Aa

Bất động sản 24h: Đất thổ cư: Miếng ngon chẳng bao giờ “lỗi vị”

Thứ Sáu, 18/06/2021 - 10:30

Đất thổ cư: Miếng ngon chẳng bao giờ “lỗi vị”; Nghị định 52 gia hạn nộp thuế có thực sự là “vaccine“ giúp doanh nghiệp chống Covid-19?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Đất thổ cư: Miếng ngon chẳng bao giờ “lỗi vị”

Bất chấp những ngày Hà Nội ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Nguyễn Quang Minh (Gia Lâm, Hà Nội) cùng những người cộng sự vẫn miệt mài thăm dò thị trường và tìm kiếm quỹ đất thổ cư mới. Nhà đầu tư này cho rằng, đây chính là thời điểm vàng để kiếm quỹ đất đẹp, giá rẻ để chuẩn bị cho chiến dịch bung hàng khi thị trường sôi động trở lại.  

Là một người có hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, từng kinh qua hàng loạt các sản phẩm như đất thổ cư, nhà biệt thự, shophouse, đất nền dự án… nhưng  trong giỏ hàng đầu tư của ông Minh không thể thiếu đất thổ cư.

Phân tích về lý do đất thổ cư luôn hiện hữu trong giỏ hàng, ông Minh cho biết: "Biệt thự là dòng sản phẩm "kén" khách vì mức giá cao, diện tích lớn. Shophouse dù tính thanh khoản tốt nhờ khả năng kinh doanh nhưng ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, sản phẩm này gần như thất thế vì "đóng băng". Trong khi đó, đất nền dự án cũng được đánh giá tốt vì tính thanh khoản cao nhưng tỷ suất sinh lời thực tế lại thấp. Nhà đầu tư bỏ tiền vào đất nền dự án sẽ phải phụ thuộc vào chủ đầu tư rất lớn như về tính pháp lý, thông tin quảng cáo dự án cũng như không chắc chắn được về tiến độ của dự án".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nghị định 52 gia hạn nộp thuế có thực sự là “vaccine“ giúp doanh nghiệp chống Covid-19?

Sáng 17/6, tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất", các chuyên gia đều có chung nhận định, Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ được xem là "liều thuốc" quý giá giúp doanh nghiệp "hồi sức" trong bối cảnh bị "đuối sức" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định cần thay đổi một số ý để có thể hỗ trợ thêm nữa cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, Nghị định 52 đang vướng mắc ở 3 vấn đề.

Thứ nhất, việc hoãn nộp thuế không phải là miễn thuế, doanh nghiệp cần nắm bắt điểm này để có những tính toán cân đối tài chính và phương án kinh doanh, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi khôi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp lo lắng thời gian này họ cần một lượng tiền để cầm cự kinh doanh hoặc hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh, nhưng sau khi thời hạn giãn nộp thuế đã hết và thời điểm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế lại rơi vào ngay cuối năm 2021 thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Đặc biệt, nếu kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn phức tạp thì doanh nghiệp lại tiếp tục chịu khó khăn này, vì thế không ít doanh nghiệp ngần ngại việc có nên thụ hưởng chính sách này hay không.

Thứ hai, nếu nhìn rộng hơn thì phải đặt câu hỏi, trong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành, Nghị định 52 có phải là tất cả không? Ông Hiếu cho rằng, Nghị định này không phải là tất cả. Theo ông phân tích, nếu so sánh với các chính sách chung hỗ trợ doanh nghiệp thì Nghị định 52 mới chỉ giải quyết một phần khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng chính sách như mục tiêu và ý nghĩa mà chính sách đã ban hành. Ví như về hoãn tiền thuê đất, rất nhiều doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất một lần thì đối tượng thụ hưởng chính sách này đã giảm đi. Tương tự, khi kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp sẽ không thụ hưởng được thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Tín hiệu mới về gỡ khó quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Tính đến tháng 5/2021, trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu mét vuông. Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 ngàn căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông).

