Bộ Xây dựng: Nhiều dự án ở Hà Nội chưa đồng bộ, còn để trống đất đai
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết trong quá trình đầu tư, một số dự án khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều ô đất còn để trống, chưa triển khai.
Bộ Xây dựng vừa nhận được đề nghị của cử tri TP. Hà Nội về việc chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) phối hợp giải quyết triệt để những tồn tại của các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai, do tổng công ty này làm chủ đầu tư.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết HUD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Những năm qua, tổng công ty HUD đã tham gia tích cực trong phát triển nhà ở và khu đô thị với nhiều dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, phía Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận trong quá trình đầu tư, một số dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai còn một số tồn tại như cử tri phản ánh.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, tại dự án Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, tổng công ty này còn 3 lô đất chưa đầu tư xây dựng do phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp với Quy hoạch phân khu đã được phê duyệt theo Quyết định số 6499/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị 112-4, tỷ lệ 1/2000.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tọa đàm: Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam
Chiều 21/4, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm: “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”.
Hiện nay, việc thiếu nhất quán trong thực thi chính sách và sự chậm trễ của các cơ quan chức năng địa phương trong thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp mua bất động sản xây dựng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) đang là vấn đề bất cập, gây “tắc nghẽn” ở nhiều địa phương trên cả nước như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Phan Thiết (Bình Thuận), Kiên Giang, Bình Định… Điều này đã khiến cho khách hàng bức xúc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách ban hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước và ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.
Câu chuyện ở Khánh Hòa, các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng) mua sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Tuy nhiên, một số dự án khác đã hoàn thành, được nghiệm thu PCCC và đưa vào khai thác vận hành cách đây vài năm, chủ đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nhưng đến nay nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Để nhận diện vấn đề quan trọng trên, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) tổ chức Tọa đàm: “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hạn chế phát triển nhà cao tầng dọc đường ven biển Nha Trang
Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy hoạch Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.
Kết luận được ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa ký ngày 18/4/2022. Đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lưu ý về hệ thống công trình điểm nhấn chia làm 2 nhóm gồm: Công trình điểm nhấn về chiều cao và công trình điểm nhấn có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, giá trị cảnh quan đặc sắc.
Trong đó, lưu ý hạn chế tối đa việc quy hoạch phát triển nhà cao tầng ở các vị trí mới đối với khu vực dọc đường ven biển Trần Phú - Phạm Văn Đồng và nghiên cứu đề xuất một số vị trí công trình điểm nhấn cho phù hợp. Trong trường hợp không thống nhất được vị trí công trình điểm nhấn cụ thể thì nên định hướng ở khu vực khác để làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng phân khu và quy hoạch chi tiết sau này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hàng loạt đô thị lại được điều chỉnh nâng tầng
Mới đây, Hà Nội đã có nhiều quyết định điều chỉnh xây nâng tầng tại một số dự án đô thị. Điều này lại một lần nữa dấy lên lo ngại về việc nhồi nhét cao tầng, phá vỡ quy hoạch và gây áp lực lên hạ tầng.
Từ lâu nay, bất cập trong quy hoạch các chung cư cao tầng (mật độ dày đặc trên một tuyến phố) lẫn quy hoạch giao thông là "thủ phạm" chính gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, khi thời gian gần đây hiện tượng điều chỉnh từ xây thêm cao tầng tại một số ô đất của dự án khu đô thị được dự báo sẽ còn gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch của Thủ đô.
Đơn cử, vào cuối tháng 1/2022, UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 426 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Golden Palace A tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS-VP-NO dự án Tổ hợp Mỹ Đình Pearl, trên địa bàn phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch là gần 3,8ha.
Theo quyết định trên, đối với khối văn phòng (ký hiệu số 2) đề xuất điều chỉnh giảm diện tích xây dựng được duyệt từ hơn 1.790m2 xuống còn 1.493m2; tăng tầng cao từ 28 tầng lên thành 38 tầng; tăng tổng diện tích sàn từ hơn 40.012m2 lên thành gần 54.000m2, đồng thời đề xuất điều chỉnh chức năng từ “Văn phòng” sang thành “Thương mại dịch vụ, văn phòng kết hợp căn hộ”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Sốt" đất nông nghiệp, nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền bất chấp rủi ro
Khi "sốt" đất đổ bộ vào vùng quê thì không chỉ đất thổ cư, ngay cả những quỹ đất nông nghiệp cũng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Giá rẻ, khả năng tăng giá chóng mặt… khiến cho các nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền.
Thời của sốt đất là khi ngay cả đất nông nghiệp cũng nhanh chóng rơi vào "guồng" tăng giá chóng mặt. Một báo cáo mới đây của batdongsan.com.vn về thị trường bất động Khánh Hoà, tại nhiều huyện, giá đất nông nghiệp và lượng giao dịch tăng đột biến.
Đơn cử như đất nông nghiệp ở huyện Ninh Hoà nóng từ cuối năm 2021. Theo báo cáo tháng 3/2022 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản Ninh Hòa tăng 77%, lượng tin đăng cũng tăng 53% so với tháng 2. Tại các xã Ninh Xuân, Ninh Phú, nhiều mảnh đất nông nghiệp trồng mía, trồng keo giá từ vài trăm triệu đã được đẩy lên tiền tỷ.
Tại Diên Khánh, một huyện miền núi cũng ghi nhận tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp. Theo ghi nhận của batdongsan.com.vn, thông tin tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường 23-10 kết nối với TP. Nha Trang đã khiến các xã phường ở khu vực vùng ven như Diên Đồng, Diên Xuân, Diên Lâm, Diên Hòa, Suối Tiên đều có hiện tượng sốt giá vào khoảng thời gian đầu năm 2019 và cuối 2021. Nhiều lô đất 300 - 400m2 giá 3,5 triệu/m2 tăng lên 4,5 triệu/m2 sau vài ngày. Theo báo cáo thị trường tháng 3/2022 của Batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm bất động sản tại Diên Khánh tăng 60%, lượng tin rao cũng tăng 49% so với tháng 2.