Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản bán lẻ tìm lại guồng quay

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 26/02/2022 - 10:30

Bất động sản bán lẻ tìm lại guồng quay; Đảm bảo tính khả thi trong đấu giá đất: Bài học từ vụ Thủ Thiêm… là những thông tin bất động sản nổi bật trong 24h qua.

Bất động sản bán lẻ tìm lại guồng quay

Bất động sản bán lẻ đang có xu hướng hồi phục sau khi các biện pháp giãn cách phòng dịch được nới lỏng và thị trường chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Theo ghi nhận của Colliers Việt Nam, sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM trong quý IV/2021 chỉ nhích nhẹ hoặc đứng im so với quý trước đó. Tại khu vực trung tâm TP.HCM, giá thuê mặt bằng bán lẻ bình quân ở các trung tâm thương mại ở mức 115 USD/m2/tháng, tỷ lệ trống bình quân khoảng 5%. Trong khi đó, ở khu vực ngoài trung tâm TP.HCM, giá thuê bình quân 24,5 USD/m2/tháng và tỷ lệ trống khoảng 14%.

Năm 2022, thị trường bất động sản bán lẻ được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Không đón thêm nguồn cung mới trong quý IV/2021 bởi các dự án bị chậm do phải thực hiện quy định giãn cách xã hội, nhưng thị trường bán lẻ TP.HCM vừa chào đón cửa hàng UNIQLO thứ 10 tại AEON MALL Bình Tân. Đây là tín hiệu khả quan, cho thấy sự phục hồi của phân khúc này.

Tương tự TP.HCM, thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý IV/2021, theo quan sát của CBRE Việt Nam. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê tại Hà Nội vẫn giữ ở mức hơn 1 triệu m2. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách xã hội, bất động sản bán lẻ Hà Nội cũng có chiều hướng ấm lên, tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ quay lại thị trường. Giá thuê trong khu trung tâm ghi nhận từ 98 USD/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình 11%. Ngoài khu trung tâm, giá thuê bắt đầu từ 21 USD/m2/tháng với tỷ lệ trống trung bình 18%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lấy ý kiến về sửa đổi luật liên quan đến thị trường bất động sản

Ngày 24/2, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) ban hành công văn gửi tới các Phó Chủ tịch Hiệp hội, các tổ chức, đơn vị tư vấn… để lấy ý kiến góp ý sửa đổi luật liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Công văn số 32/CV-HHBĐSVN do Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi ký được gửi tới các đồng chí Phó Chủ tịch VNREA, các tổ chức, đơn vị tư vấn đầu tư, kinh doanh, quản lý dịch vụ liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam.

VNREA cho biết, hiện nay, các bộ, ban, ngành Trung ương đang nghiên cứu, sửa đổi các Luật: Luật Nhà ở ngày 25/11/2014; Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25/12/2014; Luật Đất đai ngày 29/11/2013. Theo chương trình làm việc của Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các luật sửa đổi, bổ sung trong kỳ họp tháng 10/2022.

Để góp phần thiết thực vào việc sửa đổi luật và tạo thuận lợi, hiệu quả trong việc tham gia vào thị trường bất động sản của các tổ chức, đơn vị sau này, VNREA dự kiến tổ chức Hội nghị tiếp thu ý kiến tham gia vào cuối tháng 3/2022.

Theo đó, VNREA rất mong nhận được văn bản góp ý trước ngày 15/03/2022 và những ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội nghị.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hướng đi nào cho doanh nghiệp bất động sản khi diễn biến dịch còn kéo dài?

Khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài, việc sống chung với dịch bệnh không còn là điều xa lạ, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược mới để thích ứng dài hạn trong bối cảnh bình thường mới.

Vietnamreport mới đây đã đưa ra những phân tích khá sắc nét về “nguy” và “cơ”, điểm mạnh và yếu của thị trường cũng như của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Đáng chú ý, đơn vị này cho hay, thứ nhất là các doanh nghiệp bất động sản lớn đã trải qua nhiều biến cố thị trường như khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 nên cũng đã có “bản lĩnh vững vàng”, tạo nền tảng cho việc vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Các sáng tạo, đổi mới được thực hiện nhanh chóng giúp cộng đồng doanh nghiệp bất động sản sớm lấy lại trạng thái kinh doanh thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều là các công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân nên rất năng động, uyển chuyển, linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh. Các sáng tạo, đổi mới được thực hiện nhanh chóng giúp cộng đồng doanh nghiệp bất động sản sớm lấy lại trạng thái kinh doanh thuận lợi.

Thứ ba, nguồn vốn xã hội dành cho bất động sản là rất lớn và các doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam có thể huy động nhanh chóng nếu có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đa số các công ty cổ phần huy động từ nguồn vốn cổ đông (qua phát hành thêm cổ phiếu) hoặc đi vay ngân hàng. Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua đã giúp cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản hạng sang: Cơ hội chỉ dành cho số ít

Số lượng những triệu phú trẻ mới từ việc khởi nghiệp hay từ công nghệ blockchain ngày càng tăng cũng góp phần đáng kể vào nhu cầu bất động sản hạng sang.

Mặc dù không có một quy định chính thức nào nhưng theo nhiều chuyên gia tài chính quốc tế, những ai có tài sản có tính thanh khoản (liquid assets) từ 1 triệu USD trở lên được xếp vào nhóm giàu có (High Net Worth Individuals - HNWIs). Trong các lớp tài sản hình thành nên sự giàu có này, bất động sản luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể. Và càng giàu có, những bất động sản hạng sang luôn là ưu tiên của giới này.

Sức hút đầu tiên và lớn nhất của bất động sản hạng sang là vị trị đắc địa và sự khan hiếm. Ở các thành phố nổi tiếng trên thế giới, sự đắc địa thể hiện qua sức hút với giới giàu có, hoạt động đầu tư và tiêu chuẩn sống. Chẳng hạn khi nói đến London, New York, Paris hay Hong Kong, người ta hình dung ra được các trung tâm tài chính lớn, nơi sinh sống của nhiều tỷ phú, triệu phú đô la.

Còn nói về sức hút của sự khan hiếm là bởi số lượng các bất động sản hạng sang trong dài dạn ở các thành phố lớn luôn có xu hướng giảm dần vì nguồn cung là có giới hạn. Như trong một báo cáo của Knight Frank năm 2021, số lượng nhà có giá trị trên 2 triệu bảng Anh ở London là khoảng 68 ngàn căn; ở Sydney, nhà có giá trên 3 triệu đô Úc là khoảng 27 ngàn căn; ở Singapore, trên 5 triệu đô Sing là khoảng 10 ngàn căn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đảm bảo tính khả thi trong đấu giá đất: Bài học từ vụ Thủ Thiêm

Theo các chuyên gia, việc đấu giá rồi bỏ cọc như ở Thủ Thiêm vừa qua làm mất tính nghiêm trang của buổi đấu giá, do đó cơ quan nhà nước cần lựa chọn hình thức đấu giá phù hợp với từng loại tài sản.

Cơn “sang chấn tâm lý” giá đất Thủ Thiêm cao ngất ngưởng (2,45 tỷ đồng/m2) trong phiên đấu giá vừa qua đã tạm lắng nhưng dư âm và hệ lụy thì vẫn còn âm ỉ.

Điều quan trọng qua sự vụ trên là việc nhận diện và rút ra bài học để việc tổ chức đấu giá lại các khu đất bị bỏ cọc hoặc tổ chức đấu giá mới các khu đất còn lại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được diễn ra đúng quy định, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với quy hoạch đô thị cũng như vì sự phát triển bền vững của TP.HCM.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top