Sắp triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội, lãi suất thấp hơn 1,5 - 2%
4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng, với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% so với thị trường.
Sau các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từ đầu tháng 2 đến nay, có 2 giải pháp về các gói tín dụng được hé lộ. Đầu tiên là đề xuất của Bộ Xây dựng với gói khoảng 110.000 tỷ đồng (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây). Hai là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước thống nhất với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ không nghiên cứu tiếp gói tín dụng 110.000 tỷ đồng đã đề nghị trước đó. Thay vào đó, Bộ này cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gỡ khó thị trường bất động sản phải trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ“
Không nên đặt nặng việc "cứu" hay "không cứu" thị trường bất động sản mà chỉ nên xem những chính sách của Nhà nước là nhiệm vụ cần thiết để gỡ khó cho thị trường trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".
Ngày 17/2/2023 vừa qua, hội nghị của Chính phủ bàn về vấn đề thị trường bất động sản thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nội dung được nêu rõ là tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng gói gọn trong mấy chữ "giải cứu thị trường bất động sản" và cho rằng, các nhà đầu tư sau thời gian "ăn đậm" với món lời từ bất động sản, nay họ chủ động kêu cứu và đang chờ đợi sự giải cứu đến từ Chính phủ.
Cũng chính cách diễn đạt này khiến dư luận đang đặt các doanh nghiệp, thị trường bất động sản lên bàn cân để xem xét, liệu có nên giải cứu hay không? Phía các nhà đầu tư thì cho rằng, cần phải giải cứu để tháo gỡ khó khăn, giúp các dự án bất động sản tìm được lối ra, tránh tình trạng đổ vỡ hàng loạt, khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến người dân lại không tán thành, cho rằng đã là thị trường thì phải bình đẳng, cạnh tranh, lời ăn, lỗ chịu và bất động sản không thể là trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Hơn hết, bất động sản vừa trải qua cơn sốt đẩy giá lên cao, các nhà đầu tư kiếm lời bộn tiền, nay không lý do gì Nhà nước lại sử dụng các gói hỗ trợ, giảm lãi suất để cứu các dự án bất động sản. Bởi điều này không khác gì "cứu nhà giàu".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường khách sạn tại Hà Nội đón nhận tín hiệu tích cực
Việc phục hồi du lịch, nhất là mảng du lịch quốc tế được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thị trường khách sạn khởi sắc hơn với sự cải thiện được ghi nhận từ công suất và giá phòng.
Theo khảo sát của PV, ở thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh lưu trú của khối khách sạn 3 - 5 sao tại Hà Nội đã đón lượng khách ngày càng tăng, công suất phòng đạt 80 - 95%. Thời điểm cuối tuần hay dịp lễ, nhiều nơi đạt công suất 100%. Đặc biệt, nhiều cơ sở lưu trú đã có những chính sách riêng để thu hút khách, nhất là vào mỗi dịp cao điểm. Một số khách sạn 4 - 5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Chia sẻ với PV, anh Trần Văn Minh, quản lý khách sạn Amore Hotel cho biết, khách lưu trú tại khách sạn đang ghi nhận tăng dần đều theo từng tháng. Khách sạn bên anh chủ yếu đón các đoàn khách quốc tế, khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo) đến từ Đông Nam Á với các thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Anh Đỗ Trọng Nghĩa, quản lý một khách sạn 4 sao tại phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, khách sạn liên tiếp đón nhiều đoàn du khách nước ngoài đến du lịch và làm việc.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giải bài toán nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản: Bắt đầu từ đâu?
Hoạt động của thị trường bất động sản đang như một cỗ máy quay đều, khi một mắt xích nào đó vướng mắc, chậm lại, cả cỗ máy bị ảnh hưởng, thậm chí ngưng hoạt động.
Thực tế, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khó khăn của thị trường và các doanh nghiệp bất động sản ngày càng chồng chất hơn, trái ngược với bức tranh phục hồi có phần sôi động ở nửa đầu năm.
Một trong những nguyên nhân là do “phương thuốc” kiểm soát tín dụng, ngăn chặn đầu cơ và sự tăng nóng của thị trường bất động sản được Ngân hàng Nhà nước “tăng liều”, thắt chặt hơn. “Ngấm thuốc”, thị trường bất động sản ngay lập tức thoát khỏi tình trạng nóng sốt, đầu cơ dần được loại bỏ, tình trạng cho vay dưới chuẩn thuyên giảm, nhưng tác dụng phụ không mong muốn là thanh khoản thị trường chậm dần đều. Cú phanh gấp trong chính sách điều hành tín dụng đã khiến mắt xích nguồn vốn để các doanh nghiệp triển khai dự án bị đứt gãy. Bên cạnh đó, tâm lý của thị trường cũng bị ảnh hưởng từ động thái kiểm soát tín dụng có phần chặt chẽ hơn của Ngân hàng Nhà nước với lĩnh vực bất động sản. Nhà đầu tư chuyển sang trạng thái nghe ngóng, chần chừ, thậm chí quay lưng với bất động sản.
Càng về cuối năm 2022, càng nhiều doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà than không tiếp cận được tín dụng. Phía Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định không siết, nhưng các tổ chức tín dụng lại giải thích do cạn room, hết room, phải chờ room được nới mới có thể giải ngân. Một loạt ngân hàng sau đó đề nghị được nới room, sau khi được đáp ứng (dù không nhiều), tâm lý của người mua và doanh nghiệp có phần tích cực hơn, tuy nhiên, câu chuyện khó tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản "xì hơi", chọn phân khúc nào để đầu tư lúc này?
Trong khi nhiều sản phẩm bất động sản đầu cơ có xu hướng giảm giá thì những sản phẩm có giá trị thực vẫn giữ và tăng giá.
Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản trong thời gian tới, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho rằng, nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ hướng đến những sản phẩm có giá trị thực. Một số loại hình bất động sản, đặc biệt là nhà phố đang nhận được sự quan tâm rất lớn.
Theo ông, sự quan tâm loại hình này ở cả giá bán, giá thuê đều rất tốt. Mua nhà phố ngoài để ở còn có thể cho thuê kinh doanh.
"Thông thường các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ chọn đầu tư theo dòng tiền, theo lãi vốn hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Trong khi đó, nhà phố đảm bảo được cả 2 tiêu chí, vừa có thể tạo ra lãi vốn, vừa có thể tạo ra dòng tiền nên sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn phần còn lại", ông Hảo phân tích.