Hiệu ứng domino từ giá đất tăng
Số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, giá đất mới được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân 15 - 20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc tăng giá đất không chỉ khiến giá nhà ở liên tục tăng cao, mà còn ảnh hưởng tới nhiều hoạt động khác, trong đó có công tác đền bù giải tỏa mặt bằng cho các dự án giao thông.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) nhấn mạnh rằng, khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính gây chậm trễ tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, hậu quả là không những không đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn lực, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trong khu vực dự án.
Ngoài làm các dự án hạ tầng giao thông thêm phần ách tắc, một hệ lụy khác từ giá đất tăng là gây khó khăn hơn cho công tác mở rộng và kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp mới. Chi phí đất đai đầu vào tăng sẽ đẩy chi phí thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp tăng theo, tình trạng khan hiếm đất công nghiệp tại một số điểm nóng về thu hút đầu tư cũng trở nên căng thẳng hơn.
Chẳng hạn, TP.HCM không có thêm khu công nghiệp mới nào trong suốt 5 năm qua, nguyên nhân chủ yếu do quỹ đất công nghiệp khan hiếm, trong số hơn 26.000ha đất nông nghiệp được Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng cũng chỉ có khoảng 1.000ha là đất công nghiệp, và đặc biệt là giá thuê quá cao.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sốt đất do ồ ạt công bố quy hoạch
Tại buổi Toạ đàm “Giải mã cơn sốt đất” tổ chức ngày 9/4, chuyên gia đã cho rằng, nguyên nhân "sốt" đất đến từ nhiều yếu tố, điển hình như thông tin về quy hoạch, chu kỳ chuyển động của thị trường bất động sản, xu hướng đầu tư…
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói: “Nhìn từ góc độ nhà quản lý, chúng tôi nhận thấy các "cơn sốt" đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có 1 "cơn sốt" đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đai”.
Liên quan đến nguyên nhân của "cơn sốt" đất lần này, ông Bình cho rằng, có nhiều yếu tố cộng hưởng tác động. Đầu tiên là do quy hoạch. Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội: Cách nào gỡ khó cho cả 3 bên?
Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NƠXH), với thay đổi mấu chốt là thu hẹp đối tượng là dự án nhà ở thương mại được nộp bằng tiền thay việc dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH xuống quy mô 2ha thay vì 10ha như quy định tại Nghị định 100 trước đây.
Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, có thể hiểu đây là giải pháp để tăng quỹ đất xây dựng NƠXH; tuy nhiên áp dụng vào thực tiễn thì lại nảy sinh nhiều bất cập, rất khó triển khai vì nó gây khó cho cả 3 phía là: Chủ đầu tư, đối tượng mua NƠXH và đối tượng mua nhà ở thương mại.
Khoản 1, Điều 5 Nghị định 49 quy định: “Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội”. Điều đó đồng nghĩa trong cùng một dự án, chủ đầu tư phải xây dựng ít nhất 2 loại hình nhà ở dành cho 2 đối tượng khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau khá lớn về cả sinh kế, thu nhập, điều kiện tài chính, điều kiện sinh hoạt cũng như nhu cầu sử dụng các tiện ích và hạ tầng xã hội.
Thông thường, khi chọn vị trí để phát triển dự án nhà ở, chủ đầu tư nào cũng đều nhằm đến một đối tượng nhất định. Chẳng hạn dự án có vị trí trong vùng trung tâm đô thị, điều kiện hạ tầng, tiện ích tốt phải nhằm vào đối tượng thu nhập cao, nguồn tài chính dồi dào, mức sống cao hoặc khá giả, vì giá đất ở đó cao và chi phí dịch vụ cũng cao.
