Doanh nghiệp làm căn hộ giá 20 triệu đồng/m2 sẽ được ưu đãi
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tại buổi tọa đàm “thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid-19?” được tổ chức tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ninh cho biết trong Nghị quyết 84, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, ban hành nghị quyết phát triển nhà ở thương mại giá thấp.
“Hiện nay, thị trường bất động sản phát triển chưa cân đối, dư thừa sản phẩm cao cấp và thiếu hụt các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp”, ông Ninh cho biết.
Cụ thể, việc điều hành vẫn tuân thủ theo cơ chế thị trường nhưng nếu doanh nghiệp tham gia vào phân khúc nhà giá thấp thì sẽ được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi hơn để khuyến khích.
Theo ông Ninh, trong quý 1 vừa qua, nguồn cung bất động sản sụt giảm không chỉ do Covid-19 mà còn do những vướng mắc về thể chế, chồng chéo trong các quy định pháp luật.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, kể từ sau đợt khủng hoảng năm 2013, thị trường bất động sản đã dần phục hồi và đạt đỉnh cao vào năm 2017.
Tuy nhiên, tới 2018, thị trường bắt đầu khó khăn rõ rệt và trầm trọng hơn vào năm 2019. Đến đầu năm 2020, tưởng chừng thị trường có thể vượt qua khủng hoảng thì đại dịch Covid-19 lại làm trầm trọng thêm các khó khăn.
Về giá cả, do cung giảm và nhu cầu cũng giảm nên giá không có biến động nhiều. Số lượng giao dịch cũng giảm do cầu giảm. Từ những khó khăn trên, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại, sàng lọc lại cho phù hợp.
Xem chi tiết tại đây
Giao dịch qua sàn: Liều thuốc tốt cho thị trường địa ốc
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã bày tỏ quan điểm với Bộ Xây dựng về việc cần thiết áp dụng trở lại quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn nhằm đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp cho thị trường với vai trò xuyên suốt của cá nhân/đơn vị môi giới.
Nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng đề cập trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội.
Tuy nhiên, theo Bộ, đây cũng là 2 vấn đề gây tranh cãi, chưa thống nhất quan điểm từ nhiều phía. Điển hình nhất, là quan điểm của đại diện lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - VNREA).
Khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động môi giới bất động sản từng được cho là nghề “hái ra tiền”, thu hút một lượng lớn lao động, hàng trăm ngàn công ty môi giới lớn nhỏ mọc lên ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là những địa bàn có tốc độ phát triển đô thị và hạ tầng nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM…
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 5 năm qua, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, nhưng chỉ có khoảng 80.000 môi giới là đủ điều kiện hành nghề, mức độ tăng trưởng của nghề này trung bình khoảng 15%/năm.
Sửa khoản 3 Điều 8 Nghị định 20: Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi đợi
Đã gần hai tháng kể từ khi Chính phủ đặt ra một “hạn chót” đối với Bộ Tài chính về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8, Nghị định 20/2017/ NĐ-CP (Nghị định sửa đổi), ký tắt và trình Thủ tướng ban hành Nghị định (vào ngày 20/4), đến nay, bản Dự thảo cuối cùng vẫn chưa được thống nhất thông qua.
Các doanh nghiệp lại thêm một lần “mừng hụt” vì tưởng rằng Nghị định sửa đổi sớm được ban hành. Cụ thể, các thành viên Chính phủ đã đồng ý nâng mức trần khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang kỳ tính thuế 5 năm tiếp theo, cho phép hồi tố xử lý đối với năm 2017, 2018. Theo đó, hơn 1.000 doanh nghiệp sẽ được “giải cứu” với số tiền bồi hoàn lên đến gần 5.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu được hồi tố - dù chỉ là khấu trừ dần vào các kỳ sau – cũng sẽ là một liều "vắc xin" quan trọng giúp các doanh nghiệp củng cố năng lực tài chính, tiếp tục duy trì đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau dịch Covid-19.
