Hết thời đầu cơ, đất nền ăn theo quy hoạch giảm tiền tỷ chờ khách mua dịp cận Tết
Đất nền tại những khu vực từng nhộn nhịp giao dịch rơi vào "bất động" thời điểm cận Tết Nguyên đán, thậm chí nhiều mảnh đất đã giảm giá đến tiền tỷ.
Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, giá đất nền tại nhiều khu vực từng "sốt nóng" trong thời gian qua đang có xu hướng hạ nhiệt. Đáng chú ý, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng khiến các chủ đất phải chấp nhận hạ giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng để tìm khách mua.
Thị trường bất động sản tại Hưng Yên hiện cũng rơi vào trầm lắng, không còn cảnh đất nền được giao dịch sôi động như 2 năm trước. Các mảnh đất gần khu đô thị lớn, tuyến đường quy hoạch cũng đang có sự giảm giá mạnh.
Đơn cử, lô đất rộng hơn 80m2, nằm ở đường 2 ô tô tránh nhau, gần vị trí một khu đô thị lớn tại huyện Văn Giang đang được rao bán cắt lỗ tới cả tỷ đồng. Người bán cho biết, đầu năm 2022, lô đất này được rao bán với giá 4,5 tỷ đồng, tương đương hơn 55 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện tại chủ đất đang cần tiền, muốn bán nhanh nên giảm xuống còn 3,4 tỷ đồng, tương đương 42 triệu đồng/m2, tương đương giá giảm khoảng hơn 20%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
3 điều cần nhớ khi đặt cọc mua đất dịp Tết để tránh "tiền mất, tật mang"
Để tránh bị lừa đảo hay phá cọc, người mua cần lưu ý thời gian đặt cọc càng ngắn càng tốt, chỉ nên đặt cọc dưới 20% giá trị nhà, đất. Dưới đây là những lời khuyên cụ thể.
Theo thông lệ, cuối năm thường là thời điểm nhu cầu mua nhà tăng bởi nhiều người có thêm thu nhập, nhận lương thưởng, cũng là dịp không ít người muốn bán nhà để có nguồn vốn lớn.
Chính vì sự nhộn nhịp mua bán nhà, đất cuối năm nên không ít hình thức lừa đảo, chiêu trò tinh vi xuất hiện, trong đó phổ biến nhất là lừa đảo tiền đặt cọc.
Làm sao để đặt cọc mua nhà, đất tránh được rủi ro, phiền phức?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có điều khoản nào bắt buộc các bên giao dịch mua bán nhà, đất phải đặt cọc.
Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo đó một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) khoản tiền hoặc tài sản trong thời hạn nhất định nhằm xác nhận việc thống nhất ý chí giữa các bên và để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Siết" đặt cọc bất động sản, thận trọng không làm trái pháp luật dân sự
Trong dự thảo mới nhất Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất "khống chế" thời điểm nhận và mức đặt cọc tối đa, chủ đầu tư hầu như không còn khả năng nhận tiền đặt cọc để giữ khách mua nhà.
Ngày 28/12/2022, Bộ Xây dựng đã trình Bộ Tư pháp bản dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để phục vụ thẩm định. Bản dự thảo lần này có một số điểm mới so với các dự thảo trước mà tiêu biểu là quy định về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Phương án này đã tiếp thu kiến nghị từ một số doanh nghiệp, Hiệp hội nhằm ngăn ngừa tình trạng chủ đầu tư lợi dụng việc đặt cọc để huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng và trên thực tế đã nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện khi chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ ký kết hợp đồng mua bán, bàn giao nhà.
Tại dự thảo mới nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo đã "luật hóa" hoạt động đặt cọc, quy định chủ đầu tư chỉ được nhận tiền đặt cọc để bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai sau khi đáp ứng điều kiện rất chặt chẽ; đồng thời tiền đặt cọc không được vượt quá 5% giá trị được mua bán. Phương án này gây ra nhiều ý kiến tranh luận, cả về tính pháp lý lẫn tính thực tiễn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 1 mục mới (mục 3, từ Điều 24 đến Điều 26) quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.
Cụ thể, theo dự thảo, đối với đất đai, công dân có quyền:
1- Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về đất đai theo quy định của pháp luật.
2- Tham gia góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3- Tham gia góp ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4- Giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.
5- Tham gia quản lý nhà nước, thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai.
6- Quyền về bình đẳng, bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
7- Tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất; đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quá nhiều thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp không muốn làm dự án nhà ở xã hội
Chính phủ và Bộ Xây dựng đang quyết liệt tìm cách tháo gỡ khó khăn, song việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn chưa khởi sắc.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, cả năm 2022 thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn. Tình trạng lệch pha cung cầu cũng xuất hiện khi căn hộ giá dưới 20 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi khu vực trung tâm những thành phố lớn.
Tại Hội nghị "Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023" của ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ chú trọng khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, đồng thời khuyến khích phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn của người dân như nhà ở xã hội.
Thực tế, tình trạng lệch pha cung - cầu trên thị trường bất động sản đang ở mức cao. Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, năm 2022, Sở đã xác nhận đủ điều kiện huy động sản phẩm hình thành trong tương lai cho 25 dự án với tổng số là 12.147 căn. Đáng chú ý là phân khúc cao cấp chiếm đến 78,3%, phân khúc trung cấp là 21,7% và không có phân khúc bình dân.