Aa

Bất động sản 24h: Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ đồng

Thứ Tư, 15/02/2017 - 14:01

Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ của HoRea; Top 10 doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận và hàng tồn kho lớn nhất năm 2016; Sẽ tiếp tục phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực; Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Sức sống mới phá vỡ quy hoạch; … là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Top 10 doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận và hàng tồn kho lớn nhất năm 2016

Tính đến ngày 9/02/2017, đã có 52/55 doanh nghiệp BĐS niêm yết công bố BCTC quý 4/2016. Trong đó, 46 doanh nghiệp báo lãi (25 doanh nghiệp lãi tăng trưởng so với năm 2015 và 19 doanh nghiệp giảm lãi) và 6 doanh nghiệp báo lỗ.

Theo đó, tổng lợi nhuận toàn ngành đạt gần 8.555 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với năm 2015. Đáng chú ý là đã có sự thay đổi lớn về vị trí quán quân lợi nhuận ngành trong năm vừa qua.

Trong đó, sau khi lên sàn vào những ngày cuối năm 2016, Novaland (NVL) công bố kết quả lãi ròng cả năm 2016 gần 1.662 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 và trở thành một trong những doanh nghiệp BĐS niêm yết có lợi nhuận 2016 lớn nhất.

Nếu xét về doanh thu, Vingroup (VIC) vẫn đứng đầu Top các doanh nghiệp BĐS niêm yết với giá trị hơn 58.500 tỷ đồng trong năm 2016, tăng gần 72%. Vingroup cho biết doanh thu tăng ở tất cả các thương hiệu, từ Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinpearl Land, Vinschool, Vinmec, VinMart, Vinmart+ đến VinPro.

Lợi nhuận sau thuế của VIC đạt 3.505 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng của công ty mẹ ghi nhận gần 1.554 tỷ đồng, tăng 28%.

Xem chi tiết tại đây.

Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ của HoRea

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhận được công văn 106 của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoRea) báo cáo năm 2016 và dự báo thị trường bất động sản năm 2017, trong đó có kiến nghị về việc cho phép người nhận nhà từ ngày 1/1/2017 trở đi được tiếp tục giải ngân theo hợp đồng đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời không đồng ý.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã ban hành Thông tư 25 quy định rõ việc gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3/2016 của khách hàng cá nhân, hộ gia đình chỉ thực hiện tối đa đến ngày 31/12/2016.

Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ của HoRea. Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước “bác” kiến nghị gia hạn gói 30.000 tỷ của HoRea. Ảnh minh họa.

Đối với các khoản giải ngân sau ngày 31/12/2016 sẽ từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại và áp dụng lãi suất theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.

Tính đến ngày 31/12/2016, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã giải ngân được 29.679 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, đạt 95% số tiền cam kết cho vay.

Theo báo cáo của các ngân hàng, việc chưa giải ngân hết là do khách hàng không còn nhu cầu giải ngân toàn bộ số tiền trên hợp đồng, đã bố trí được một phần từ nguồn khác hoặc dự án bị chậm tiến độ…

Xem chi tiết tại đây.

Mật độ và sức sống đô thị Hà Nội: Sức sống mới phá vỡ quy hoạch

Mỗi khu vực của Hà Nội, trước thì theo địa hình, địa mạo hoặc thuận tiện giao thông, thuận bề sinh sống, sau này bài bản thì tùy theo sự phân bổ, hoạch định chức năng trong cấu trúc, quy hoạch tổng thể chung mà có mật độ và sức sống khác nhau. Và cũng theo đó mà mối liên quan giữa mật độ và sức sống cũng khác.

Có những khu vực mật độ xây dựng cao, chất lượng cuộc sống, tiện ích đô thị, nhà cửa chưa hẳn đã đáp ứng tốt cho điều kiện sống nhưng lại có sức sống mãnh liệt, buôn bán, tấp nập tạo ra kinh tế sung túc như trong Khu phố cổ hoặc trên các tuyến phố thương mại, tuyến phố chính Hà Nội. Vì vậy mà giá trị đất cũng ở mức cao - đắt nhất.

Tuy nhiên, khu phố cũ liền kề với khu phố cổ được xây dựng theo quy hoạch bài bản, với mục tiêu kiến tạo nên một đô thị “thành phố vườn”, hệ thống giao thông ô bàn cờ mạch lạc, đồng bộ các chức năng, mật độ xây dựng công trình vừa phải, trong đó các công trình nhà ở quy mô thấp tầng (biệt thự, nhà ở hàng phố...) được sắp xếp trong tổng thể cảnh quan cây xanh mặt nước... lại vẫn có sức sống mãnh liệt, giá trị đất và chất lượng sống cao nhất.

Vậy lý do gì góp phần tạo nên sức sống của đô thị, của khu vực?

Xem chi tiết tại đây.

Sẽ tiếp tục phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực

Ngày 14/2, làm việc với Quận ủy Ba Đình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu, các đơn vị liên quan có giải pháp thiết kế an toàn, tiếp tục phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực.

Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Vì thế, nếu xử lý công trình vội vã mà làm nảy sinh vấn đề khác mất an toàn thì hết sức phức tạp, do vậy cơ quan chức năng cần thường xuyên bám sát địa bàn.

“Sở Xây dựng cùng quận phải có giải pháp thiết kế an toàn, rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Trong khi đó, theo báo cáo của Quận ủy Ba Đình, đến thời điểm này, quận đã hoàn thành giai đoạn một việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Thành ủy và UBND TP.

Tính đến ngày 31/10/2016, quận đã phá dỡ xong sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột. Hiện đang chỉ đạo xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn hai.

Xem chi tiết tại đây.

Cải tạo chung cư cũ và tín hiệu “bất ngờ” của Hà Nội: Cả khu tập thể "chống nạng" hoang mang

Chiều 13/2, phóng viên Reatimes có mặt tại Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp (Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nằm ngay cạnh mặt đường 32, từ nhiều năm nay, khu tập thể này đã được nhắc đến với cái tên như như “khu tập thể chống nạng giữa Thủ đô”, “khu tập thể gãy xương, chờ sập ở Hà Nội”, thậm chí là “khu tập thể đánh đu với tử thần”...

Mặc dù, đã tìm hiểu trước về những khu tập thể xuống cấp ở Hà Nội nhưng khi có mặt tại đây, phóng viên không khỏi ngạc nhiên về sự tồi tàn của nơi này. Toàn bộ dãy nhà 4 tầng bị bao phủ bởi một lớp rêu phong nhem nhẻm đen với nhiều đoạn tường bong tróc, loang lổ, trơ những thanh sắt hoen gỉ.

Thấy phóng viên đến, một số người dân sống ở tầng 1 và 2 vội xúm lại than khổ. Chị Bùi Thị Vân Hồng, phòng 204 cho biết, khu tập thể này được xây dựng cách đây đã hơn 50 năm cho nên đang mỗi ngày một xập xệ.

“Tường và trần nhà bong tróc, ẩm thấp. Mỗi nhà ở đây chỉ được 18m2 nhưng có gia đình có tới 9 người ở. Vì thế, người dân chúng tôi chỉ mong Nhà nước, thành phố quan tâm sớm cải tạo lại”, chị Hồng nói.

Xem chi tiết tại đây.

300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS - con số biết nói: Tay trái kéo FDI, tay phải “vỗ béo gà nhà”

Xung quanh thông tin tháng 1/2017, BĐS Việt Nam ghi nhận con số đăng ký 300 triệu USD vốn FDI, trong lọat bài viết "300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS - con số biết nói", Reatimes đã đưa nhiều quan điểm khác nhau từ các chuyên gia kinh tế, BĐS - những người đã có một quá trình dài dõi theo bước đi của dòng vốn này vào thị trường Việt Nam.

Hầu hết, các chuyên gia đều nhận định rằng, so với 1,7 tỷ USD FDI trong cả năm 2016, thì con số nhìn thấy được trong tháng 1/2017 vừa qua là con số ấn tượng và mang nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, vẫn có không ít những quan ngại về việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ khiến giới đầu tư thế giới quay lưng lại với những quốc gia mới nổi như Việt Nam.

Khi nói đến câu chuyện FDI "chảy" vào BĐS, giới kinh tế đều đặt trọng tâm vào việc tìm hướng biến con số đăng ký thành hiện thực. Trong đó, giải pháp được ưu tiên là cởi nút thắt ở chính sách và quy hoạch.

Không phải ngẫu nhiên, các nhà kinh tế học lại đánh giá cao vai trò của nguồn vốn này trong việc tác động đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường địa ốc nói riêng. Xét trong tổng quan nền kinh tế suốt 30 năm qua, không thể phủ nhận FDI đã góp phần đáng kể cho mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top