Aa

Bất động sản 24h: 3 nơi giá đất tăng phi mã khiến dân TP.HCM đuổi theo “đứt hơi"

Thứ Hai, 30/12/2019 - 10:30

Ba nơi có giá nhà đất tăng phi mã ở TP.HCM khiến người dân đuổi theo “đứt hơi”; Bất chấp thị trường khó khăn, doanh nghiệp bất động sản vẫn ồ ạt khai sinh... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Ba nơi có giá nhà đất tăng phi mã ở TP.HCM khiến người dân đuổi theo “đứt hơi”

Theo phân tích của các nhà đầu tư, quận 9,  quận Gò Vấp và quận 12 là ba quận của TP.HCM có giá nhà đất tăng nhiều nhất trong vòng 3 năm qua.

Gom tiền để chờ mua nhà đất nhưng khi gom đủ tiền thì giá nhà đất đã tăng phi mã khiến nhiều cặp vợ chồng phải ngậm ngùi chấp nhận cảnh sống nhà thuê tạm bợ. Dưới đây là 3 quận có giá nhà đất tăng nhanh nhất trong năm 3 năm qua khiến cho giấc mơ an cư của người trẻ ngày càng xa vời.

Quận 12 là quận có giá nhà đất tăng nhanh nhất trong năm 2019. Khi mà hàng loạt tuyến đường được tu sửa như đường Tân Thới Hiệp 7, đường Vườn Lài, đường Nguyễn Văn Quá, tuyến đường huyết mạch Lê Văn Khương và sự phát triển của hệ thống hạ tầng đã đẩy giá nhà đất khu vực này tăng lên nhanh chóng sau vài năm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần có chính sách quản lý cụ thể cho thị trường bất động sản nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo “Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách” diễn ra mới đây, PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, Việt Nam có nền văn minh lúa nước nên việc phát huy tiềm năng đất đai, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là quan trọng. Chiến lược của Nhà nước cũng đã khẳng định, phải làm sao để người nông dân yêu ruộng đất, có điều kiện canh tác sản xuất tốt nhất.

“Với kinh nghiệm học từ nước ngoài, tôi cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần phải nhìn được giá trị đang có để phát huy hiệu quả ruộng đất. Việc hình thành và khơi thông thị trường bất động sản nông nghiệp nhằm tích tụ đất đai quy mô lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp tối ưu nhất để khơi dậy tiềm năng của đất nông nghiệp mà bấy lâu nay chưa được khai thác hết, nhiều nơi bị chôn vùi trong cỏ dại”, vị chuyên gia nói.

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, cần phải định hình các tiêu chí như thế nào là bất động sản nông nghiệp, loại hình nào là bất động sản nông nghiệp. Phải có chế tài, khuyến khích để người dân có thể phát huy tốt nhất đất đai nông nghiệp. Đặc biệt, thời gian tới, việc tích tụ ruộng đất cần phải quan tâm để tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, nhiều người khởi nghiệp bằng nông nghiệp và có thêm nhiều doanh nghiệp rót vốn vào lĩnh vực này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường co-working space Hà Nội: Chờ “sóng” mới trong 2020

Được biết đến rộng rãi và thu hút sự quan tâm của người dùng tại Việt Nam từ năm 2015 với sự xuất hiện của những cái tên như Toong hay Dreamplex, mô hình không gian làm việc chung (co-working space) ngày nay đã trở thành lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp. Nhờ lợi thế về chi phí cùng tính linh hoạt của các dịch vụ thuê không gian, co-working space đặc biệt phù hợp với cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là các tập đoàn lớn.

Tại 2 đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, các đơn vị cung cấp không gian làm việc chung nhanh chóng xuất hiện và đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng quy mô.

Theo một thống kê của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 4/2018, tại Hà Nội và TP.HCM có 34 không gian làm việc chung. Trong đó, Hà Nội có 19 và TP.HCM có 15.

Đáng lưu ý, số lượng không gian làm việc chung đã tăng lên 62% và ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng trung bình 55% trong vòng 5 năm từ 2013 - 2018. Những nhà cung cấp tên tuổi nhất thị trường có thể kể đến như Dreamplex, Toong, UP, CoGo, Regus, CirCo, The Hive… và Wework - trước khi xảy ra scandal IPO cũng đã bước chân vào Việt Nam bằng việc mua lại NakedHub của Trung Quốc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất chấp thị trường khó khăn, doanh nghiệp bất động sản vẫn ồ ạt khai sinh

Tính đến hết tháng 11/2019, lĩnh vực kinh doanh bất động sản mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lại là ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất với 7.300 doanh nghiệp.

Năm 2019 sắp kết thúc, một loạt các báo cáo, nhận định của giới phân tích cho thấy đây là một năm đầy khó khăn và biến động của thị trường bất động sản. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp địa ốc kinh doanh thua lỗ, khó khăn về mặt tài chính.

Bên cạnh đó là việc sụt giảm nguồn cung ở nhiều phân khúc của thị trường bất động sản đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp. Nặng nề nhất là các doanh nghiệp địa ốc còn yếu, thiếu và hạn chế về tiềm lực tài chính. Nhiều doanh nghiệp rơi vào thế rủi ro, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do không có sản phẩm cung ứng ra thị trường, nhân viên lao đao phải tìm cách nhảy việc.

Nguyên nhân một phần do thủ tục hành chính và chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép dự án mới, thời gian hoàn thành hồ sơ dự án bị tắc nghẽn. Trong khi đó, lãi suất vay vốn ngân hàng bị ràng buộc, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 11, Tổng Cục Thống kê đưa ra trong báo cáo ghi nhận riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cả nước có 7.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,8%; Cùng với đó, cả nước có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Biến tướng nhà ở xã hội: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng): “Loại hình nhà ở xã hội đang tồn tại tại các địa phương còn rất kém và dậm chân tại chỗ”.

Ngày 25/12, Thanh tra TP Đà Nẵng đã có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2.

Kết quả kiểm tra hồ sơ xét duyệt tại Liên doanh DMC - 579 (chủ đầu tư) trong 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội, có 43 trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Sau khi đoàn thanh tra có văn bản gửi kèm theo danh sách đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng rà soát và xác nhận đối với 553 trường hợp có hồ sơ xin mua căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội.

Qua kết quả kiểm tra, đối chiếu đối với 324 trường hợp được duyệt mua nhà ở xã hội thể hiện: có 24 trường hợp có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 thửa đất trở lên, 42 trường hợp có 1 thửa đất.

Qua đối chiếu xác minh về thuế thu nhập cá nhân, Thanh tra TP.Đà Nẵng phát hiện có 208 trường hợp có mã số thuế, Cục thuế TP.Đà Nẵng xác nhận có 95 trường hợp có thu nhập cao. Trong đó có 52 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân (32 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân cả 2 năm 2017 – 2018; 7 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2017; 13 trường hợp chịu thuế năm 2018).

Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Công an TP.Đà Nẵng rà soát, xác minh 15 trường hợp đang công tác tại đơn vị thuộc Công an TP.Đà Nẵng, kết quả có 2 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2018, 13 trường hợp không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top