Thế nhưng liều “vắc xin” này chưa biết đến khi nào mới được “tiêm” cho các doanh nghiệp. Thực tế, trong bối cảnh khó chồng khó do dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đang cần nguồn tiền để tái khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các chiến lược mới. Trong khi đó, đối với lĩnh vực bất động sản, động thái siết tín dụng đang bắt đầu có ảnh hưởng lớn đối với việc huy động vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn cách phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng hiện nay chưa có nhiều cơ chế để hỗ trợ, đảm bảo cho hình thức huy động vốn này được diễn ra một cách hiệu quả lành mạnh mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kinh tế ban đêm có vai trò quan trọng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Thứ nhất, nếu làm tốt có thể đóng góp 5 - 8% GDP. Thứ hai, giúp cho phát triển kinh tế bền vững, trong đó du lịch là mũi nhọn. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng hình thành các dịch vụ mới. Thứ tư là thu hút đầu tư hấp dẫn. Cuối cùng, mang lại yếu tố văn hoá mới, rất nhiều văn hoá sinh hoạt du lịch ban đêm được phát triển.
Vị chuyên gia này đã chỉ ra những tiềm năng thấy rõ của việc phát triển kinh tế ban đêm, đó là: Khả năng hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu du lịch toàn cầu; định hướng coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” và xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về giải trí, du lịch, chi tiêu gia tăng; quá trình đô thị hoá nhanh dẫn tới sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ; tiềm năng gia tăng chi tiêu, số ngày lưu trú của khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế còn rất lớn trong khi các hoạt động du lịch, dịch vụ ban ngày đã đến ngưỡng.
Phân tích các yếu tố phát triển kinh tế ban đêm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam có hàng trăm khu kinh tế các loại trên khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước, song cho đến nay vẫn chưa có một khu kinh tế ban đêm đúng nghĩa.
"Việt Nam có những thuận lợi để phát triển “kinh tế ban đêm”, như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế. Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Trên thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP.HCM)…", TS. Phong cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản đang khởi sắc, sẽ bật mạnh trở lại nếu chính sách được tháo gỡ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, trong tháng 5/2020 thị trường BĐS đang bật dậy, tỉ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên, khoảng gần 6 lần, tỉ lệ tiêu thụ cũng tăng lên 15% so với tháng 4/2020. Dù mới được tháo gỡ về giãn cách ly xã hội mà thị trường BĐS đã quay trở lại tốt như vậy thì nếu được tháo gỡ về chính sách, thủ tục còn sẽ bật dậy mạnh mẽ hơn.
Theo ông Châu, hiện các NĐT đang quay trở lại để đón dòng vốn từ nước ngoài về. Mặc dù dòng vốn này ở thời điểm này còn hạn chế. Vị chuyên gia này chỉ ra những nền tảng tốt để thị trường BĐS Tp.HCM kì vọng sức đua trở lại trong thời gian tới. Trong đó hàng loạt dự án hạ tầng đã và đang được triển khai trong năm nay là điểm nhấn rõ nét nhất.
Về câu chuyện giá BĐS, liệu có sự kì vọng có đợt giảm giá BĐS sau thời điểm này, ông Châu BĐS khẳng định, không có chuyện giảm giá BĐS. Có chăng, giá BĐS chỉ giảm nhẹ trên thị trường thứ cấp do một số NĐT không chịu nỗi áp lực về dòng tiền. Còn riêng thị trường sơ cấp không giảm. Nếu NĐT nào mua được giá gốc mà doanh nghiệp bán ra vẫn hưởng mức lợi khá tốt. "Hiện nay các doanh nghiệp phát triển dự án cũng đã đưa ra mức lợi nhuận hợp lý thay vì siêu lợi nhuận như trước đây, chia sẻ lợi nhuận với NĐT thứ cấp, người mua ở…", ông Châu nhấn mạnh.