Nhà ở xã hội khó phát triển một phần nguyên nhân là do thiếu quỹ đất. (Ảnh: Internet)

Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu là do tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi; chưa giải phóng xong mặt bằng. Thực trạng này dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội… Nhóm nguyên nhân thứ hai là do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.

Riêng tại Thủ đô, giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu xây dựng khoảng 6,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội thì đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 62 dự án (gồm 59 dự án nhà ở xã hội và 3 dự án nhà ở thương mại có dành diện tích sàn nhà ở xã hội), đạt khoảng 4,04 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn còn rất lớn, chưa thể đáp ứng hết được mong muốn của người dân có mức thu nhập trung bình thấp. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều dự án nhà ở xã hội đang “ế” vẫn diễn ra mặc dù đã mở bán từ nhiều năm nay.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội từ cơ chế, chính sách đến quỹ đất là giải pháp đang được Bộ Xây dựng và các địa phương tích cực thực hiện. Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản 1743/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy với các nội dung liên quan đến đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ảnh hưởng của xu hướng chăm sóc sức khỏe tới thị trường bất động sản

Chăm sóc sức khỏe là một khái niệm rộng lớn, bao gồm nhiều thứ, từ mối quan tâm về vấn đề sức khỏe cho đến lo ngại về an ninh và sức khỏe tinh thần. Điều này khiến cho việc đo lường trở nên khó khăn, tuy nhiên, các sáng kiến như chứng nhận tòa nhà xanh, mô hình đánh giá sức khỏe thể chất và tinh thần đang được không ít chủ sở hữu tài sản bất động sản quan tâm và chú trọng ngày càng nhiều hơn.

Vấn đề sức khỏe và an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu khi nhân viên văn phòng bắt đầu quay trở lại làm việc sau những đợt giãn cách xã hội. Theo đó, các mối quan tâm về chăm sóc sức khỏe và xây dựng xanh có thể sẽ được ưu tiên quan tâm hơn. Trên thế giới, một số chủ sở hữu bất động sản đang áp dụng một loạt các phương pháp công nghệ, từ việc sử dụng video để giãn cách xã hội cho đến truy cập, không chạm vào thiết bị đo nhiệt để giữ an toàn cho khách thuê của họ. Bên cạnh đó, người thuê bắt đầu quan tâm đến cầu thang nội bộ, vì chúng cho phép di chuyển giữa các tầng liền kề mà không cần dùng thang máy.

Tuy nhiên, về lâu dài, khách thuê không chỉ tập trung vào mặt thể chất mà sức khỏe tinh thần của nhân viên văn phòng cũng là một vấn đề rất quan trọng. Họ muốn nhân viên được khỏe mạnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Các loại thuế người cho thuê nhà phải đóng theo quy định mới

Đầu tư cho thuê nhà, phòng trọ, căn hộ chưng cư được xem là mô hình đầu tư an toàn và bền vững, thu hút nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi hoặc có khả năng trả nợ tiền vay tốt đầu tư vào lĩnh vực này. Cho thuê nhà trọ là hoạt động kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh không cần đăng ký theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Vì thế, nếu muốn kinh doanh cho thuê nhà, căn hộ, người dân sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề cho thuê nhà trọ, không phụ thuộc vào quy mô và doanh thu bao nhiêu.

Theo quy định của Điều 33 Luật quản lý Thuế 2019, kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong thời hạn 10 ngày làm việc, người kinh doanh phải nộp hồ sơ đăng ký thuế lên cơ quan thuế. Nếu người kê khai không nộp hồ sơ đăng ký thuế sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 đồng cho tới 2.000.000 đồng.

Theo quy định tại khoản 25, Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013,  nếu kinh doanh cho thuê nhà ở, phòng trọ có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế. Còn nếu cho thuê nhà trọ, căn hộ có mức doanh thu từ một trăm triệu đồng trở lên thì sẽ phải chịu thuế.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top