Bất động sản Long Thành: Ồ ạt bán đất tái định cư
Nếu chịu khó theo dõi thị trường thì không khó để nhận ra rằng, từ khi dự án sân bay Long Thành còn trong “trứng nước” đến khi chính thức được bấm nút thông qua và bắt đầu tiến hành khởi công, thị trường bất động sản quanh khu vực này đã xảy ra không ít cơn sốt.
Đơn cử như giai đoạn 2018 - 2019, thị trường bất động sản tại Đồng Nai không ngừng tăng nóng, giá đất ở một số khu vực đã bị đẩy tăng thêm từ 40 - 100%. Thậm chí, dịch vụ “cò đất” theo đó cũng nở rộ khi từ ông xe ôm, bà bán quán nước, đến chị bán mỹ phẩm online... cũng trở thành người môi giới đất đai. Chỉ cần người nào đó cần bán một thửa đất là có vài “cò” tìm đến đăng ký bán giúp với khoản hoa hồng phải trích lại từ 3 - 5% giá trị mảnh đất bán được.
Đã thành quy luật, có cầu ắt sẽ có cung, không ít người nông dân đã chạy theo cơn sốt, sẵn sàng từ bỏ công việc chăm sóc cây cối, ruộng vườn để cắt đất ruộng, đất vườn ra bán cho các nhà đầu tư. Phương thức mua bán lúc đó chủ yếu là thông qua những tờ giấy viết tay, sau đó ra văn phòng công chứng hoặc nhờ luật sư chứng thực chuyện mua bán.
Mặc dù ngay sau đó, chính quyền địa phương đã có nhiều động thái nhằm cảnh báo, ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, song vì lợi nhuận, nhiều người bất chấp và cho rằng đầu tư thì “lời ăn, lỗ chịu” nên vẫn lao vào cuộc chơi.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở thời điểm hiện tại, cơn “sốt” đất nguội dần, nhưng trên nhiều diễn đàn bất động sản bắt đầu rao bán đất nền, suất tái định cư sân bay Long Thành. Điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi chưa thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quy hoạch đô thị sông Hồng: Minh bạch để khơi dậy nguồn lực
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, UBND TP. Hà Nội đã ấp ủ ý tưởng về việc quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, nhằm đưa sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại. Thế nhưng sau nhiều năm, ý tưởng trên chưa thể thực hiện mà vẫn chỉ dừng ở mức đề xuất.
Hiện nay, dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống khá tạm bợ, phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà một phần nguyên nhân là do chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Thực trạng quy hoạch “lơ lửng” cũng khiến người dân ở đây luôn trong tình trạng thấp thỏm “đi không được, ở không xong”. Đồng thời, việc quy hoạch khi chưa được phê duyệt đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất. Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, một số tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục hecta đất rồi cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích… Trong khi đó, Hà Nội lại đang loay hoay phát triển trong một chiếc áo quá chật, ngổn ngang về quy hoạch và thiếu nguồn lực đất đai.
Thông tin về chủ trương Hà Nội triển khai xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, dự kiến phê duyệt trong tháng 6/2021 thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước. Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng lần này mới thành hiện thực và nhấn mạnh yếu tố quan trọng về việc thay đổi cách tiếp cận trong quy hoạch.
Thay vì quay lưng lại với sông Hồng như trước đây, Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo các không gian giá trị của trục không gian hành lang xanh, khai thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khơi dậy nguồn lực này một cách hiệu quả như kỳ vọng, Hà Nội cần giải quyết những bài toán lớn về câu chuyên quy hoạch, khai thác, sử dụng quỹ đất khổng lồ như thế nào để minh bạch và không bị lợi dụng chính sách để trục lợi?
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản Huế: Động lực từ đô thị di sản - Bài 2: Kìm nén và bung nở…
"Hệ sinh thái bất động sản chuyên nghiệp" - đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Tập đoàn Ân Nam. Bằng kinh nghiệm và với việc gặt hái nhiều thành công khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Huế cách đây hơn 10 năm, ông Châu có những nhìn nhận khá thú vị về thị trường bất động sản ở vùng đất cố đô.
