Aa

Bất động sản 24h: Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất

Thứ Sáu, 13/12/2019 - 10:30

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất; Bất động sản phía Nam: Năm 2020, vùng ven vẫn là tâm điểm... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất

Ăn theo cơn sốt sân bay Long Thành và cầu Cát Lái, đất đai tại huyện Nhơn Trạch có nơi tăng giá lên đến 300% nhưng nhà đầu tư vẫn vác tiền đi mua.

Ba năm gần đây, giá đất tại Nhơn Trạch được đẩy lên chóng mặt do ảnh hưởng từ cơn sốt sân bay Long Thàn, Đồng Nai. Đáng chú ý là từ khi xuất hiện thông tin Thủ tướng chấp thuận cho Đồng Nai đầu tư xây cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch và Quận 2 thì giá đất tại đây lại càng được đẩy lên chóng mặt.

Nhà đầu tư vác từng bao tải tiền đi đổ vào đất

Bất chấp thị trường đang nhiễu loạn về khung pháp lý, xuất hiện nhiều dự án kiểu Alibaba nhưng một điều lạ là lượng giao dịch mua bán tại khu vực này gần như không chịu ảnh hưởng. Những ngày cận Tết Nguyên đán, ghi nhận tại các phòng công chứng và các khu vực phân lô bán nền, khách hàng đến giao dịch mua bán và làm thủ tục đăng bộ rất đông đúc. Thậm chí, có những nhà đầu tư mang vài bao tải tiền để mua 5-7 lô đất/1 lần vì sợ qua năm giá tăng quá cao sẽ mất một khoản tiền chênh lệch lớn.

“Thị trường ở đâu ảm đạm thì không biết chứ tôi thấy ở đây ngày nào cũng có cả mấy trăm người đến lùng mua đất. Tôi phải tranh thủ mua chứ không qua năm lại vọt lên thì tiếc lắm”, một nhà đầu tư cho hay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quy định khung giá đất có thực sự cần thiết?

Thực tế hiện nay, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường. Tương tự, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Bên cạnh đó, trước những biến động của thị trường qua từng năm, việc thay đổi khung giá đất được cho là cần thiết.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đề xuất tăng khung giá đất bình quân 15% thay vì 30% như trước đó.

Qua khảo sát thực tế, giá đất giao dịch ở khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào trên thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với giá đất niêm yết. Cụ thể, giá niêm yết tại các con phố này cao nhất ở mức 162 triệu đồng/m2, tuy nhiên giá bán phổ biến lại lên đến 500 - 800 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi 1 tỷ đồng/m2.

Còn tại TP.HCM, giá đất trong bảng giá được ban hành từ năm 2015 chỉ bằng 15% giá thị trường. Do vậy, thành phố đề xuất phương án xây dựng bảng giá đất bằng 41% so với giá thị trường và bằng với khung giá dự thảo của Chính phủ.

Cụ thể, tại TP.HCM hiện nay, 3 tuyến đường có giá cao nhất là Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) đang áp dụng mức tối đa của khung giá đất được ban hành là 162 triệu đồng/m2. Sau khi áp dụng khung giá mới, giá đất thị trường ở khu vực này có nhiều điểm có thể cao gấp 3, 4 và thậm chí 5 lần mức ban hành.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Năm 2020, các chủ đầu tư chịu nhiệt kém sẽ rời bỏ cuộc chơi"

Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2019 (Vres 2019) do batdongsan.com.vn tổ chức sáng ngày 12/12, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển trên cơ sở các chỉ số kinh tế đều ấn tượng như GDP tăng trưởng tốt nhất trong vòng 9 năm qua, CPI tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản lớn thứ 2, đạt 3,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, khó khăn mà thị trường phải đối mặt là việc Chính phủ siết chặt việc cấp phép cho các dự án mới và việc điều chỉnh hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản. Do đó, số lượng dự án hoàn thành giảm mạnh trong năm 2019. Trái ngược với sự sụt giảm số dự án được cấp phép, bất động sản vẫn hấp lực mạnh mẽ mối quan tâm của người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land: “Năm 2019, thị trường có một điểm nghẽn là mất cân đối cung - cầu trên thị trường. Năm 2020 tác động này tiếp tục diễn ra. Các doanh nghiệp phải đối mặt, củng cố và nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư thêm nguồn lực năm bắt cơ hội, với các chiến lược dài hơn với tầm nhìn 10 năm trở nên mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững”.

