Aa

Bất động sản 24h: Động thái “lạ” của giới đầu tư địa ốc sau Tết Nguyên đán

Thứ Ba, 23/02/2021 - 10:30

Động thái “lạ” của giới đầu tư địa ốc sau Tết Nguyên đán; HoREA thúc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cấp “sổ hồng” cho người dân... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Động thái “lạ” của giới đầu tư địa ốc sau Tết Nguyên đán

Một điểm tích cực dễ nhận thấy trên thị trường địa ốc trong thời gian gần đây là bắt đầu có một bộ phận các NĐT mới, là những đối tượng có tài sản tích lũy từ việc tự kinh doanh, hoặc hưu trí cũng tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư bất động sản, bên cạnh các NĐT chuyên nghiệp vẫn tìm kiếm bất động sản tốt để mua vào.

đầu tư đất nền
Ảnh minh họa

Khác với thời điểm của các năm trước, năm nay, giới đầu tư địa ốc đã trải qua một số biến cố trong tâm lý khi liên tục chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài là Covid-19. Tuy vậy, điểm dễ nhận thấy là NĐT có tiền vẫn tìm kiếm bất động sản tốt sau mùa Tết để mua vào. Thậm chí, ngay trong những ngày Tết, những NĐT chuyên nghiệp vẫn không ngừng tìm mua bất động sản, mà theo cách của họ là mua bất động sản dịp Tết có nhiều lợi thế hơn về giá lẫn sự lựa chọn.

Chia sẻ mới đây, chuyên gia bất động sản Đoàn Thiên Việt cho rằng, Tết là thời điểm vàng để mua bất động sản đầu tư. Nhiều NĐT vẫn miệt mài tìm mua thời điểm cận Tết và sau Tết. Nếu trước Tết mua được bất động sản rẻ hơn 20% thì qua Tết âm lịch có thể chốt lời được 25%, đó là khoản lời rất quan trọng đối với việc đầu tư ngắn hạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giải pháp để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch

Từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu thực hiện chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ này, thị trường bất động sản bắt đầu được hình thành. Từ đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia; qua đó, các sản phẩm bất động sản phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, cơ cấu.

Chỉ tính riêng trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 4 lần thay đổi trạng thái, cơ bản như sau:

Giai đoạn 2009 - 2010: Là giai đoạn phát triển nóng, hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trưởng nóng, chủ yếu do nới lỏng tín dụng.

Giai đoạn 2011 - 2013: Là giai đoạn trầm lắng, đóng băng, do ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản.

Giai đoạn 2014 - 2019: Đây là giai đoạn mà thể chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tiếp tục được hoàn thiện, với khoảng 40 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 2 Luật (Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014); 7 Nghị định của Chính phủ, 2 Chỉ thị và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng 24 Thông tư hướng dẫn. Đồng thời, còn có nhiều đạo luật quan trọng liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ Xây dựng: Tăng cường rà soát dự án treo, xử lý dự án “ma“

Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nội dung kiến nghị nêu: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội. Đồng thời, giải quyết xử lý nghiêm các dự án bất động sản ma, các dự án bất động sản lừa đảo, chây ì… đã và đang gây bức xúc, bất bình xã hội, gây mất trật tự ở nhiều tỉnh”.

Trả lời kiến nghị, đối với tình trạng các dự án quy hoạch treo làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đến quyền và lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội, Bộ Xây dựng khẳng định: Tình trạng “quy hoạch treo” là do việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch. Đây là hiện tượng làm lãng phí nguồn lực, tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội như cử tri đã nêu.

Trên thực tế, pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, trong đó có các quy định đảm bảo về quyền của các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thực hiện thu hồi (khoản 7 Điều 62 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009), quy định điều kiện chung đối với cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với khu vực quy hoạch chưa thực hiện thu hồi (điểm a khoản 1 và khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020)…

Xem thông tin chi tiết tại đây

HoREA thúc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cấp “sổ hồng” cho người dân

Thông tin này được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc để thị trường bất động sản sớm hồi phục và ổn định trở lại.

Trong các nội dung kiến nghị, HoREA đặc biệt nhấn mạnh về việc các Sở ngành cần quan tâm, sớm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hàng loạt các dự án căn hộ đang ách tắc thời gian qua.

bất động sản TPHCM
Ảnh minh họa

Theo đó, HoREA đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường cần chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương thực hiện xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở, để sớm giải quyết cấp việc “sổ hồng”.

Hiện tại, toàn TP.HCM có hơn 30.402 căn nhà trong 63 dự án của 17 doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, ngoài ra còn có hơn 100 dự án nhà ở vẫn đang còn tồn đọng ở Sở Tài nguyên - Môi trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Năm 2021, vẫn “đỏ mắt“ tìm căn hộ bình dân?

Sự gia tăng của các căn hộ trung cao cấp và vắng bóng căn hộ bình dân thời gian qua đã khiến bức tranh thị trường nhà ở càng trở nên mất cân đối, ảnh hưởng lớn đến chất lượng an sinh xã hội khi phần lớn nhu cầu trên thị trường tập trung ở phân khúc nhà giá rẻ. Theo các chuyên gia, trong năm 2021 và tương lai gần, nếu không có những giải pháp cặn kẽ và quyết liệt để thúc đẩy các dự án nhà giá rẻ trở lại thị trường thì hệ lụy của sự phát triển chênh lệch, thiếu bền vững sẽ còn nối dài.

“Thị trường bất động sản hiện tập trung vào nhà cao cấp, do đó nhà dưới 20 triệu đồng/m2 vắng bóng trên thị trường, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Chính vì vậy, những người thu nhập thấp, công nhân vẫn khó tiếp cận nhà ở”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo vị chuyên gia là do hiện nay có quy định rất rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp với nhà ở thu nhập thấp cho người dân. Tuy nhiên, nguồn vốn vay cho người thu nhập thấp còn khó khăn. Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, do đó các dự án khó triển khai. Các chủ đầu tư khu đô thị muốn nộp tiền thay vì nộp 20% đất theo quy định của Nhà nước.

"Có 2 yếu tố quyết định đến nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, chính là vốn và đất, nhưng đây lại là 2 vấn đề khó khăn", ông Hà nhấn mạnh. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top