Điều đầu tiên mà ông chủ Tập đoàn Ân Nam nhận định về bất động sản Huế đó là tính chuyên nghiệp của hệ sinh thái bất động sản đã thành hình. “Có thể thấy, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ở Huế đang ngày một rõ rệt. Các nhà đầu tư trên cả nước đến với Huế chứ không phải một vài nhóm nhỏ lẻ. Hiện nay một loạt các công ty, các nhà phân phối bất động sản lớn như Thắng Lợi, Đà Thành, Sen… đã bắt đầu đặt văn phòng tại Huế. Hoạt động bán hàng, quảng bá, giao dịch và thị trường cũng đi vào chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Minh Châu nói.
Cũng theo ông Châu, những tập đoàn lớn như FLC, Vingroup đã khảo sát, đầu tư ở Huế. Đây là những tín hiệu rất khả quan và là nền tảng tạo nên hệ sinh thái chuyên nghiệp lâu dài cho Huế, bởi qua đó sẽ “kích” lên các lĩnh vực khác như du lịch, nghỉ dưỡng…
“Một trong những lý do để Huế thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư lớn, là trong 15 năm qua, lĩnh vực bất động sản trải qua 2 cuộc khủng hoảng, nhưng Huế hầu như không chịu tác động lớn. Chỉ có thể là thị trường lên nhanh hay chậm chứ không có đi xuống. Cùng với đó, sức mua trong dân vẫn còn rất cao, mua mà phải vay ngân hàng thì ít. Nền tảng của địa phương là sẵn có, rất rõ. Do vậy, những sự án bất động sản quy mô 20 - 30ha đều bán được hàng”, ông Châu nói thêm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cơn sốt đất nền vùng ven TP. Vinh và những chiêu trò thổi giá
Đất nền các xã vùng ven TP. Vinh đã có dấu hiệu tăng nhẹ từ trước Tết nguyên đán sau khi đề án mở rộng quy hoạch TP. Vinh đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt.
Cùng với đó, việc cầu Cửa Hội sắp hoàn thành, kết hợp dự án đường ven biển đoạn Nghi Lộc - Cửa Lò đang được triển khai là những "bảo chứng" để giới cò đất tranh thủ nắm bắt cơ hội thổi giá, khiến thị trường bất động sản (BBS) những địa phương có dự án đi qua tăng nhiệt.
Một số xã vùng ven TP. Vinh như Hưng Lộc, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Phong, Nghi Thái… giá đất nền tăng một cách "chóng mặt". Hàng ngày, các nhà đầu tư BĐS nhỏ lẻ và giới cò đất nườm nượp đổ về các địa phương này.
Theo khảo sát, giá đất ở đây không chỉ tăng theo ngày mà còn tăng theo từng giờ. Có những lô đất buổi sáng được rao bán với giá 5 - 6 triệu/m2 thì buổi chiều đã tăng lên 7,5 - 8 triệu/m2. Sự "tăng nhiệt" ở các vùng này cũng thể hiện rõ 2 tháng trước và sau Tết nguyên đán.
Cụ thể, theo anh Nguyễn Anh Tiệp, một nhà đầu tư đã có thâm niên trong giới BĐS ở TP. Vinh cho biết, đất mặt đường 72m đoạn gần UBND xã Nghi Phong, trước Tết có giá 24 - 25 triệu/m2 thì nay có giá 28 - 29 triệu/m2, vùng lân cận trước Tết giá trung bình 4,5 - 5 triệu/m2, sau Tết đã tăng lên 7 - 8 triệu/m2.
Ngoài ra, các vùng như Nghi Đức, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Kim đất tăng từ 2 - 3 giá so với trước Tết. Chẳng hạn như đất trục đường chính ở Nghi Thái hiện có giá khoảng 12 triệu/m2, các đường nhánh tầm 6 - 7 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng, thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, về việc thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung, hiện nay TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017 về phát triển quỹ nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn thành phố để hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, thành phố chọn thí điểm một số công trình, dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của TP. Hà Nội trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.
Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất).