Aa

Bất động sản 24h: Môi giới BĐS thời Covid-19 thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt

Chủ Nhật, 05/04/2020 - 10:36

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt; Nhà giàu tranh thủ dịch Covid-19 để săn nhà đất giá rẻ... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Môi giới bất động sản thời Covid-19: Thất nghiệp, chuyển nghề hàng loạt

Có lẽ đây là thời điểm mà môi giới bất động sản, bao gồm cả môi giới tự do và môi giới doanh nghiệp đều khó lòng trụ nỗi khi mà vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ phía khách hàng. Dù không phải tất cả nhưng đa số các môi giới bất động sản hiện nay đều rơi vào tình trạng “thất nghiệp”.

Theo ghi nhận, tình hình chung là khá nhiều môi giới đã không trụ nỗi trên thị trường bất động sản từ thời điểm trước Tết nguyên đán do không có nguồn cung để bán ra. Khá nhiều môi giới của doanh nghiệp đã “nghỉ Tết dài hạn” do doanh nghiệp gặp khó khăn. Khó khăn nguồn cung sản phẩm chưa qua thì dịch Covid-19 xuất hiện lại giáng thêm đòn đau vào nghề môi giới bất động sản.

Những môi giới còn trụ lại trên thị trường thì bắt đầu “gồng mình” để bán hàng trong mùa dịch. Dù đã dùng đến các hình thức như sử dụng công nghệ để bán hàng online, hỗ trợ khách khách hàng xem sản phẩm trực tuyến, chiết khấu “mạnh tay” hơn…nhưng có lẽ chưa khả quan là mấy khi mà cả khách mua ở thực lẫn NĐT đang trong tâm lý lo ngại về dịch bệnh.

Theo ghi nhận, trong suốt thời gian sau Tết đã có khá nhiều môi giới thất nghiệp, xin việc khác để đối phó với những khó khăn trước mắt. Một trưởng phòng nhân sự một công ty phân phối ôtô lớn ở TP.HCM chia sẻ trên báo chí mới đây, 2 tháng qua đã tuyển 50 nhân viên kinh doanh cho chi nhánh mới, thông thường, ứng viên nộp đơn đa phần chuyển từ các hãng xe khác qua, hoặc là sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành kinh tế. Nhưng trong đợt tuyển dụng này, có đến 70% ứng viên từ các công ty bất động sản. Đa số họ là những người đã không còn trụ nổi với thị trường BĐS khi mà nguồn cung khan hiếm, dịch bệnh hành hoành.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp, người nổi tiếng đua nhau rao bán khách sạn

Ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn sang nhượng khách sạn, một số nghệ sỹ nổi tiếng cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Thời điểm vừa phát hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 17, hàng loạt nhà hàng, khách sạn từ lớn đến nhỏ tại Hà Nội và các TP nổi tiếng về du lịch ghi nhận khó khăn khi suy giảm lượng khách, hủy tour, hủy phòng. Các khách sạn cố gắng giảm giá, cắt giảm nhân lực để cố gắng duy trì hoạt động. Thế nhưng đến thời điểm này, không chỉ các khách sạn nhỏ lẻ, hàng loạt ông lớn cũng công bố thua lỗ trầm trọng.

Nhiều khách sạn tại Hà Nội đang rao bán giữa mùa dịch bệnh

Trước lệnh cách ly toàn dân, theo đại diện một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội trong hai tháng, con số thua lỗ đã lên đến 100 tỷ đồng, còn hệ thống khách sạn thuộc top đầu Hà Nội cũng chỉ hoạt động 10% công suất.

Ông Lê Đức Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Daeha thừa nhận, là khách sạn thuộc top 5 sao lớn tại Hà Nội, Daewoo đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy phòng đang ở mức dưới 20% - mức thấp nhất trong suốt quá trình 24 năm hoạt động của khách sạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Chạy” điều chỉnh quy hoạch: Lợi ích nhóm và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước

Hiện nay, ghi nhận tại nhiều khu đô thị lớn tại Việt Nam đều cho thấy có tình trạng quá tải, mật độ nhà cao tầng tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Theo một báo cáo giám sát đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, riêng tại Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20 - 26% với đô thị trung tâm, 18 - 23% với đô thị vệ tinh, 16 - 20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi là dưới 1%, trong khi yêu cầu phải là 3 - 4%.

Một trong những nguyên nhân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Hiện trên cả nước có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh lên tới 5 - 6 lần. Điển hình tại Hà Nội và TP.HCM được xác định là có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ đứng đầu cả nước, lần lượt là 70% và hơn 40%.

Theo giới chuyên gia, việc để xảy ra tình trạng khu đô thị thay đổi quy hoạch liên tục làm tăng quy mô dân số là lỗi của cơ quan quản lý. Thậm chí, ngày càng có nhiều dự án được thay đổi quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư.

Tại một một phiên họp Quốc hội, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) đánh giá chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

Điều này được minh chứng qua tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất đô thị, tuy nhiên lại tùy tiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết khá phổ biến, gây hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực cho các quy hoạch khác.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà giàu tranh thủ dịch Covid-19 để săn nhà đất giá rẻ

Tỷ phú Warren Buffett có một câu nói để đời là “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam”. Đây cũng là bí quyết để ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Câu này có hàm ý trong khủng hoảng luôn có cơ hội, khủng hoảng càng lớn thì cơ hội càng lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, kéo theo nhiều tác động đến đời sống, kinh tế, đâu là cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản?

Nghiên cứu của các công ty tư vấn cho thấy, nhiều thập kỷ qua, giá nhà đất tại Việt Nam đi theo chiều hướng tăng dần, dù có một vài giai đoạn điều chỉnh giảm nhưng thị trường nhanh chóng hồi phục và tiếp tục gia tăng sau đó. Đơn cử, theo thống kê trong 16 năm qua, giá bất động sản tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tăng 27 lần, tại quận 1, TP.HCM tăng 22 lần, trong khi giá vàng chỉ tăng hơn 5 lần. Lịch sử đã cho thấy, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, kể cả dịch bệnh lan truyền, nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, khi thị trường xuất hiện tâm lý sợ hãi thì những nhà đầu tư yếu bóng vía thường bán tháo dưới giá thị trường. Doanh nghiệp thời điểm này cũng tung ra nhiều gói khuyến mại, chính sách bán hàng hấp dẫn để tăng tính thanh khoản. Do đó, đây là thời điểm có nhiều cơ hội mua bất động sản để tích trữ cho dài hạn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cơ hội nào cho bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch?

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu, bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất thị trường.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. “Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn”, báo cáo cho hay.

Các nhà phân tích của BSC cho rằng các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó.

Tại báo cáo nghiên cứu đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam do Savills vừa phát hành, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, chúng tôi dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn con số dự kiến này. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn của khu vực này vào thị trường khách Trung Quốc trong khi đây là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top