Nhiều cơ hội cho dòng vốn ngoại chảy vào thị trường BĐS Việt Nam
Trước diễn biến sôi động của thị trường BĐS nói chung và dòng chảy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS Việt Nam nói riêng, những năm gần đây, để thu hút các nhà đầu tư ngoại, Chính phủ đã ban hành những quy định thực sự cởi mở, thậm chí còn được coi là một trong những luật cởi mở nhất so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Đơn cử như chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Những nỗ lực này của Chính phủ và Nhà nước, cùng với quyết tâm của chính quyền nhiều địa phương trong việc xử lý các dự án FDI BĐS “treo” nhằm để dành đất cho các dự án mới, là cách tiếp cận phù hợp nhất trong tình hình hiện nay đối với FDI BĐS.
Mặc dù còn bộc lộ một số hạn chế trong quá trình đầu tư, song với các động thái tích cực nêu trên cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2020, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường BĐS Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới với FDI BĐS để nguồn vốn này được đảm bảo thực hiện hiệu quả và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.
BĐS nghỉ dưỡng "phi truyền thống": Phương thức hữu hiệu để giải quyết bài toán tìm vốn từ dân
Dự báo về khả năng phát triển của thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian tới, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, condotel vẫn đang và sẽ là phân khúc có khả năng phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Loại hình đầu tư này sẽ là phương thức mang lại hiệu suất, hiệu quả đầu tư cao và ổn định.
Theo ông Võ, so với đầu tư "truyền thống", điểm khác biệt đáng kể của phương thức đầu tư "phi truyền thống" là chủ đầu tư phát triển dự án với sự chung vốn của những nhà đầu tư cá nhân muốn sở hữu một đơn vị BĐS nào đó trong dự án. Nhà đầu tư cá nhân có thể mua đơn vị BĐS mình quan tâm khi đã hoàn thành hoặc còn đang trên giấy.
Phương thức này có hình thức giống như các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Chỉ khác ở chỗ, mục đích sử dụng của BĐS du lịch, nghỉ dưỡng không phải nhằm đáp ứng cho nhu cầu sử dụng hoàn toàn của chủ sở hữu mà được tiếp tục đưa vào kinh doanh. Đây cũng chính là điểm mạnh hơn của các dự án đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng so với các dự án đầu tư nhà ở. Về nguyên tắc, phần BĐS đáp ứng nhu cầu kinh doanh càng lớn thì thị trường càng phát triển.
Phân khúc biệt thự/nhà phố sẽ phát triển vượt bậc vào năm 2017
“Phân khúc biệt thự/nhà phố được kỳ vọng sẽ phát triển vượt bậc trong năm 2017, nhờ việc bám sát hơn với nhu cầu của người ở thực. Diện tích vừa phải, mức giá phải chăng hơn sẽ giúp tăng nhanh tính thanh khoản thời gian tới”, ông Phạm Văn Đại, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TP. HCM trao đổi với phóng viên Reatimes.
Theo ông Đại, phân khúc căn hộ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017, đặc biệt tại các dự án nhà ở cho người thu nhập trung bình. Ngoài ra, các căn hộ thực sự cao cấp sẽ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ tầng lớp cư dân khá giả đang hình thành nhanh chóng trong cấu trúc dân cư đô thị. Đồng thời, nếu các yếu tố vĩ mô được giữ ổn định, nguồn cầu sẽ tiếp tục gia tăng mạnh từ đối tượng mua là người nước ngoài.
Thị trường BĐS bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động như đã diễn ra trong năm 2016. Đặc biệt, phân khúc văn phòng cho thuê sẽ rất hấp dẫn khi công suất hoạt động và giá thuê đều đang ở mức lợi thế rất cao so sánh với các nước trong khu vực.
Hạ tầng giao thông tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của thị trường BĐS
Nhận định về câu chuyện hạ tầng giao thông và mối quan hệ với thị trường BĐS, các nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam nên “thử sức” với mô hình phát triển BĐS quanh các điểm trung chuyển giao thông công cộng để vừa giải quyết được bài toán hạ tầng vừa “nâng tầm” các sản phẩm BĐS.
Mô hình phát triển quanh điểm trung chuyển (TOD) có thể là một hướng đi mới, chủ đạo trong tương lai với các hạng mục như nhà ở, văn phòng, bán lẻ, bến đỗ xe phát triển ở khu vực lân cận các trạm trung chuyển. Mô hình này đã diễn ra tại các nước trong khu vực và tạo ra sự gia tăng đáng kể về giá trị BĐS khu vực lân cận các trạm trung chuyển, ví dụ Trung Quốc (10%), Hồng Kông (32%), Thái Lan (10%).
Xu hướng tương tự được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra ở TP. HCM và Hà Nội với các tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được đưa vào vận hành trước năm 2020, dù vậy biên độ tăng giá có thể không đồng đều và có xu hướng cao hơn tại các điểm trung chuyển xa trung tâm.
Condotel - Sản phẩm thời thượng chông chênh pháp lý
Chia sẻ với đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư cùng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn C.E.O cho biết, hiện tại, các quy định pháp luật liên quan tới bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel ven biển nói riêng chưa đầy đủ, còn có những cách hiểu khác nhau, áp dụng chính sách khác biệt giữa các địa phương, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư.
Về quy hoạch, theo ông Bình, thông thường, đất tại các khu vực ven biển được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ. Với đề xuất condotel ven biển được xây dựng trên đất ở không hình thành đơn vị ở, Chủ tịch C.E.O đề nghị đưa nội dung “đất ở không hình thành đơn vị ở” của condotel ven biển vào quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của bãi biển khu vực dự án với một tỷ lệ nhất định thành đất ở (ví dụ, tỷ lệ là 15% tổng diện tích đất dự án – ông Bình đề xuất).