7 khu vực có giá đất tăng chóng mặt, nhiều nơi lập đỉnh mới
Trong quý 1 năm 2021 "sốt đất" diễn ra ở nhiều nơ từ Bắc chí Nam. Nguyên nhân được giới chuyên gia cho là do dòng tiền rẻ đổ mạnh vào bất động sản, cùng với đó là các thông tin về quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng, và bên cạnh đó còn là lực lượng "cò đất" hùng hậu tung tin thổi giá đất lên cao, nhiều nơi bỗng dưng có giá đất "nhảy múa" theo ngày. Có những nơi tăng giá chóng mặt từ 2 – 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.
Sau khoảng 2 tháng cơn sốt đất diễn ra khắp nơi, hiện nay nhiều khu vực đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, ở những khu vực này đã thiết lập mặt bằng giá mới. Theo dự báo của các chuyên gia, có 2 xu hướng có thể xảy ra về giá đất trong thời gian tới. Một là, với những nơi "sốt ảo", giá đất bị đẩy lên một cách chóng vánh, tăng gấp nhiều lần trong thời gian ngắn mà không có những yếu tố thực tế như việc đầu tư xậy dựng hạ tầng, phát triển mạnh về đô thị thì khả năng sẽ diễn ra hiện tượng "xì hơi". Hai là, những khu vực có giá đất tăng ở mức vừa phải, bền vững nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng cũng như các thông tin hỗ trợ về quy hoạch và dự án giao thông trọng điểm được xây dựng sẽ giữ được đà tăng giá.
Khảo sát cho thấy, một số khu vực có giá đất tăng chóng mặt so với năm ngoái.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thiếu chữ “tín“, doanh nghiệp địa ốc gặp khó trong xoay vốn
Để phát triển dự án, nguồn vốn dồi dào được coi là bài toán sống còn của doanh nghiệp. Với đặc thù của ngành có giá trị vốn hoá cao, muốn phát triển và nuôi dưỡng dự án, doanh nghiệp buộc phải gia tăng tiềm lực tài chính.
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề huy động của doanh nghiệp địa ốc là một bài toán nhiều thách thức, nhất là khi Covid-19 xuất hiện. Nhìn vào diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2020, thời điểm dịch bệnh xuất hiện, các doanh nghiệp địa ốc đều phải triển khai nhiều hình thức gọi vốn khác nhau.
Điển hình nhất là làn sóng phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian gần đây. Năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã vươn lên chiếm ngôi vị quán quân trong phát hành trái phiếu khi chiếm tỷ trọng 38% (tăng mạnh so với tỷ trọng 24% năm 2019), thu về nguồn tiền 163.700 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2021, doanh nghiệp bất động sản cũng tiếp tục giữ ngôi vương về huy động trái phiếu. Bởi “khát vốn”, không ít doanh nghiệp tưng ra mức lãi suất trái phiếu cao lên tới trên 10%/năm. Cụ thể như Tập đoàn Novaland, HUD đưa ra mức 10,5%/năm; Sunshine Group đưa ra mức 11%/năm, Công ty Phát Đạt đưa ra mức 14%/năm, Apec Group đưa ra mức lãi suất 13%...
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc lại “chuộng” hình thức M&A để huy động nguồn lực duy trì dự án. Ghi nhận từ JLL, thị trường địa ốc năm 2020 đón nhận nhiều thương vụ gọi vốn từ các chủ đầu tư Việt Nam có danh mục phát triển quy mô lớn, có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Công an TP.HCM đang điều tra vụ lừa đảo tại dự án khủng ở Đồng Nai
Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP.HCM vừa có văn bản số 4779/PC03-Đ9 gửi Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu và tạm ngưng giao dịch phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, để phục vụ công tác điều tra, Công an TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM phối hợp với các ngân hàng trong hệ thống các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu về hồ sơ đăng ký mở tài khoản. Đồng thời, cung cấp bản sao kê các giao dịch của các tài khoản, từ thời điểm tháng 6/2016 đến nay và cho biết số dư hiện có của các tài khoản đứng tên của công ty, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, tạm ngưng giao dịch rút tiền tại các tài khoản, tổng số tiền tạm ngưng giao dịch không vượt quá 49,763 tỷ đồng và tiến hành việc thực hiện ngưng giao dịch vào cùng một thời điểm đối với các tài khoản mở tại ngân hàng khác nhau, nhằm tránh sự tẩu tán tài sản từ chủ tài khoản.
Các thông tin tài khoản bị yêu cầu tạm ngưng gồm: Công ty cổ phần Free Land, địa chỉ tại căn hộ số L36OT - 1 tầng 36 Tòa L6, Vinhomes Golden River số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM, do Vũ Minh Lý đứng tên người đại diện theo pháp luật. Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Star Beach, địa chỉ trụ sở tại S04 Saigon Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM do Nguyễn Thị Thanh Tú đứng tên đại diện theo pháp luật.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nghệ An: Bất động sản công nghiệp tạo làn sóng mới
Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc đã kéo theo nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến nguồn cung bất động sản công nghiệp tại các địa bàn trọng yếu như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... ngày càng khan hiếm. Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy đạt 88% ở TP.HCM, 94% ở Đồng Nai, 99% ở Bình Dương, 84% ở Long An, 79% ở Bà Rịa Vũng Tàu. Còn tại phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.
Nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi tăng trong khi nguồn cung đang không theo kịp khiến giá thuê tăng cao. Đây đang là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp.
Tại phía Bắc, giá thuê tại Hà Nội lên đến 129 USD/m2 (tăng 13,1%), Bắc Ninh là 95 USD/m2 (tăng 9,2%) Hưng Yên lên 83 USD/m2 (tăng 6,4% cùng kỳ 2019), Hải Dương là 76 USD/m2 (tăng 15,1%), và Hải Phòng lên tới 96 USD/m2 (tăng 3,2%).
Tại phía Nam, giá thuê đất trong các khu công nghiệp năm 2020 đạt 147 USD/m2 tại TP.HCM, 107 USD/m2 tại Bình Dương (tăng 4,9% so với cùng kỳ 2019), 98 USD/m2 tại Đồng Nai (tăng 6,5%), 123 USD/m2 tại Long An (tăng 7,8%) và 65/m2 tại Bà Rịa Vũng Tàu (tăng 18,1%).
Trước bối cảnh quỹ đất dành cho công nghiệp dần hạn hẹp và giá tăng ở các địa bàn truyền thống, các chuyên gia đánh giá, những địa phương mới có tiềm năng quỹ đất và mặt bằng giá thấp sẽ là “thỏi nam châm” đón dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
BR-VT: Tạm dừng thủ tục giao dịch đối với đất đồng sở hữu
Kể từ ngày 19/4/2021, tỉnh BR-VT tạm dừng các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình, cá nhân chung quyền sử dụng một thửa đất (kể cả các trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa hoàn thành các thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đối với các trường hợp diện tích đất bình quân/hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong cùng một thửa đất thấp hơn diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định.
Tỉnh BR -VT chỉ đạo ngành TN&MT làm rõ quy định pháp luật cho phép chuyển nhượng một thửa đất cho nhiều hộ gia đình, cá nhân chung quyền sử dụng một thửa đất, nhất là các trường hợp diện tích đất bình quân/hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong cùng một thửa đất thấp hơn diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn - Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, việc giao dịch chuyển nhượng đất đồng sở hữu sẽ tác động tiêu cực đến công tác quản lý trật tự về tách thửa, đất đai, trật tự xây dựng và đặc biệt là xử lý tranh chấp đối với các hộ gia đình do có nhiều rủi ro.