Chịu không nổi, đại gia Hà Nội bán rẻ khách sạn trăm tỷ ở Đà Nẵng cắt lỗ
Theo khảo sát, ra Tết, các khách sạn khu vực ven biển ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn được rao bán nhiều hơn cả.
Trên một trang quảng cáo nhà đất, có tới hàng chục thông tin rao bán khách sạn ở Đà Nẵng được đưa lên trong ngày 22/2. Đơn cử, một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp có diện tích 600 m2, cao 19 tầng với 125 phòng lưu trú và 2 phòng hội nghị được rao bán giá 440 tỷ đồng.
Tương tự, trên các tuyến đường như Hà Bổng, Trần Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương,... nhiều khách sạn cũng rao bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Anh Hoàng Lâm chủ một khách sạn trên đường Trần Bạch Đằng, cho biết, không chỉ riêng anh, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực lưu trú tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề.
"Mặc dù đã cố gắng cầm cự, cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động, tuy nhiên do nguồn vốn cạn kiệt, các chủ sở hữu buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng. Việc rao bán khách sạn không thể tránh khỏi khi nguồn thu không có mà chi phí vận hành bỏ ra mỗi ngày lớn”, anh Lâm chia sẻ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhan nhản nhà đầu tư F0, TTCK trải qua một năm “điên rồ“
Thị trường chứng khoán 2020 đã mang tới những thái cực cảm xúc khác nhau cho các nhà đầu tư. Khi đỏ lửa, khi trỗi dậy phục hồi đầy ngoạn mục hay liên tiếp biến động theo từng phiên, “nhạy cảm” với thông tin về dịch Covid-19… là những hình ảnh về thị trường chứng khoán 2020, và đang tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đầu năm 2021.
Còn nhớ vào hồi cuối tháng 1/2020, khi thông tin Covid-19 xuất hiện, phản ứng của các nhà đầu tư đã tạo ra sự sụt giảm nhanh chóng và chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát dịch thành công đã đưa TTCK phục hồi ngoạn mục.
Kịch bản này tiếp tục lặp lại vào những ngày đầu năm 2021, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thị trường chứng khoán lập tức đỏ lửa với làn sóng thất vọng của các nhà đầu tư. Nhưng một màn đảo chiều đã nhanh chóng xuất hiện ngay sau đó khiến không ít nhà đầu tư rủng rỉnh chốt khoản lời lớn.
Nhìn nhận về bức tranh chứng khoán năm 2020 và hiện tại, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI đã phải cho rằng, thị trường chứng khoán mang đầy cảm xúc và “tính con người nhiều hơn”. Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset, thì gọi 2020 là năm “điên rồ” khi thị trường chứng khoán có thời điểm ghi nhận cú tụt giảm sâu rồi tăng mạnh hiếm có. "Năm Covid thứ nhất" ghi nhận một quãng thời gian khắc nghiệt, với chỉ số VN-Index tụt từ trên 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3/2020. Lo ngại về kịch bản năm 2007 - 2008 sẽ tái diễn trong bức tranh 2020 - 2021 đang được dấy lên trong bàn luận của giới phân tích tài chính. Viễn cảnh thị trường chứng khoán quay trở lại giai đoạn nguyên thuỷ đang trở thành chủ đề được bàn tán.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nguồn cung - cầu vaccine Covid-19 và ý nghĩa đối với kinh tế Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ hai và vẫn diễn biến phức tạp, đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đến hoạt động kinh tế - xã hội. Đến hết ngày 23/2/2021, đã có gần 113 triệu người nhiễm Covid-19 và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người, nhiều quốc gia vẫn đang phải áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sức khỏe và sinh mạng người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Có thể nói, vaccine Covid-19 đang được coi là hy vọng lớn và cũng là giải pháp căn cơ để kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sớm vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh, nguồn cung, cơ chế phân phối và tiêm vaccine như thế nào là vấn đề đáng quan tâm.
Tiếp theo Báo cáo tiến trình nghiên cứu, sản xuất vaccine và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế đã công bố; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã thực hiện Báo cáo tiến trình cung ứng vaccine và vai trò của nó trong phục hồi kinh tế với 4 nội dung chính: (i) Cập nhật tiến trình sản xuất vaccine tới tháng 2/2021; (ii) Đánh giá về cung - cầu vaccine Covid-19 trong năm 2021-2022; (iii) Vai trò của vaccine đối với phục hồi kinh tế; và (iv) Một số hàm ý đối với Việt Nam.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP. Thủ Đức chiếm tới 65% tổng lượng giao dịch nhà đất tại TP.HCM
Ở góc độ là chuyên gia quan sát thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng, hiện nay TP.HCM đang rơi vào tình trạng khan hiếm về nguồn cung và khó khăn về pháp lý nên các chủ đầu tư có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng cao, có khả năng bán hàng nhanh thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào.
“Đây là bức tranh chúng ta thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng… Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang khó khăn”, ông Kiệt nhận định.
Cũng theo ông Kiệt, TP.HCM vẫn còn tiềm năng phát triển bất động sản bởi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao. Khi các yếu tố về pháp lý ở thị trường này được tháo gỡ, các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tại sao người dân đổ xô đi làm giấy tờ đất đai trước ngày 1/3?
Theo Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 quy định về việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất (Nghị định 79) của Chính phủ; các hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2016 mà chưa thanh toán thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021.
Từ ngày 1/3/2021, các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất mà chưa thanh toán thì sẽ phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
Vì vậy, để đảm bảo việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận các hộ gia đình, cá nhân lưu ý rà soát, xem kỹ trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình có còn được ghi nợ tiền sử dụng đất không.