Aa

Bất động sản 24h: Người giàu không bán, người nghèo khó mua

Thứ Sáu, 06/05/2022 - 10:05

Thị trường bất động sản: Người giàu không bán, người nghèo khó mua; Nhiều dự án nhà ở TP.HCM sẽ tăng giá đến 15% trong đợt mở bán mới... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường bất động sản: Người giàu không bán, người nghèo khó mua

"Tắc nghẽn" đang là từ khóa phản ánh bức tranh thị trường địa ốc, cùng với đó là sự lệch pha về cung - cầu hay giữa nhu cầu sở hữu nhà đất ở thực với việc “ôm đất chờ thời” của những người dư dả tài chính...

Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng giá bất động sản ngày càng tạo khoảng cách lớn so với tốc độ tăng thu nhập khiến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày một hạn chế. Vì thế, giải pháp khả dĩ nhất với nhiều người lao động ngoại tỉnh ở các đô thị lớn là thuê phòng trọ, khiến nhu cầu đối với dòng sản phẩm này tăng lên. Cũng có những chủ đầu tư vì áp lực dòng tiền mà phải điều chỉnh giảm giá bán, nhưng cũng không đủ đáp ứng nguồn cầu nhà ở rất lớn hiện nay.

Điều tương tự cũng đang xảy ra ở phân khúc căn hộ, khi mà nguồn cung hạn chế tiếp tục đẩy giá lên cao. Tại thị trường Hà Nội, số liệu của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý I/2022, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì), tăng 4% theo quý và 13% theo năm. Phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở ngưỡng 16%. Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình trong quý I/2022 đạt 1.278 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhiều dự án nhà ở TP.HCM sẽ tăng giá đến 15% trong đợt mở bán mới

Khảo sát từ Savills cho thấy, trong quý đầu năm, nguồn cung sơ cấp đạt 4.050 căn, giảm 48% theo quý và giảm 18% theo năm. Thị trường không có dự án mới nhưng có 2.150 căn mở bán mới đến từ các giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện hữu, giảm 62% theo quý và giảm 3% theo năm.

Có 20 dự án đang tạm dừng bán, trong đó đa số các dự án dừng để điều chỉnh giá bàn cho các đợt mở bán sắp tới. Phân khúc hạng C chiếm 74% nguồn cung sơ cấp, theo sau là hạng B với 23%.

Quận 9 dẫn dắt nguồn cung với 29% và hơn 90% trong số đó đến từ Vinhomes Grand Park - The Origami. Quận 12 đứng thứ hai với 24%, chủ yếu từ dự án Pi City với 869 căn mới.

Tổng lượng giao dịch trong quý đạt 3.020 căn, giảm 46% theo quý nhưng tăng 45% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt 75%, cao nhất trong 5 quý gần đây và nguồn cung mới đạt tỷ lệ hấp thụ 83%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vì sao thị trường bất động sản "sốt nóng" trong quý I/2022?

Quý I/2022, thị trường bất động sản xuất hiện sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch về hạ tầng. Cùng với đó, quá trình hình thành các đô thị mới cũng đang dẫn dắt hành trình tăng giá bất động sản.

Theo Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút mạnh dòng tiền.

Cụ thể, trong quý I bất động sản đã vươn lên vị trí số 2 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD (tính chung cả năm 2021 bất động sản đứng vị trí thứ 3). Đồng thời, giá trị M&A (mua bán và sáp nhập) bất động sản của quý I/2022 cao nhất 5 năm (theo báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Thu hút dòng vốn đầu tư lớn

Thị trường bất động sản công nghiệp đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực, tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới và trở thành lĩnh vực nổi bật thu hút nguồn vốn FDI về Việt Nam.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, song bất động sản công nghiệp vẫn là "điểm sáng" trên thị trường với tăng trưởng tích cực. Nhiều "ông lớn" tiếp tục đổ tiền vào bất động sản công nghiệp, với các dự án quy mô cho thấy tiềm năng lớn của phân khúc này trong năm 2022. Cộng với nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của phân khúc này.

Theo JLL (thành viên tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle), Việt Nam được đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư, bởi Việt Nam đang có nhiều điểm thu hút buộc các nhà đầu tư phải “mạnh tay” chi tiền vào bất động sản công nghiệp.

Ghi nhận trong quý I/2022 tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường vốn: Đòn bẩy đắc lực cho các doanh nghiệp bất động sản

Nhu cầu vốn đối với bất động sản chưa bao giờ giảm nhiệt, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau tác động của đại dịch. Chính vì thế, khơi thông dòng chảy thị trường vốn là giải pháp cấp thiết để gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh cả về phạm vi, quy mô và có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, đang cần nguồn vốn lớn để vực dậy. Chính vì thế, việc tìm ra các giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững là điều rất cấp bách.

Bất động sản là ngành cần nguồn vốn rất lớn và chủ yếu là vốn trung và dài hạn. Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn "sống tạm" và phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Trong khi, về nguyên lý, ngân hàng chỉ nên đáp ứng vốn vay ngắn hạn. Khi tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như bất động sản, thì trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi, tài trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh dài hạn, giúp doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top