Doanh nghiệp bất động sản rơi vào cơn “khát vốn”
Trong bối cảnh giao dịch trái phiếu bị hạn chế, nhu cầu huy động vốn tăng cao đã đưa doanh nghiệp bất động sản đứng trước những thách thức lớn.
Đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu “chững lại” do tác động của chính sách siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu từ phía cơ quan quản lý.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 1/2022, toàn thị trường có tổng cộng 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 25.923 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này sụt giảm mạnh so với tháng 12/2021 khi có tới tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 65.757 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm ngành bất động sản vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu trong việc phát hành trái phiếu với 14.470 tỷ đồng được huy động, chiếm 55,8% tổng giá trị phát hành của tháng đầu năm. Trong số đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Eagle Side là doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất, đạt 3.930 tỷ đồng và trái phiếu có thời hạn 1 năm. Kế đến là Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt với khối lượng phát hành đạt 1.600 tỷ đồng và trái phiếu có kỳ hạn 3 năm.
Việc các doanh nghiệp giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị phát hành trái phiếu trong tháng đầu năm nay để thích ứng với các văn bản hành lang pháp lý mới, nhằm đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Top 10 nhà cung ứng dịch vụ bất động sản tốt nhất năm 2021
Đây là kết quả Chương trình bình chọn, xếp hạng các Thương hiệu, Sản phẩm, Dịch vụ bất động sản dẫn đầu năm 2021 – 2022 do Reatimes tổ chức, được bình chọn bởi 500.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế – luật – quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – bất động sản hàng đầu của Việt Nam.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Dịch bệnh sẽ không còn là rào cản trong tiến độ giao dịch cho thuê đất KCN trong năm 2022
Mặc dù làm gián đoạn hoạt động sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng làn sóng Covid-19 thứ tư đã mang đến những bước tiến lớn trong tỷ lệ tiêm chủng và tiến đến chiến lược “Sống chung với Covid”.
Tại báo cáo phát đi mới đây, nhóm nghiên cứu Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra góc nhìn khả quan đối với tiềm năng của nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022.
Theo đó, tốc độ cho thuê khu công nghiệp và thu hút FDI trong năm 2021 chậm lại do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng đã trở lại đà tăng trong quý IV/2021.
"Tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 gây gián đoạn các hoạt động kinh doanh, mở rộng và thành lập doanh nghiệp mới, đặc biệt, tại khu vực miền Nam, dẫn tới suy giảm trong nhu cầu thuê đất khu công nghiệp cả nước từ dòng vốn đầu tư nước ngoài", báo cáo đánh giá. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong 3 quý đầu năm 2021 và đầu quý IV/2021 đã chậm lại khi chỉ đạt 17,1 tỷ USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ) tính đến cuối tháng 11/2021.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu bật lên mạnh mẽ khi vốn FDI thực hiện trong cả năm 2021 đạt 19,7 tỷ USD (tăng 1,2% so với cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký đạt 31,2 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ). BSC cho rằng, với những lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ, lực lượng lao dộng dồi dào, Hiệp định thương mại tư do đa phương đứng đầu Đông Nam Á và các chính sách thu hút FDI của Chính phủ, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà sản xuất trên thế giới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chứng khoán tháng 3: 2 rủi ro và 2 cơ hội song hành!
Thị trường chứng khoán tháng 3 hiện hữu nhiều tín hiệu tích cực khi được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa đại hội đồng cổ đông đang đến gần.
Tại Báo cáo Chiến lược tháng 3, nhóm nghiên cứu CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra góc nhìn lạc quan với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường đều đang hiện hữu, bao gồm: Kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa đại hội đồng cổ đông đang đến gần.
Tháng 2/2022, SSI Research đánh giá thị trường đã nỗ lực phục hồi, tuy nhiên, động lực tăng lại khá yếu khi nhiều lần thoái lui từ mốc 1.500 điểm. Nguyên nhân được chỉ ra một phần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một phần do tác động tiêu cực từ sự đi xuống của thị trường chứng khoán Mỹ trước lo ngại FED sẽ tăng lãi suất mạnh tay. "Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có tín hiệu leo thang từ giữa tháng cũng là một yếu tố gián tiếp hạn chế khả năng hồi phục trên thị trường", báo cáo cho hay.
Tuy vậy, thị trường Việt Nam cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt so với Mỹ, khi chỉ số đại diện thị trường chung đóng cửa vẫn đạt mức tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 11,17 điểm, tương đương 0,76% lên 1.490,13 điểm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hậu đấu giá đất Thủ Thiêm, khách "xếp hàng" chờ mua nhà liền thổ giá triệu đô
Mặc cho các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã có động thái bỏ cọc nhưng không vì thế mà giá đất tại TP.HCM giảm nhiệt, thậm chí giá bán một số dự án mới liên tục phá đỉnh.
Có thể nói, thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến làn sóng tăng giá mới. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bước sang năm 2022, thị trường nhà đất TP.HCM đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ và biệt thự hạng sang.
Một số dự án nhà liền thổ tập trung ở TP. Thủ Đức vừa được tung ra thị trường với mức giá cao ngất ngưởng khiến cho không ít nhà đầu tư choáng váng.
Đơn cử như dự án quy mô 117ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức (quận 2 cũ). Tại sự kiện ra mắt mới đây, chủ đầu tư dự án công bố mức giá dự kiến từ 38 tỷ đồng/căn cho các sản phẩm tại phân khu nhà phố thương mại. Diện tích đất mỗi căn gần 100m2, giá nhà liền thổ tại dự án đã xấp xỉ 400 triệu đồng/m2, chưa bao gồm thuế VAT.