Aa

Bất động sản 24h: “Ngược dòng“ thị trường, căn hộ dịch vụ đến thời hoàng kim

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 08/06/2023 - 10:12

Giá đất nên là một phạm vi điều chỉnh của Luật Giá; "Ngược dòng" thị trường, căn hộ dịch vụ đến thời hoàng kim... là những thông tin bất động sản đáng ý chú trong 24h qua.

Không nỗ lực hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục “gục ngã“ trước khi có cơ hội hồi phục

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, nếu không nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp ở bối cảnh hiện tại thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp gục ngã trước khi có cơ hội hồi phục. Quan trọng hơn là sức khoẻ nền kinh tế sẽ suy giảm mạnh.

Trong gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh. Với những doanh nghiệp còn trụ lại, 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động; 80,7% dự kiến giảm doanh thu.

Đó là những "con số biết nói" được in đậm trong Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố hôm 26/5.

phục hồi kinh tế

Hay mới đây, Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 cũng cho biết, cả nước có 55.200 doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; khoảng 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Riêng trong tháng 5, hơn 5.360 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giảm 25,1% so với tháng trước, tăng 8,1% so với năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể là hơn 4.700 doanh nghiệp, còn doanh nghiệp đã phá sản là hơn 1.200 cơ sở.

Như vậy, chỉ trong 5 tháng qua, cả nước có khoảng 88.000 doanh nghiệp đóng cửa, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp ra khỏi thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Ngược dòng" thị trường, căn hộ dịch vụ đến thời hoàng kim

Bất chấp sức ép từ thị trường chung, loại hình căn hộ dịch vụ đang duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh cùng với sự đổ bộ của các “đại bàng” FDI. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nóng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh cũng dự báo sẽ khốc liệt hơn.

Sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19, đầu tháng 6/2023, anh Hoàng Quốc Lâm, Việt kiều Singapore, trở lại Việt Nam làm việc. Sau thời gian cân nhắc, anh quyết định thuê căn hộ dịch vụ 1 phòng ngủ tại tòa Nikko Saigon (quận 1, TP.HCM), giá gần 70 triệu đồng/tháng.

“Sau hơn 2 năm trở lại, giá thuê căn hộ dịch vụ tại TP.HCM khiến tôi khá bất ngờ vì tốc độ tăng nhanh. Ở phân khúc cao cấp hiện không có nhiều sự lựa chọn ở vùng giá trên dưới 2.500 USD”, anh Lâm chia sẻ.

Khảo sát cho thấy, dù giá tăng, nhưng tỷ lệ lấp đầy tại Nikko Saigon đang rất cao, dao động trong khoảng 85 - 89%, khách thuê chủ yếu là chuyên gia nước ngoài. Thời gian lưu trú trung bình từ 6 - 12 tháng, giá thuê 2.800 - 4.200 USD/tháng, tùy diện tích.

Cũng nằm trên địa bàn quận 1, khu căn hộ dịch vụ Sedona Suites cũng đang có tỷ lệ lấp đầy trên dưới 90%. Giá thuê cũng tăng trung bình 70 - 250 USD/căn (khoảng 10%) so với thời điểm tháng 4/2019, thời điểm chưa có đại dịch Covid-19.

Theo Colliers Việt Nam, trong quý I/2023, căn hộ dịch vụ tại TP. HCM đã chứng kiến sự tăng trưởng trong giá thuê ở cả phân khúc A và B. Giá thuê hạng A dao động 2.100 - 7.700 USD/căn/tháng, hạng B dao động 1.144 - 5.297 USD/căn/tháng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Điểm nghẽn” thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh vào chiều ngày 6/6, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến vấn đề quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm: đất ở, đất canh tác sản xuất...

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những vẫn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết đây là vấn đề lớn và là nhu cầu thực tế. Qua rà soát, nhu cầu đất ở là trên 24.000 hộ và đất sản xuất là trên 43.000 hộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng quyết định 1719 với chỉ tiêu năm 2025 giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân, tập trung vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất, chưa được hỗ trợ bất cứ chính sách nào. Giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết 40% còn lại.

Riêng về đất sản xuất, theo thống kê ở một số địa phương còn quỹ đất để lập khu vực sản xuất tập trung cho bà con. Dù vậy, cũng có địa phương không còn quỹ đất để bố trí. Hiện nay, Chính phủ cũng có chính sách giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quỹ đất của nông, lâm trường để dành một phần bố trí cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhưng chậm. Thời gian tới chúng tôi cùng với bộ, ngành sẽ đẩy mạnh rà soát công việc này", Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng phản ánh về những bất cập trong việc giao đất cho đồng bào sản xuất, trong đó có trường hợp giao đất cho đồng bào nhưng đất sản xuất không đủ điều kiện cơ bản khiến đồng bào không sản xuất được rồi bỏ. Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, bán, sang nhượng đất của người dân sau khi được giao cũng diễn ra phổ biến.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nha Trang hướng đến thành phố du lịch mang tầm vóc Đông Nam Á

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, hướng đến trở thành thành phố mang tầm vóc quốc gia và Đông Nam Á.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch TP. Nha Trang có tổng diện tích tự nhiên hơn 26.736ha. Trong đó, phạm vi thuộc TP. Nha Trang có diện tích tự nhiên 25.422ha và phạm vi nghiên cứu thuộc huyện Diên Khánh có diện tích 1.314ha (thuộc thị trấn Diên Khánh và các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp, Diên Phú).

Theo mục tiêu phát triển, TP. Nha Trang đóng góp tích cực vào việc hiện thực hóa tầm nhìn phát triển chung của tỉnh trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch. Trong đó, TP. Nha Trang là một đô thị biển đảo, xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc gia và quốc tế, gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, sinh thái đặc sắc. Bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Trong định hướng phát triển toàn tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Nha Trang được định hướng duy trì là thành phố trong thành phố Khánh Hòa.

Về tính chất, TP. Nha Trang sẽ là đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế; trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và y tế của tỉnh; trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo và y tế của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, TP. Nha Trang là trung tâm du lịch thương mại – tài chính dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá đất nên là một phạm vi điều chỉnh của Luật Giá

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét giá đất là một phạm vi điều chỉnh của Luật Giá, đừng cố tạo ra một ngành mới.

Theo chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua Dự thảo Luật Giá và cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Dự thảo Luật Giá 2023, định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ (Luật Giá 2012 cũng quy định tương tự). Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định theo chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, do doanh nghiệp thẩm định giá, Hội đồng thẩm định giá thực hiện.

Với quy định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp khi áp dụng phương pháp định giá chung có nội dung đặc thù cần hướng dẫn, cơ quan nhà nước xây dựng nội dung cụ thể, có văn bản gửi Bộ Tài chính xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Dự thảo cũng quy định việc định giá của Nhà nước đối với giá đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các quy định tại Luật Giá 2012 tương xứng với Luật Đất đai 2003, trong đó Chính phủ quy định về khung giá đất; khung giá cho thuê mặt nước; khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. Như vậy, “giá đất” của Luật Đất đai vẫn thuộc phạm điều chỉnh của Luật Giá 2012.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top