Aa

Bất động sản 24h: Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách “thoát hàng“

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 30/08/2022 - 09:45

Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách "thoát hàng"; Một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách "thoát hàng"

Hai loại hình bất động sản có lượt tìm kiếm sụt giảm mạnh nhất quý II là đất và đất nền dự án. So với đỉnh điểm tháng 3 và 4 thì giá đang đi ngang, tức đà tăng đã chững lại.

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, tại Hà Nội, với loại hình căn hộ chung cư, giá rao bán trung bình theo tin đăng là 36 triệu/m2, đã không thay đổi so với tháng 5. Thời gian qua thị trường gần như không có dự án sơ cấp mở bán mới. Các căn hộ đang có tin đăng bán chủ yếu là căn hộ thứ cấp.

Hai loại hình có lượt tìm kiếm sụt giảm mạnh nhất quý 2 vừa qua là đất và đất nền dự án. So với đỉnh điểm tháng 3 và tháng 4 thì giá đang đi ngang.

Cũng theo Batdongsan.com.vn, loại hình nhà phố thương mại, shophouse, giá rao bán không chỉ chững mà còn giảm khá mạnh so với tháng 3 và tháng 4. Cụ thể giá rao bán loại hình này trong tháng 6 là 145 triệu/m2, giảm 12% so với tháng 5, giảm 10% so với tháng 4. Tuy nhiên nếu so với tháng 1 thì giá vẫn tăng khoảng 30%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hoàn thiện Luật Đất đai: “Liều thuốc” hoá giải những xung đột, hướng đến công bằng xã hội

Sửa Luật Đất đai, loại bỏ các lỗ hổng còn tồn tại, hướng đến công bằng xã hội và hài hòa lợi ích, tạo những đột phá trong cải cách thể chế chính là “liều thuốc” hóa giải những xung đột, mâu thuẫn...

Luật Đất đai có vai trò rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. 

Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi được xác định là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật từ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019). Tuy nhiên, cho đến nay đã có 4 lần trì hoãn sửa luật. Gần nhất là lùi thời gian trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022).

Hiện, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh việc lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm tập hợp đầy đủ và toàn vẹn những vấn đề cấp thiết phải điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung. 

Dự kiến, dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022 tới; trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). 

Phát biểu tại Hội thảo: “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” diễn ra chiều 26/8, GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ yêu cầu trong quá trình xây dựng Luật phải bài bản, công phu, kỹ lưỡng, phải có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và toàn dân bởi đây là dự án luật khó, tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và mọi chủ thể. Theo đó, trước hết phải thể chế hóa và cụ thể hóa một cách đầy đủ và đúng đắn tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp bất động sản rất cần vốn để thoát cảnh sụp đổ trên khối tài sản

Đã sắp hết quý III, doanh nghiệp trong ngành bất động sản vẫn đang loay hoay chưa biết tới khi nào mới thoát cảnh "đói vốn", thậm chí có thể đối diện với nguy cơ sụp đổ trên khối tài sản.

Tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” ngày 24/8 vừa qua, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI đánh giá: “Chính phủ đang nỗ lực thực thi các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, trong đó việc ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi đang được đặt lên hàng đầu. Hơn lúc nào hết, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tiến tới phục hồi kinh tế, nguồn lực vốn vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc... Trước mắt và trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện nguồn vốn hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu phục hồi, tăng tốc, đặc biệt từ nay đến cuối năm 2022”.

Câu chuyện thiếu vốn đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa được tháo gỡ, điều đó đe dọa đến sự hồi phục và phát triển của hầu hết doanh nghiệp bất động sản. Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp cần nhận diện bối cảnh kinh tế và các kênh vốn ra sao để tìm ra cách thức khơi thông dòng vốn?

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản những tháng cuối năm có khởi sắc?

Thị trường bất động sản trải qua những tháng đầu năm trầm lắng do những tác động, thay đổi chính sách tiền tệ. Mặc dù vậy, thị trường cuối năm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại vì nhu cầu vẫn rất lớn.

Báo cáo thị trường bất động sản tháng 7 vừa được của Batdongsan.com cho thấy, những tháng gần đây, giao dịch trên thị trường bất động sản diễn ra khá chậm.

Thị trường bất động sản đang điều chỉnh và có sự sàng lọc. (Ảnh minh hoạ: Reatimes)

Mức độ quan tâm bất động sản bán toàn quốc giảm 4%, trong khi lượng quan tâm đến bất động sản cho thuê tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... ghi nhận mức độ quan tâm bất động sản thể hiện nhu cầu giảm nhưng lượng tin đăng bất động sản phần nào phản ánh nguồn cung tăng so với 7 tháng đầu năm 2021.

Tại thị trường Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm bất động sản Hà Nội gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó, lượng tin đăng tăng 11%. Điều này phần nào cho thấy các bên bán bất động sản gồm chủ đầu tư, sàn giao dịch và chủ nhà đang ở giai đoạn chuẩn bị với những phương án truyền thông, quảng cáo nhằm đón đợi cơ hội thanh khoản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giúp nền kinh tế phục hồi, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành, các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường bất động sản đã giúp cho tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn thời gian qua sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, giá sản phẩm bất động sản nhất là giá nhà ở còn khá cao so với thu nhập của người dân, cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top