Aa

Bất động sản 24h: Giới đầu tư Hà Nội không ngại “xuống tiền” mua đất nền Hoà Lạc

Thứ Bảy, 14/03/2020 - 11:00

Giới đầu tư Hà Nội không ngại “xuống tiền” mua đất nền Hoà Lạc đã có sổ đỏ; Cần Thơ: Báo động đầu cơ đất nông nghiệp; Đà Nẵng thông qua bảng giá đất 5 năm tới... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Giới đầu tư Hà Nội không ngại “xuống tiền” mua đất nền Hoà Lạc đã có sổ đỏ

Không có nhiều dự án bất động sản diễn ra giao dịch trong những tháng đầu năm 2020 trên thị trường địa ốc Hà Nội do tác động bởi dịch bệnh, thế nhưng một số khu vực đất nền vẫn là kênh đầu tư được nhà đầu tư quan tâm lúc này.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư này chỉ diễn ra cục bộ ở một vài dự án được xem là đã hoàn chỉnh về pháp lý, được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ mới thu hút được các nhà đầu tư. Bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp cộng với nhiều dự án bất động sản "đứng hình", chứng khoán lao dốc,… thì nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội đã tìm đến những khu vực có tiềm năng phát triển đô thị tốt nằm ở vùng ven Thủ đô để gom đất.

Trong đó, đất nền Hòa Lạc đang rục rịch giao dịch trở lại ở một số dự án đầy đủ pháp lý sau 10 năm đóng băng. Đầu năm 2019 giá đất ở một số tuyến đường chính tại Hòa Lạc giao dịch khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2 thì đến giữa năm tăng lên khoảng 23 - 25 triệu đồng/m2, trong khi đó khoảng 2 năm trước đất tại đây gần như không có giao dịch, giá chỉ ở mức khoảng 15 - 16 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, trong số đó không ít dự án phân lô bán nền chưa đầy đủ pháp lý cũng được chủ dự án đem ra giao dịch ở giai đoạn này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Chính vì thế, đợt "nóng sốt" đất nơi đây không kéo dài được lâu. Đến nay thị trường đã chững lại, giá không còn tăng nhanh như năm ngoái. Tuy nhiên, một số dự án đã hoàn thiện pháp lý, hạ tầng đồng bộ và đặc biệt là có sổ đỏ từng lô vẫn được nhà đầu tư quan tâm giao dịch.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bán lẻ có “điêu đứng” vì Covid-19?

Với tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020 và dự kiến kéo dài trong vài tháng tới, các dự án bán lẻ hiện đại sẽ không tăng giá thuê; đồng thời các chủ đầu tư có nhiều động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án.

Đối với thị trường bán lẻ, Covid-19 có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn, Savills TP.HCM nhận định: “Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn mà có thể làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm của chúng ta, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời. Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại, chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê”.

Mặt khác, trong những tháng đầu năm 2020, cùng với tác động Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực , xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe, dịch Covid-19 tiếp thêm một đòn tác động lên ngành ẩm thực.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần Thơ: Báo động đầu cơ đất nông nghiệp

Thời gian gần đây tại Cần Thơ có tình trạng đổi 1.000m2 đất nông nghiệp lấy 130m2 đất nền thổ cư có hạ tầng.

Quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy... từ lâu là địa bàn kinh doanh của những người có vốn một vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng. Họ mua đất có địa thế tốt chờ thời, chờ dự án tới, có điều kiện họ “nhảy dù” phân lô bán nền.

Khu dân cư tự phát trong quận Bình Thủy, Cần Thơ. Ảnh: TL

Bằng cách này khoảng vài năm họ kiếm số tiền lời bằng 5, bằng 10 lần số vốn ban đầu. Dễ kiếm tiền, phân lô bán nền lời nên nhiều người có vốn, vay thêm ngân hàng đầu tư khu dân cư tự phát, phân lô xẻ nền trên đất nông nghiệp.

Quy mô lớn, 3 - 5ha, quy mô nhỏ 1 - 2ha... Quy trình của họ gồm: thu gom đất nông nghiệp; san lấp mặt bằng; làm hệ thống điện, nước sinh hoạt; thoát nước; đường giao thông và phân lô xẻ nền xin được cấp sổ đỏ cho từng nền.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đà Nẵng thông qua bảng giá đất 5 năm tới, cao nhất vẫn giữ 98,8 triệu đồng/m2

Bảng giá các loại đất trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2024 được xây dựng căn cứ theo khung giá đất quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019. Giá đất trong bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 năm. Giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng trong 5 năm tới vẫn là mức 98,8 triệu đồng như hiện nay.

Cụ thể, bảng giá đất này bổ sung giá đất đối với 290 tuyến đường mới đặt tên; điều chỉnh giảm 5% đối với đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh so với mức quy định tại Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND (tương ứng bằng 80% và 60% so với giá đất ở cùng vị trí).

Bổ sung, điều chỉnh những bất cập như: sửa đổi giá đất đối với 5 tuyến đường chưa phù hợp (giá thực tế thấp hơn mức giá quy định); bổ sung giá đất từ vị trí 01 đến vị trí 05 của các đường trong các khu dân cư; bổ sung về hệ số vị trí khu đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh và phần diện tích áp dụng hệ số đặc biệt ngã 3, ngã 4 đối với các khu đất 2 mặt tiền trở lên...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quy định hồi tố Nghị định 20: Không thể đẩy cái khổ về phía doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê thì doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện kinh doanh thì một đồng vốn chủ sở hữu còn ba đồng phải đi vay. Do đó, so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam với nguồn vốn chủ sở hữu chưa dồi dào thì việc phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.

Vì vậy, khi ban hành nghị định 20/2017/NĐ-CP với đối tượng áp dụng bao trùm cả doanh nghiệp Việt Nam vô hình trói buộc doanh nghiệp khi khống chế trần lãi suất. Từ năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nguy cơ thuế chồng thuế bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Như vậy, việc bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây thêm tầng nấc khó khăn cho doanh nghiệp. Việc lấy lý do chưa bố trí ngân sách để bồi hoàn là không thỏa đáng. Chúng ta cần xây dựng lộ trình chi tiết để khắc phục triệt để những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc ban hành quy định pháp luật không phù hợp.

Thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể bố trí ngân sách để hoàn lại, chưa có kế hoạch ngân sách chi trả cho việc này thì có thể thực hiện theo phương án đối trừ với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm, từ đó không tạo áp lực đến cho ngân sách quốc gia và vẫn có thể giải quyết triệt để việc “sửa sai” do quy định pháp luật đã ban hành không phù hợp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top