới phân bổ không đồng đều giữa các khu vực, phần lớn chỉ tập trung ở khu Đông, chiếm đến 89% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Đồng thời, nguồn cung tập trung chủ yếu ở căn hộ hạng A, chiếm tới 61%, căn hộ hạng sang chiếm 29%, hạng B chiếm 10% và không có sự xuất hiện của căn hộ hạng C.

Vào năm 2015, căn hộ hạng C tại TP.HCM có mức giá từ 18 - 20 triệu đồng/m2, đến năm 2019 đã tăng lên gần 25 triệu đồng/m2. Bước sang năm 2020, 2021 dù tình hình thị trường bất động sản khó khăn nhưng căn hộ có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 đã gần như biến mất. Hết quý I/2021, giá căn hộ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thị trường bất động sản TP.HCM dần biến mất những căn hộ chung cư có mức giá khoảng 2 tỷ đồng
Thị trường bất động sản TP.HCM dần biến mất những căn hộ chung cư có mức giá khoảng 2 tỷ đồng. Ảnh: Lý Tuấn

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân. Các hộ gia đình, cá nhân hiện chỉ có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá bán căn hộ cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.

Có thể thấy, giấc mơ an cư của người dân tỉnh lẻ đến TP.HCM lập nghiệp, sinh sống ngày càng xa vời khi một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích trung bình 65m2 với giá 2 tỷ đồng (chưa VAT và phí bảo trì), tính ra đơn giá đã gần 31 triệu đồng/m2. Vậy người dân lấy đâu ra tiền để mua?

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản Bắc Ninh, Bắc Giang “nguội lạnh” trong lần bùng dịch thứ 4

Cách đây hơn tháng, báo cáo quý I/2021 của các đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy giá đất sốt nóng tại nhiều địa phương. Trong đó, Bắc Giang được nhận định là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư khi lượng quan tâm tăng tới 256% so với quý IV/2020. Thị trường bất động sản địa phương này theo đó đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Địa phương này cũng đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, phê duyệt quy hoạch các các khu đô thị...

Tương tự, đầu năm 2021, nhờ thông tin quy hoạch Bắc Ninh sắp lên đô thị loại 1, thị xã Từ Sơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn, lượng quan tâm tới thị trường này đã tăng 113%, giá đất “nóng sốt” tại nhiều khu vực, TP. Bắc Ninh, Từ Sơn, Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du… 

Từ cuối tháng 3, với việc chính quyền bắt đầu siết chặt lại các hoạt động mua bán, thị trường cả Bắc Ninh và Bắc Giang đã bắt đầu chững lại. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Ninh và Bắc Giang là 2 ổ dịch lớn của cả nước với số lượng người nhiễm Covid-19 liên tục tăng những ngày gần đây. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh buộc 2 địa phương thực hiện giãn cách xã hội.  

Ngay lập tức, thị trường bất động sản Bắc Ninh, Bắc Giang đã rơi vào cảnh “đóng băng”. Rất nhiều môi giới tại Bắc Ninh và Bắc Giang cho biết họ đã ngừng hoàn toàn các hoạt động chào bán, giới thiệu sản phẩm và khách đầu tư là người địa phương hay đến từ Hà Nội và các vùng lân cận cũng chủ động ngừng việc đi xem đất kể từ khi dịch bùng phát phức tạp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đánh thuế căn hộ cho thuê, nhà đầu tư "tháo chạy"?

Theo các chuyên gia, mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế và việc thu thuế căn hộ chung cư cho thuê là hoàn toàn cần thiết và phù hợp, tuy nhiên, chắc chắn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phân khúc cho thuê sẽ đối diện nhiều thách thức, và nguy cơ NĐT rời bỏ thị trường đầu tư cho thuê là dễ xảy ra.

Khảo sát mới đây của VnExpress về việc khi giá thuê nhà tăng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư hay rời bỏ để lựa chọn phân khúc khác với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kết quả cho thấy có đến hơn 80% nhà đầu tư lựa chọn phương án rời bỏ.

Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, khi giá cho thuê bị trừ đi phần thuế, bài toán nhà đầu tư cho thuê quan tâm là tỷ suất lợi nhuận lúc này sẽ giảm, dẫn đến thị trường cho thuê không còn hấp dẫn như trước, nhà đầu tư cho thuê sẽ rút khỏi thị trường.

Chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận đều phải đóng thuế và việc thu thuế cho thuê căn hộ chung cư là hoàn toàn cần thiết và phù hợp, nhưng vẫn không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS trước thông tin đánh thuế căn hộ cho thuê.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top