Aa

Bất động sản 24h: Dòng tiền đầu tư bất động sản năm 2021 sẽ đổ vào đâu?

Thứ Năm, 21/01/2021 - 10:30

Dòng tiền đầu tư bất động sản năm 2021 sẽ đổ vào đâu?; Nguồn cung căn hộ TP.HCM thấp nhất trong 5 năm... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Dòng tiền đầu tư bất động sản năm 2021 sẽ đổ vào đâu?

Thị trường bất động sản 2020 đã trải qua một năm đầy biến động do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Năm 2021, dòng tiền đầu tư bất động sản sẽ đổ vào những phân khúc, loại hình nào?

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Đầu tư và phân phối DTJ, có một nguyên tắc trong đầu tư bất động sản là ở đâu có cơ hội sinh lời tốt thì ở đó có dòng tiền. Thời gian vừa qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt, Việt Nam đã tạo tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư – một yếu tố quan trọng trong hoạt động đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm đến của dòng tiền.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng đang có những yếu tố tích cực hỗ trợ hoạt động đầu tư như tỷ giá ổn định, tỷ lệ ngoại hối tăng, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Thị trường bất động sản sẽ có sức bật lớn trong năm 2021 do độ nén của thị trường trong thời gian qua là khá sâu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nguồn cung căn hộ TP.HCM thấp nhất trong 5 năm

Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, năm 2020, thị trường căn hộ TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn. Nguồn cung sơ cấp cả năm ở mức thấp nhất trong 5 năm với hơn 25.300 căn, giảm mạnh 38% theo năm do nguồn cung mới hạn chế và lượng hàng tồn thấp. Căn hộ hạng C tiếp tục chiếm lĩnh nguồn cung cả năm với 65% thị phần.

Việc khan hiếm nguồn cung đã kéo theo lượng giao dịch thấp nhất trong 5 năm, chỉ đạt gần 22.700 căn. Tuy nhiên, nhu cầu có dấu hiệu tích cực với tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 90%. Căn hộ hạng C tiếp tục dẫn đầu với 68% lượng giao dịch và đạt 93% tỷ lệ hấp thụ, mức cao nhất trong ba hạng.

Đáng chú ý, riêng thị trường căn hộ ở TP. Thủ Đức có dấu hiệu tăng nhiệt. Trong 5 năm qua, lượng giao dịch căn hộ và tỷ lệ hấp thụ ở thành phố Thủ Đức ghi nhận mức tăng liên tục. Năm 2020, tổng lượng giao dịch ở khu vực này chiếm đếm 65% thị phần TP.HCM.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ năm 2015 - 2019, dân số của TP. Thủ Đức ghi nhận mức tăng 4% mỗi năm, cao hơn 2% so với mức tăng của toàn TP.HCM. Điều này cho thấy nhu cầu lớn về nhà ở tại khu vực này. Savills Việt Nam đánh giá, khả năng kết nối TP. Thủ Đức sẽ ngày càng được cải thiện nhờ vào nhiều tuyến đường lớn được mở rộng như Nguyễn Xiển, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Duy Trinh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thêm 3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2021

Tại Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo" công bố mới đây, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá: Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Số ca nhiễm của Việt Nam là 1.537 ca, trong đó có 35 ca tử vong và được thế giới ca ngợi là “hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19".

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Ông Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Phòng kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cú sốc Covid-19 làm các chỉ tiêu phản ánh ổn định nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng suy giảm tạm thời. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần lưu ý: Hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19; hỗ trợ các ngành chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các gói hỗ trợ đang thẩm thấu dần vào nền kinh tế nhưng tốc độ còn chậm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cải tạo dòng sông Cổ Cò: Tránh đi vào vết xe đổ thất thoát ngân sách từ đất đai 

Câu chuyện cải tạo dòng sông Cổ Cò đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, nhiều nhất là vấn đề những tác động, lợi ích mang lại khi dòng sông lịch sử được khơi thông, quy hoạch đồng bộ, đầu tư bài bản. 

Trước tiên, là mục đích bảo vệ dòng sông. Theo chia sẻ của ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, việc bảo vệ dòng sông chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt khi hoàn thiện các tuyến kè chắn. Và khi ấy, một biểu tượng lịch sử sẽ được hồi sinh. 

Theo chia sẻ của ông Phùng Phú Phong: “Khi sông Cổ Cò được khơi thông, mọi người dân Quảng Nam, Đà Nẵng và du khách sẽ được sống lại với ký ức về dòng Lộ Cảnh giang thơ mộng và đầy sức sống khi xưa. Con sông sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại đến vịnh Thuận Phước như một dải lụa chan chứa sắc màu. Đó cũng chính là biểu tượng cho sự hợp tác phát triển của hai địa phương, biểu tượng: Kết nối một dòng sông”.

Cụ thể với Đà Nẵng, sông Cổ Cò mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn so với câu chuyện khai thác hiệu quả kinh tế, dòng sông lịch sử này sẽ cùng với những Hàn giang, Sơn Trà, Bà Nà... góp phần vào việc khắc họa một thành phố tươi đẹp, hấp dẫn và tình người.

Nhưng cả hai địa phương chi tới 1.700 tỷ đồng cho dự án hồi sinh một biểu tượng thì liệu có hợp lý không, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay? Biểu tượng này có góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không hay chỉ đơn thuần thỏa mãn tâm lý, tình cảm của người dân hai vùng đất? 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giảm giá 80 triệu đồng/tháng, đất vàng Sài Gòn "khát" người thuê

Bà Nguyễn Thị Dương, chủ một mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng (phường Bến Thành, quận 1) cho biết, căn nhà 3 tầng mặt tiền đường Lý Tự Trọng của bà có diện tích sàn 105m2. Bà đang rao với giá hơn 57 triệu đồng/tháng nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có người thuê.

"Người thuê chỉ cần cọc 3 tháng và trả tiền thuê hàng tháng, hợp đồng từ 2 năm trở lên. Dù điều kiện cũng rất đơn giản nhưng tôi tìm mãi cũng không có người thuê", bà Dương nói.

Còn bà Trần Thị Loan, chủ một mặt bằng "đắc địa" trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1) cho biết, dù ngôi nhà của bà có vị trí rất đẹp nhưng bà cũng không thể tìm được người thuê trong nhiều tháng qua.

"Nhà tôi 3 tầng, diện tích sàn 60m2. Trước dịch Covid-19, tôi cho thuê khoảng 115 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tôi giảm giá xuống còn 80 triệu đồng/tháng nhưng cũng chưa có người thuê", bà Loan nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top