Mặt khác, chủ đầu tư lại có thể chọn vị trí cách xa trung tâm để xây dựng những khu resort với những biệt thự cao cấp để đáp ứng nhu cầu nơi nghỉ cuối tuần của tầng lớp thượng lưu. Những vị trí như thế hoàn toàn không phù hợp với đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Ngược lại, để đáp ứng yêu cầu nhà ở giá rẻ cho đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp, chủ đầu tư phải chọn vị trí ở vùng ven hoặc những nơi hạ tầng còn hạn chế, vì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thấp, từ đó mới có thể hạ giá thành, phù hợp với tiêu chí của NƠXH.
Bây giờ phải lồng ghép “2 trong 1”, dành quỹ đất 20% để xây NƠXH trong lòng những dự án ở vị trí “đất vàng” hay ở những khu làm nơi nghỉ cuối tuần cách trung tâm 30 - 50km là một bài toán khó đối với chủ đầu tư, thậm chí chẳng khác gì đánh đố doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cơn "sốt đất" tại Đông Anh, Hà Nội: Hỏa mù thông tin
Đến một số xã Nguyên Khê, Hải Bối, Dâu Canh… thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), hàng loạt biển báo, pano, áp phích rao bán đất mọc lên khắp các đường làng, ngõ xóm. Từ người bán trà đá, làm ruộng đến cán bộ thôn, xã cũng “tranh thủ” môi giới bất động sản.
TP. Hà Nội lập đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội bao gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Ngay sau đó, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện nhiều hình ảnh và thông tin về giá nhà đất tại huyện Đông Anh “nóng lên” từng ngày.
Trong vai một người có nhu cầu “lướt sóng” và “đầu cơ” đất, phóng viên đã có mặt tại nhiều xã, phường của huyện Đông Anh - nơi được cho là vòng xoáy của cơn sốt đất.
Mặc dù là người làm vườn, nhưng bà N.Th.Ch, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh rất tường tận về giá đất ở khu vực xã Tiên Dương, thậm chí “miếng” đất nào rẻ, đầu tư “lướt sóng” có lời, bà Ch đều biết.
Bà Ch cho biết, dù xã Tiên Dương không nằm trong quy hoạch thành phố thông minh nhưng sắp tới huyện Đông Anh sẽ trở thành quận trong tương lai, nên khu vực này đất thổ cư có giá từ 48 triệu đồng/m2 trở lên. Mảnh đẹp, nằm ở trục đường chính gần với đường đi sân bay còn có giá hơn 50 triệu đồng/m2. "Từ Tết đến nay, cứ sau nửa tháng là giá đất đã khác rồi", bà Ch. cho biết.
Anh Đ.V.D (43 tuổi, ở xã Hải Bối, Đông Anh) cho biết: Ở đầu xã có "Trung tâm môi giới bất động sản”, nói thế cho “sang” miệng chứ thực chất chỉ là một số điện thoại được viết nguệch ngoạc trên tường, hay chỉ là một tấm biển trưng dòng chữ “bán đất” nơi đầu làng, ngõ xóm. Do đó, từ người già đến người trẻ, từ cán bộ xã đến người làm vườn, ai cũng có thể trở thành “trung tâm” bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thêm loạt dự án được phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư
Ngay đầu tháng 4, thêm loạt dự án khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp,... được phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị sinh thái phía Tây huyện Thuận Thành.
Tại Quyết định số 319/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong buổi làm việc với UBND TP. Cần Thơ ngày 6/4 vừa qua, ADB đề xuất đầu tư dự án SEECP tại TP. Cần Thơ, với tổng số vốn dự kiến hơn 67 triệu USD (tương đương hơn 1.560 tỷ đồng) để phát triển cơ sở hạ tầng thành phố thông minh.
Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định 549/QĐ-TTg chủ trương đầu tư Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sông Đốc phía Nam, tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang vừa công bố danh mục dự án đầu tư sử dụng đất để đầu tư đối với Khu đô thị mới phường V, TP. Vị Thanh và ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ. Dự án có quy mô đầu tư khoảng 48,44ha; tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.680 tỷ đồng.