Bất động sản có rơi vào "giấc ngủ đông" như chu kỳ 10 năm trước?
Đã có những lo ngại về tình hình thị trường bất động sản hiện nay sẽ rơi vào "giấc ngủ đông" như chu kỳ 10 năm trước, nhưng không ít chuyên gia lại có góc nhìn ngược lại.
Ông Đỗ Quý Duy - người sáng lập câu lạc bộ Nhà đầu tư Bất động sản NAC, nhân vật khách mời của ChatToday ngày 1/11 - thừa nhận, thị trường bất động sản hiện nay được đánh giá là "khó khăn toàn tập" so với nhiều năm qua. Không chỉ khó khăn từ nguồn cung, thanh khoản, mà ở cả giá bán. Lực lượng lao động, nhà thầu tham gia vào thị trường cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trước những lo ngại thị trường đang có dấu hiệu lặp lại tình trạng "đóng băng" và phải giải quyết trong thời gian dài như chu kỳ 10 năm trước, ông Duy cho rằng, thị trường hiện tại có những điểm giống và cũng có những điểm khác so với giai đoạn 2010 - 2012.
Về điểm khác, theo ông, thời điểm đó, nền kinh tế của Việt Nam đang bước đầu "làm quen" với thị trường chứng khoán cũng như là bất động sản. Nguồn cung của thị trường cũng rất nhiều. "Trong khi đó, nhu cầu thị trường lúc đó ngoại trừ nhu cầu ở thì phần lớn là nhu cầu đầu tư và đầu tư ngắn hạn. Điều này khiến giá bất động sản tăng nhanh, quả bong bóng được bơm nhanh và bơm căng to hơn bây giờ rất nhiều", ông Duy chia sẻ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Có ngăn chặn được tham nhũng, rửa tiền thông qua mua bán đất đai?
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng ngày 8/11, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Đại biểu Hoàn phân tích: “Cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích. Những người vi phạm pháp luật để đạt được lợi ích đã và sẽ làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội. Việc theo đuổi lợi ích rất lớn của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là những yếu tố chính thúc đẩy vi phạm pháp luật đất đai.
Thông qua việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức và cá nhân có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy. Quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật.
Lúc này, giá phải trả của việc vi phạm pháp luật đất đai chủ yếu bao gồm tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại về quyền lợi, tác động tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của địa phương, sự trừng phạt có thể xảy ra và làm mất đi tương lai chính trị của người có chức vụ, quyền hạn có liên quan”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nghệ An: Sẵn sàng tâm thế đón dòng vốn đầu tư mới
Từ một tỉnh khá mờ nhạt trong vấn đề thu hút đầu tư, Nghệ An đã trở thành điểm đến mới của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao có quy mô hàng trăm triệu USD và tiếp tục được mở rộng.
Sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế lớn vào Nghệ An với những cam kết đồng hành trong dài hạn là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới tư duy, quan điểm và cải cách môi trường đầu tư của chính quyền tỉnh Nghệ An thời gian qua.
Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An sẵn sàng là điểm kết nối, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư trong và ngoài nước về với tỉnh. Đây cũng chính là tiền đề để Nghệ An có thể biến những tiềm năng thành lợi thế để bứt phá, vươn mình thành tỉnh khá với những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trong tương lai gần.
Từ đầu năm nay đến hết tháng 9/2022, lần đầu tiên Nghệ An luôn nằm trong Top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 605,42 triệu USD, đứng đầu khu vực Trung bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó, Tập đoàn Goertek là một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Nghệ An với tổng số vốn lên đến 500 triệu USD.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư: Đi tìm tiếng nói chung
Nhiều lo ngại khi đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sử dụng chung cư của Bộ Xây dựng được đưa ra. Song, giới hạn thời gian sử dụng chung cư là xu hướng tất yếu của xã hội, xét trên các mặt khoa học, thực tiễn và pháp lý. Vấn đề đặt ra là cần đưa Dự thảo đến gần hơn với người dân để họ thấy những lợi ích lâu dài, đồng thời tìm ra tiếng nói chung giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong vấn đề này.
Hiện nay, căn hộ chung cư đang có hai dạng là căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ có thời hạn sở hữu chỉ từ 50 - 70 năm ở những tòa nhà có khối đế là trung tâm thương mại, văn phòng và có mục đích sử dụng hỗn hợp vừa để ở, vừa để kinh doanh. Khi hết thời hạn sử dụng chung cư, cư dân vẫn được bảo lưu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình của mình.
Vừa qua, khi trình Chính phủ trình hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014 lần thứ hai, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sử dụng chung cư với hai phương án là: (i) Xác định theo thời hạn sử dụng công trình (theo quy định của pháp luật về xây dựng), hoặc (ii) xác định theo thời hạn sử dụng đất xây dựng tòa chung cư (theo quy định của Luật Đất đai). Như vậy, theo đề xuất này khi thời hạn sử dụng đất không còn, giá trị sử dụng của chung cư không còn cũng sẽ đồng nghĩa với việc người dân hết quyền sở hữu đất và căn hộ chung cư, Nhà nước sẽ được quyền thu hồi toàn bộ các tài sản này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản lao đao vì "khát vốn"
Khó khăn liên quan tới pháp lý và tắc nguồn vốn là hai vấn đề lớn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hiện nay.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng Bộ Xây dựng đã có cuộc họp riêng với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Hội nghị đã ghi nhận một số nhóm giải pháp để gỡ khó cho thị trường. Trong đó nổi lên hai vấn đề lớn cần tháo gỡ, đó là thể chế và vốn, tài chính.
Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia cuộc họp, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết nhiều kiến nghị xoay quanh đến vấn đề vốn, tài chính. Ông Nghĩa cho biết, các doanh nghiệp kỳ vọng các vấn đề về pháp lý sẽ được tháo gỡ nhằm thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. Trong đó, việc sửa đổi hệ thống luật cần được thúc đẩy.
Lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam cũng cho biết, doanh nghiệp vừa phải tạm ngừng kế hoạch đầu tư một số dự án mới vì những khó khăn liên quan đến vấn đề vốn. Theo vị này, vấn đề "đau đầu" nhất hiện nay với nhiều doanh nghiệp là "tắc" tiếp cận vốn ở nhiều kênh, cả tín dụng lẫn trái phiếu bất động sản.