Bất động sản Hải Dương "xì hơi", nhà đầu tư bắt đầu bắt đáy?
Thị trường bất động sản Hải Dương thời gian qua đã rục rịch có giao dịch nhưng vẫn ở trạng thái trầm lắng. Trong đó, giá đất nền đang giảm 20 - 30% so với thời điểm "sốt nóng".
Hiện nay, thông tin rao bán bất động sản ở Hải Dương trên thị trường dày đặc trên nhiều trang mua bán trực tuyến. Trong đó, giá phân khúc đất nền tại các khu đô thị, đất đấu giá của tỉnh này có nhiều biến động so với đất thổ cư và căn hộ chung cư.
Theo khảo sát, nhiều lô đất đấu giá ở nhiều địa phương của Hải Dương đang ghi nhận giảm giá sâu so với thời điểm trúng. Không ít lô đất đấu giá thuộc huyện Kim Thành đang được rao bán với giá 10 - 15 triệu đồng/m2, thấp hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/m2 thời điểm thị trường sôi động.
Tương tự, nhiều lô đất nền tại Khu dân cư Cổ Dũng (huyện Kim Thành) đang được rao bán với giá 13 triệu đồng/m2, thấp hơn giữa năm 2022 khoảng 4 - 5 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, giá đất nền tại các khu dân cư có xu hướng giảm. Một số lô đất nền tại Khu dân cư Lý Đỏ (huyện Bình Giang) đang được rao bán với giá 13 - 14 triệu đồng/m2. Mức này giảm mạnh so với con số 25 triệu đồng/m2 được rao bán khi thị trường "sốt nóng".
Người dân sắp được cấp sổ đỏ online, không cần tới trực tiếp cơ quan quản lý để thực hiện
Từ ngày 20/5/2023, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ bằng hình thức online và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ký ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Khoản 6 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP) về thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử (cấp sổ đỏ online).
Cụ thể, căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.
Đối với trường hợp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trên môi trường điện tử thì cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đề xuất tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025
Phục vụ Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự thảo (dự kiến từ giữa giờ sáng đến hết chiều 7/4), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo và tờ trình về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo.
Theo đó, tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bố cục của dự thảo Luật Đất đai cơ bản được giữ nguyên như dự thảo đã được lấy ý kiến Nhân dân gồm 16 chương. Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, số lượng các mục tại một số chương và số lượng các điều đã có sự thay đổi, Dự thảo hoàn thiện sau khi tiếp thu ý kiến Nhân dân có 16 chương, 246 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều.
Về sở hữu đất đai, Dự thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến nhân dân quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Xu hướng hồi phục và chuyển biến ngành khách sạn nghỉ dưỡng trong tương lai
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, sau một giai đoạn tăng trưởng "nóng", thị trường nghỉ dưỡng đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu.
Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượt khách ấn tượng. Hình ảnh du lịch Việt Nam cũng trở nên thân thuộc và dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi bật trong Đông Nam Á, cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng "nóng", thị trường đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Dẫu vậy một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng vẫn ghi nhận kết quả hoạt động tích cực và duy trì đà phục hồi tốt. Việc hoạch định kỹ lưỡng và quản lý vận hành chỉn chu là các yếu tố tiên quyết hỗ trợ quá trình khôi phục của dự án hiệu quả hơn.
Các yếu tố lạm phát, xung đột chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành tác động đến sự phục hồi của các hoạt động du lịch. Tại Việt Nam, quá trình khôi phục diễn ra không đồng đều. Công suất phòng của các khách sạn tại TP.HCM đang dần phục hồi về mức trước đại dịch. Trong khi đó, thị trường Nha Trang và Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều thách thức; lợi nhuận hoạt động kinh doanh tại những khu vực này vẫn đang thấp hơn Bali và Phuket 40 - 60%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thuê đất trả tiền hàng năm với đất thương mại, dịch vụ - Liệu có đẩy bất động sản du lịch để bán đến bờ vực thẳm?
Nếu xem xét tổng thể lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, việc chỉ áp dụng một hình thức duy nhất là cho thuê đất trả tiền hàng năm với đất thương mại, dịch vụ, thì cái khó đang bị đẩy về phía doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tạo ra sự bất cân xứng về thể chế đối với loại đất "kim cương" này, tiếp tục coi nó là "con nuôi". Điều này có thể đẩy phân khúc bất động sản du lịch để bán đến bên bờ vực thẳm.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW) đã xác định một trong những định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất là: "Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước".
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới liên quan tới hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm. Bài viết đề cập tới một số nội dung liên quan tới hình thức cho thuê đất này theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (dự thảo lấy ý kiến nhân dân), đề xuất giải pháp hoàn thiện nhằm góp phần giúp hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm phát huy hiệu quả trên thực tế.