Aa

Bất động sản 24h: Giá nhà đầu năm 2022 tăng cao

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 24/02/2022 - 11:09

Giá nhà đầu năm 2022 tăng cao; Người định giá đất khóc ròng vì rơi vào "bẫy thị trường"… là những thông tin bất động sản nổi bật trong 24h qua.

Giá nhà đầu năm 2022 tăng cao

Mặc dù mới bước vào 2 tháng đầu năm 2022 nhưng giá nhà đất tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội đã có xu hướng tăng rõ rệt.

Tại TP.HCM, báo cáo mới nhất từ trang batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2022, giá rao bán căn hộ tăng 1,8% so với tháng 12/2021. Trong đó, phân khúc trung - cao cấp đang là loại hình ghi nhận biên độ tăng mạnh nhất.

Đơn cử một dự án tại khu vực Bình Tân (TP.HCM) tháng 12/2021 có mức giá khoảng 40 - 43 triệu/m2 nhưng đầu năm 2022 đã được đẩy lên 45 - 50 triệu/m2.

Đánh giá về thị trường bất động sản đầu năm 2022, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, thị trường đang tái mở cửa và sôi động trở lại ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên riêng phân khúc căn hộ TP.HCM đang thiếu hụt sản phẩm sơ cấp chào bán, đẩy giá căn hộ tiếp tục leo thang.

Theo ông Tuấn, giá căn hộ được dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các quý còn lại của năm. Cùng với đó, những dự án bàn giao trong năm 2022 cũng sẽ chứng kiến mức đỉnh mới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

CEO Đại Phúc Land: "Tâm thế các doanh nghiệp năm nay là phải đứng lên trong mọi kịch bản"

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng năm 2022 là năm của cơ hội hồi phục, nếu bỏ lỡ nhịp hồi phục trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ khó vực dậy để theo kịp quỹ đạo phát triển tiếp theo.

Giới phân tích đánh giá, năm 2022 sẽ là năm của sự hồi phục và tăng tốc ở hầu hết các doanh nghiệp bất động sản. Bởi dịch Covid-19 dù còn phức tạp nhưng khả năng tiêm phủ vắc-xin đã đạt trên 90%, các biện pháp giãn cách xã hội gần như không được thực hiện; nền kinh tế vĩ mô cũng dự báo sẽ hồi phục với mức tăng trưởng GDP lên đến 6,5%. 

Không phải thiếu vốn, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là khó được phê duyệt trong việc triển khai các dự án  (Ảnh minh hoạ)

Với những lực đỡ nói trên, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ trở nên ổn định và thiết lập trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Nổi bật nhất là những thủ tục pháp lý rườm rà, chồng chéo, chưa bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường suốt nhiều năm nay.

Chia sẻ về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, thử bàn về chuyện “lách luật”

Từ “lách luật” vốn tồn tại từ lâu nay trong đời sống, vừa qua lại có dịp được nhắc đến nhiều sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Vậy “lách luật” có phải là một “tội”, và ai phải chịu trách nhiệm nếu có chuyện "lách luật"?

Xin nói luôn, trong hệ thống pháp luật, không hề có khái niệm “lách luật”, chỉ có hoặc là tuân thủ đúng pháp luật, hoặc là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên trong thực tế, đôi lúc có chuyện một người làm đúng luật nhưng lại có vẻ gì đó không bình thường thì người ta lại có cảm giác hình như ở đây “có gì sai sai”, hình như ở đây pháp luật còn kẽ hở để người ta lợi dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, và người ta gọi đó là “lách luật” hay “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”. Nhưng thực ra không phải thế.

Bởi thứ nhất, luật pháp thường chỉ quy định, cấm những điều có hại cho xã hội, có hại cho cộng đồng, có hại cho tiến bộ và sự phát triển, chứ không cấm công dân và doanh nghiệp làm lợi cho xã hội và bản thân họ. Nếu luật pháp cấm đoán tất cả thì xã hội sẽ không thể phát triển và sẽ đi đến chỗ diệt vong. Mà điều gì pháp luật không cấm thì công dân được làm.

Thứ hai, pháp luật không thể bao quát hết các tình huống trong đời sống được, vì pháp luật là sự khái quát, tổng kết từ thực tiễn, còn thực tiễn thì muôn hình vạn trạng trong các biểu hiện của nó. Mặt khác, pháp luật thuộc kiến trúc thượng tầng sẽ luôn có độ trễ so với thực tiễn, nên không bao giờ phản ánh và bao quát hết thực tiễn sinh động luôn phát triển không ngừng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lâm Đồng ưu ái cho một cá nhân chuyển hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp thành đất ở

Ông Hoàng Vũ Minh Trí đã được UBND huyện Bảo Lâm “ưu ái” chuyển đổi hơn 36.000 m2 đất nông nghiệp thành đất ở, trong khi người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất diện tích nhỏ phải mòn mỏi chờ hạn mức.

Nguồn tin từ lãnh đạo huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ông Hoàng Vũ Minh Trí đã được chuyển đổi nhiều thửa đất với tổng diện tích hơn 36.000 m2. Trong đó, tại thửa đất 132, tờ bản số 46, ông Trí được chuyển đổi 3303,2 m2; thửa 129, tờ bản đồ 46 là 3838,5 m2; thửa 131, tờ bản đồ 46 là 4699,7 m2; thửa 194 và 103, tờ bản đồ 46 và 47 là 6665,8 m2; thửa 195, tờ bản đồ 47 là 5598,4 m2; thửa 98 và 199, tờ bản đồ 47 là 5119,2 m2; thửa 192, 196 và 200, tờ bản đồ 47 là 6683,9 m2. Đây là một trong những cá nhân phân lô tách thửa nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ một nghĩa cử nhân văn, hình thức hiến đất làm đường đã bị nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi, thậm chí biến tướng để hợp thức hóa cho các dự án phân lô, bán nền.

Liên quan đến việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, ngày 21/1/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 80/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Sau khi rà soát, đến ngày 10/2/2022, UBND huyện Bảo Lâm có Quyết định số 27/BC-UBND về việc tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn huyện.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Người định giá đất khóc ròng vì rơi vào "bẫy thị trường"

Từ vụ bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, các chuyên gia phân tích nhiều lỗ hổng trong pháp luật về quản lý đất đai. Việc xác định giá đất thị trường rất khó khăn.

Hơn một tuần sau khi 2/4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ cọc, đến nay những suy đoán về việc nhà đầu tư cố tình thắng giá cao để thao túng thị trường vẫn chưa có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, điều có thể thấy là khuôn khổ pháp luật về đất đai đang tồn tại những khoảng trống.

Bài học là cần nhanh chóng bịt lỗ hổng này để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hạn chế những tình huống ngoài tầm kiểm soát. Với mục tiêu đó, các chuyên gia có những góc nhìn về cách lấp lỗ hổng trong quản lý và đấu giá đất hiện nay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top