Aa

Bất động sản 24h: Báo động đầu cơ đất nông nghiệp ở Cần Thơ

Thứ Hai, 16/03/2020 - 11:31

Cần Thơ: Báo động đầu cơ đất nông nghiệp; Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đối mặt nguy cơ phá sản... là những thông tin được quan tâm.

Cần Thơ: Báo động đầu cơ đất nông nghiệp

Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy... từ lâu là địa bàn kinh doanh của những người có vốn một vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng. Họ mua đất có địa thế tốt chờ thời, chờ dự án tới, có điều kiện họ “nhảy dù” phân lô bán nền.

Bằng cách này khoảng vài năm họ kiếm số tiền lời bằng 5, bằng 10 lần số vốn ban đầu. Dễ kiếm tiền, phân lô bán nền lời nên nhiều người có vốn, vay thêm ngân hàng đầu tư khu dân cư tự phát, phân lô xẻ nền trên đất nông nghiệp.

Quy mô lớn, 5-3ha, quy mô nhỏ 1-2ha... Quy trình của họ gồm: thu gom đất nông nghiệp; san lấp mặt bằng; làm hệ thống điện, nước sinh hoạt; thoát nước; đường giao thông và phân lô xẻ nền xin được cấp sổ đỏ cho từng nền.

Người kinh doanh kiểu này nếu có vốn nhiều họ xây nhà luôn trên đất nông nghiệp, giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng; nếu người ít tiền họ phân lô xẻ nền và làm hạ tầng xong bán 5 đến 10 triệu đồng/m2. Nền 80m2 giá từ 400 đến 700 triệu đồng, tùy theo đất ở Ninh Kiều hay Bình Thủy.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khó chồng khó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đối mặt nguy cơ phá sản

Dịch Covid-19 lan nhanh trên khắp thế giới và diễn biến khó lường. Sức ảnh hưởng khủng khiếp của nó đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Trước tình hình này, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại lớn nhất là ngành du lịch khi số lượng khách du lịch ghé đến Việt Nam thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hàng trăm công ty về du lịch buộc phải cho nhân viên làm việc tại nhà, hưởng tiền trợ cấp ít ỏi hoặc chấp nhận cho nhân viên nghỉ việc để tạm thời đóng cửa “nghỉ đông”. Hàng trăm hàng quán ở các TP lớn đóng cửa vì thiếu nhân viên, thiếu khách đến quán…

Chịu chung số phận trên, thị trường bất động sản cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia nhận định rằng quá trình tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Ghi nhận vào cuối năm 2019, hàng chục cuộc họp do chính quyền TP.HCM chủ trì đã đề xuất những hướng đi mới cho thị trường. Các lãnh đạo TP cũng hứa sẽ quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Mới đây nhất là vào ngày 22/2, tại cuộc họp giữa UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 19 lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành lập tức tìm phương án tháo gỡ cho hàng trăm dự án bị ách tắc.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tuần đen tối chứng khoán Việt: Cổ phiếu bất động sản lao dốc theo xu thế chung

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch đáng quên khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng ghi nhận thêm các ca dương tính mới. Cùng với đó, việc thị trường chứng khoán Mỹ và giá dầu thế giới có nhiều phiên giảm sốc cũng góp phần lớn trong việc kích hoạt đà bán tháo ở thị trường trong nước.

VN-Index có tuần giảm mạnh nhất trong vòng 12 năm qua. Chốt tuần, chỉ số này giảm đến gần 140 điểm (-14,5%) so với tuần trước đó và đứng ở mức 761,78 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 10,8% xuống 101,38 điểm.

Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đã hụt 613.000 tỷ đồng (khoảng 26,2 tỷ USD) tương ứng giảm xuống còn 4,1 triệu tỷ đồng.

Thanh khoản tăng mạnh so với tuần trước đó và cao mức trung bình 20 tuần với gần 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 49,1% lên 25.714,1 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 47,4% lên 1.581 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 14,1% xuống 4.150 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,3% xuống 384 triệu cổ phiếu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhiều chính sách ra đời có đưa doanh nghiệp vượt khó?

Năm 2019 là một năm tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5%, ngành xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng kỷ lục và duy trì được tỷ lệ lạm phát ở 3,5%. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vào tháng 12/2019 đạt mức cao, với hơn 70% người được hỏi đều cho rằng kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nữa trong năm 2020. Tuy nhiên, chưa hết quý I/2020, ghi nhận có đến 84% các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định virus Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của họ trong năm nay.

Dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhu cầu tìm kiếm và đầu tư bất động sản, nhất là trong phân khúc đất nền dự án và nhà phố.

Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong tháng 2/2020 giảm 14% so với cùng kỳ, riêng TP.HCM ghi nhận nhu cầu tìm mua bất động sản giảm gần 24%.

Đặc biệt, tháng 3 này là tháng quyết toán thuế năm 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi Nghị định 20 về quản lý giao dịch liên kết được sửa đổi để có cơ sở đóng thuế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Năm 2020, TP.HCM sẽ mạnh tay cưỡng chế các công trình vi phạm xây dựng có quy mô lớn

Ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, TP sẽ tập trung chuẩn bị sắp xếp lại bộ máy thanh tra xây dựng và đội quản lý trật tự đô thị của 24 quận, huyện.

Theo ông Bình, dù đã xử lý và phát hiện nhiều công trình xây dựng vi phạm trên địa bàn nhưng đến nay Tp.HCM vẫn còn một số tồn tại. Trong đó là việc ngăn chặn công trình vi phạm tiếp tục thi công chưa hiệu quả; việc thuê đơn vị cưỡng chế còn khó khăn. Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, hiện nay chúng ta chưa thực hiện được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn ngay từ đầu.

Cơ quan này sẽ phối hợp và trình UBND TP ban hành quy trình phối hợp giữa các đơn vị để xử lý bước một. Nếu như tiếp tục vi phạm có quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính sẽ phân chia giai đoạn để thực hiện thủ tục cưỡng chế thay vì cưỡng chế toàn bộ công trình sẽ rất khó khăn.

Để quản lý trật tự xây dựng đi vào nề nếp, lãnh đạo của Tp.HCM yêu cầu Sở Xây dựng và các quận, huyện khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao như phần mềm trực tuyến về quản lý trật tự xây dựng; phần mềm quản lý quy hoạch tài nguyên xây dựng chung cho toàn thành phố.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top