Cũng theo bà Hương, năm 2020 là năm thị trường bất động sản có sự sàng lọc mạnh. Các chủ đầu tư chịu nhiệt kém sẽ rời bỏ cuộc chơi và nhường lại sân chơi cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Các dự án có tính pháp lý đầy đủ các chủ đầu tư có năng lực để triển khai dự án theo cam kết và chất lượng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với hoàn thiện cảnh quan cảnh quan tiện ích sẽ được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vì sao cơ hội sở hữu nhà của người Việt Nam ngày càng khó?

Với người Việt Nam, nhà ở có vai trò hết sức quan trọng. Đó không đơn thuần chỉ là nơi ở, mà nó còn là tổ ấm, bởi an cư thì mới lạc nghiệp. Thế nhưng, việc có được một căn nhà nhỏ, một chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn đang là một ước mơ rất xa xỉ đối với nhiều người.

Chị Nguyễn Ngọc Thuyết (Thái Bình) chia sẻ: "Lương 2 vợ chồng mình khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng cả 2 vẫn cố "cày" để có thể mua một căn nhà, cho con cái có nơi vui chơi thoải mái và cũng để có 1 tổ ấm nho nhỏ ". Nhưng đến nay, theo chia sẻ của chị Thuyết, dù đã tích cóp được một khoản nhưng anh chị vẫn chần chừ chưa chọn mua.

Chị Thuyết tâm sự: “Nếu có kiểu nhà ở thu nhập thấp thì không biết mình có mua được hay không, không biết giá nó như thế nào, chất lượng có ổn không. Lo chứ sao không. Giờ mình có cháu sắp gửi vào nhà trẻ rồi. Ở Hà Nội vẫn là nhà trọ chật hẹp quá, không tốt cho sinh hoạt của bé, đó là chưa kể không có hộ khẩu Hà Nội thì tiền đâu cho con học trường tư.

Nhà thì ai lại không mong nhưng với không nổi thôi, vay lớn quá cũng không dám vay. Ước mong làm sao để có cái nhà nho nhỏ khoảng năm chục mét vuông thôi cũng được, chứ không cần đến miếng đất lớn. Lớn hơn gấp đôi cái phòng trọ này cũng rất là tốt rồi".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản phía Nam: Năm 2020, vùng ven vẫn là tâm điểm

Năm 2019, thị trường bất động sản phía Nam chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ từ giá cả, phân khúc thị trường, đến các khu vực. Phân khúc nào sẽ lên ngôi, khu vực nào sẽ trở thành “bệ phóng” cho thị trường năm tới là điều thu hút sự quan tâm.

Theo phân tích của các chuyên gia, TP.HCM từ lâu vẫn luôn là đầu tàu cho toàn thị trường bất động sản phía Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, bất động sản tại TP.HCM không ngừng tăng giá. Điều này theo các chuyên gia, là câu chuyện mang tính tất yếu, bởi nhu cầu nhà ở luôn vượt gấp nhiều lần nguồn cung, đó là chưa kể trong suốt thời gian qua, nguồn cung bị “bó chân” bởi thủ tục bị siết chặt.

Song cũng chính vì giá tăng quá cao, nên hoạt động đầu tư bất động sản tại thị trường TP.HCM đang có nhiều rủi ro và vượt quá khả năng của nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn tầm trung.

Thị trường bất động sản TP.HCM bây giờ không mang tính cục bộ nữa, mà phát triển ra Vùng TP.HCM. Như vậy, nguồn cung của các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... đều là nguồn cung bổ trợ cho Vùng TP.HCM. Do đó, về tổng quan, thị trường đang có sự trợ lực từ các vùng giáp ranh, bổ trợ cho cả đầu tư và an cư. Và câu chuyện hạ tầng, kết nối TP.HCM với các vùng lân cận sẽ là yếu tố quan trọng, mang lại giá trị bền vững chứ không chỉ sang năm 2020.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top